Gia đình Bác Hồ với dòng họ Nguyễn Sỹ (Tú Viên)
GIA ĐÌNH BÁC HỒ VỚI DÒNG HỌ NGUYỄN SỸ TÚ VIÊN
----------o0o----------
Tự hào và hạnh phúc khi dòng họ ta có mối quan hệ tốt đẹp với gia đình Bác Hồ.
Theo gia phả viết, theo 1 số hiện vật quý giá như câu đối, hoành phi,…theo Hồ sơ di tích do UBND tỉnh, Sở Văn hóa Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Chương, Đảng ủy, UBND xã Thanh Lương và dòng họ ta nghiên cứu, thẩm định công nhận họ ta có 2 di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (1997-1998) thì họ ta có mối quan hệ rất tốt đẹp với 1 số thành viên trong gia đình Bác Hồ mà tôi xin lược kể sau:
1) Cụ Nguyễn Sinh Sắc: Thân sinh của Bác Hồ.
Cụ sinh 1862, mất 1929, thọ 67 tuổi. Cụ đỗ cử nhân năm 1894, đỗ Phó bảng 1901. Năm 1906 được bổ nhiệm làm Thừa biên bộ lễ.
Cụ cùng cụ Phan Bội Châu, tam giáp tiến sĩ Nguyễn Đình Điển học ông Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng (húy Thúc Hoằng) – Sách Khoa bảng Nghệ An ghi rõ ở trang 46, 47.
Gia phả, bản dịch của Nhà giáo Hoàng Nghĩa Quán trang 33 có ghi: Ông Nguyễn Sỹ Ấn năm Bính Thân được cử làm đồng Khảo Đình. Tại đây gặp nhiều người huyện Nam Đường, bèn thấy Nguyễn Sinh Sắc học giỏi nhưng nhà nghèo, có chí. Tiên khảo đã nhắc Nguyễn Sinh Sắc làng Hoàng Trù đưa vợ và các con vào kinh đô Huế để ổn bề gia thất, ta sẽ giúp mới thành đạt. Nguyễn Sinh Sắc đã đưa vợ con vào. Một năm sau thi đậu Phó bảng.
Sau khi đỗ, ông Sắc đã đưa 2 con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung lên nhà thờ họ Nguyễn Sỹ thắp hương và tặng:
+ Bức hoành phi: Thư thi trạch
+ Đôi câu đối:
“Lưu Tú viên bồi công đức thụ
Hồi Xuân Lâm trưởng tử tôn chi”
(Tạm dịch nghĩa: Ở Thôn Tú Viên vun cây công đức, rời Tổng Xuân Lâm nhớ con cháu chi họ).
Bức hoành phi và đôi câu đối này được khắc rất đẹp trên gỗ tốt, chữ sáng rõ, đã trên 120 năm vẫn còn như mới nguyên.
Như vậy, với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, họ ta còn lưu giữ 2 bảo vật (cỡ quốc gia).
2) Ông Nguyễn Sinh Khiêm là con trai của Cụ Sắc – Bà Loan.
Ông Khiêm (1888-1950) thọ 62 tuổi còn có tên là Nguyễn Tất Đạt. Ông là nhà yêu nước, năm 1895 vào Huế ở nhà ông Nguyễn Sỹ Độ làng Dương Nỗ, hoạt động chống Pháp, bị giặc Pháp bắt giam 2 lần.
Ông hay giao du, làm thuốc bắc. Theo nhà văn Sơn Tùng (quê Diễn Châu thọ 91 tuổi, là người hiểu sâu và có nhiều tư liệu quý về gia đình bác Hồ) thì ông đã cùng cụ cử nhân họ Hồ là Hồ Phi Huyền tìm ra nơi an táng mẹ ông là bà Hoàng Thị Loan hiện nay ở Động Tranh - Theo bài viết của Tiến Sỹ Phan Xuân Thành (Nguyên là Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, nguyên là Chủ tịch Hội Lịch sử Nghệ An).
Tháng 3/1946 ông đã lên nhà thờ họ Nguyễn Sỹ để báo tin vui là em mình (Bác Hồ) làm Chủ tịch nước. Ông đã thắp hương kính bái người đã từng dạy học cho mình là Cụ Sắc và đã xúc động tặng 4 câu thơ:
Muôn thuở công thành danh hiển đạt
Ngàn thu đức sáng họ phồn vinh
Nối nghiệp tổ tiên truyền Cẩm Tú
Noi gương con cháu quyết học hành!
Ông hay đến nhà thờ, chơi và giao lưu với ông Hàn Giản (thân sinh của Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách).
Năm 1950 ông qua đời, họ ta cử 1 đoàn 5 người do ông Giản dẫn đầu xuống viếng ở Kim Liên. Bà Thanh chị ruột của Bác Hồ nói vui: “Mấy ông Chợ Cồn xuống rồi!”
3) Bác Hồ - Đồng chí Nguyễn Ái Quốc
Thuở nhỏ Bác đã theo bố và anh trai đến nhà thờ họ ta, đã múc nước ở bể cạn rửa tay trước khi thắp hương.
Người được trực tiếp Bác Hồ nhiều nhất là đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, đã 5 lần tự tìm đường, tìm phương tiện, tiền bạc để sang Trung Quốc gặp và làm việc với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện của Bác, được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ làm Bí thư Kỳ bộ Trung kỳ và chuẩn bị cho thành lập Đảng. Khi đồng chí hy sinh ở nhà tù đế quốc ở Lao Bảo, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có Thông tri cho toàn cõi Đông Dương tổ chức truy điệu.
Thông tri còn lưu ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và đã trình bày trang trọng (khắc đá) ở Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tại quê nhà và mộ phần.
Năm 1957, Đảng và Nhà nước đã đưa bà Nguyễn Thị Hồng (vợ Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách) ra Hà Nội ở 61 Hàng Trống (gần sát bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bà có trợ cấp hàng tháng và cho con gái Nguyễn Thị Lan Hương và giáo sư Lê Kinh Duệ ở cùng vợ với cháu ngoại.
Hàng năm ngày tết âm lịch, bà dược mời vào ăn cơm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và vài lần được ăn cơm trực tiếp với Bác.
Bà qua đời năm 1999 thọ 92 tuổi. Con gái Lan Hương vẫn còn ở với con trai tại Hà Nội. Lan Hương sinh 1926 đã ở độ tuổi 97.
Ngoài ra, tôi không biết rõ lắm nhưng chắc chắn ông Nguyễn Sỹ Đồng, Nguyễn Sỹ Dương đã được trực tiếp gặp, làm việc với Bác ở cương vị Phó Thống đốc ngân hàng và Cục phó nội chính Chính phủ,…
Giới thiệu đôi nét để con cháu hiểu thêm và tự hào về dòng họ của chúng ta.
Nguyễn Sỹ Lan, đời thứ 9