TỪ ĐƯỜNG, HƯƠNG HỎA DÒNG HỌ
1. Vị trí địa lý:
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ nằm ở trung tâm làng Tú Viên, Tổng Xuân Lâm nay là xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Di tích cách thành phố Vinh 26 km về hướng Đông. Từ thành phố Vinh, theo đường Quốc lộ 46, đến km 28 rẽ hướng Tây Nam, theo đường Nguyễn Sỹ Sách khoảng 15 km là đến nhà thờ họ Nguyễn Sỹ.
2. Lịch sử nhà thờ:
Nhà thờ là nơi gắn bó với cuộc đời của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, một cán bộ tiền bối kiên trung của Đảng.
Trong cao trào cách mạng 1930-1931, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là nơi hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng.
Tháng 9 năm 1930, tại đây, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí cán bộ Tỉnh uỷ Nghệ An: Nguyễn Tiềm, Đặng Chánh Kỷ, Nguyễn Hữu Bình và các đồng chí: Tôn Gia Tinh, Tôn Thị Quế, Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Đình Thốc đại diện cho Huyện uỷ Thanh Chương, Tổng uỷ Xuân Lâm tiến hành Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Quang Trung - Chi bộ ghép của Tú Viên với nửa làng Xuân Bảng và nửa làng Xuân Dương, do đồng chí Nguyễn Sỹ Tâm làm Bí thư.
Sau khi Chi bộ ra đời, các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, tự vệ đỏ, thanh niên, Hội ái hữu tương tế.. cũng lần lượt được thành lập.
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là nơi Huyện uỷ, Tổng uỷ Xuân Lâm làm việc từ tháng 9 năm 1930 đến tháng 1 năm 1931 để chỉ đạo phong trào Xô Viết vùng Hạ Thanh Chương. Ngày 25/8/1930, Huyện uỷ họp bàn quyết định tổ chức một cuộc biểu tình qui mô rộng lớn toàn huyện vào ngày 1/9/1930. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, bộ phận ấn loát chuyển về nhà thờ in ấn truyền đơn, tài liệu. Hàng trăm tờ truyền đơn, báo Nhà Quê, báo Tiến Lên, Chỉ thị, Nghị quyết được in ra và chuyển đi cơ sở trong huyện Thanh Chương, Nam Đàn. Tối 1- 9- 1930, Huyện uỷ cùng với các Chi bộ Đảng trong Tổng Xuân Lâm họp tại nhà thờ bàn việc tổ chức truy điệu liệt sỹ Nguyễn Công Thường, người hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình toàn huyện.
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là nơi các đồng chí Nguyễn Tiềm - Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, Lê Xuân Đào- Uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ, Đặng Chánh Kỷ, Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Tinh, Võ Thúc Đồng…những cán bộ của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về đây trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh ở vùng hạ Thanh Chương. Trong thời gian đó, con cháu và nhiều gia đình họ Nguyễn Sỹ đã canh gác cho tổ ấn loát làm việc, cất dấu tài liệu, phục vụ, nuôi dấu cán bộ cách mạng. Khi chính quyền Xô Viết ra đời ở các thôn xóm, nhà thờ Nguyễn Sỹ là nơi học chữ Quốc ngữ cho nhân dân trong vùng.
Năm 1930- 1931, dòng họ Nguyễn Sỹ có 17 đảng viên, 10 liệt sỹ, 19 người bị bắt giam, 6 gia đình được cấp Bằng có công với Nước.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà Hạ đường là kho lương thực, kho nông sản của tỉnh nghệ An.
3. Các ngày lễ quan trọng:
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được dòng họ lập nên để thờ các vị Tiên Tổ có công với nước với dân. Theo phong tục xưa, hàng năm tại nhà thờ tổ chức lễ Đại được vào Rằm tháng Giêng và lễ Rằm vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch; ngày 27-7, các tổ chức của huyện và xã thường đến nhà thờ thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách.
Lễ giỗ tổ tại nhà thờ Đại Tôn
Riêng ngày 26/6 hàng năm, theo đề nghị của sở Văn hoá thông tin Nghệ An, Hội đồng gia tộc đã lấy ngày này làm ngày hội truyền thông của Họ.
4. Khuôn viên và kiến trúc nhà thờ:
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được xây dựng năm 1600, diện tích khuôn viên là 580 m2; gồm có: cổng, 2 nhà Thượng đường và Hạ đường, sân.
- Cổng nhà thờ cao 4m, trên đỉnh cột cổng có đắp 2 con ghê.
- Nhà Hạ đường có 3 gian, 2 hồi, kiến trúc kiểu tứ trụ tam oai. Các đuôi kèo trạm trổ hoa lá cành, các hạ xà kiến trúc kiểu vỏ măng chỉ kềm và trạm hình triệu long. Nhà Hạ có chiều cao từ nóc xuống mặt nền là 4,2m; chiều dài 9,2m, rộng 6,6m. Nhà có 14 cột; cột lớn nhất cao 3,7m, đường kính 0,25m; chân cột kê bằng đá xanh được tạo theo khối vuông, rãnh tròn, kích thước là 0,3m x 0,3m x 0,12m. Nhà Hạ có 12 cánh cửa bàn khoa, lợp ngói vảy, trên đỉnh nóc có đắp hình lưỡng long triều nguyệt.
Kết cấu dọc: 1,03 - 2,33 - 2,55 - 2,33 - 1,03.
Kết cấu ngang: 1,15 - 1,20 - 1,92 - 1,20 - 1,15.
Bài trí nội thất: giữa nhà treo 2 bức cuốn thư, 2 cột treo câu đối của Tiến sỹ Nguyễn Đình Điển và của cụ Cử Lạng. Gian giữa có 2 yến thư, một bộ phản nơi các sỹ phu văn thân Cần Vương gặp gỡ luận đàm việc nước. Hai gian bên có 2 yến thư, một lá cờ Đảng (năm 1986 không còn do cờ bị mục nát), 1 chiêng, 2 trống (năm 1930-1931, chiêng, trống được dùng trong các cuộc biểu tình).
Nhà Thượng đường có 3 gian, chiều cao từ nóc xuống mặt nền là 4m, chiều dài nhà 7m, rộng 6m. Mái lợp ngói vảy, kiến trúc kiểu tứ trụ tam oai, kẻ xông chồng đấu, trạm trổ hoa lá ở các đường hạ và các chồng đấu với đường nét sắc sảo, trên đỉnh nóc có hình lưỡng long triều nguyệt. Tất cả gỗ làm nhà thờ bằng gỗ lim ròng, xung quanh xây đá ong, trét vôi hàu. Nhà có 8 cánh cửa bàn khoa và ván dật; 18 cột, cột lớn cao 2,7m, đường kính 0,22m; chân chân cột kê bằng đá hình tròn vân núi, đường kính 0,04m, cao 0,02m.
Kết cấu dọc nhà Thượng đường: 1,95m - 2,5m - 1,95m.
Kết cấu ngang nhà Thượng đường: 1m - 1m - 1,75m - 1m - 1m.
Bài trí nội thất: Gian giữa treo cuốn thư, hoành phi và bức đại tự. Bức hoành phi của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tặng nhà thờ có nội dung “Thi thư thạch”, nghĩa là ca ngợi truyền thống học hành thi cử của dòng họ Nguyễn Sỹ.
Gian giữa có bệ thờ ba bậc. Bậc thứ nhất (trên cùng) để tủ gỗ sơn son thiếp vàng, trạm hình lưỡng long triều nguyệt. Tủ đựng 5 đạo sắc vua ban, đã từng cất dấu hàng trăm tờ truyền đơn, báo chí, nghị quyết của Đảng trong thời gian Tổng uỷ Xuân Lâm và tổ ấn loát làm việc tại đây.
Bậc thứ hai bài trí mâm gỗ cổ bồng, mâm chè.
Bậc thứ ba có: 1 mâm gỗ cổ bồng sơn son thiếp vàng để mũ của danh tướng “Trung quân tiết chế” Nguyễn Sỹ Xung, 2 mâm chè, 1 giá gương sơn son thiếp vàng để bài cúng, 1 yến thư, 2 cọc đèn sáp, 1 lư hương, 2 lọ hoa.
Gian phía tả và phía hữu đều có bàn thờ xây bằng đá 3 tầng để linh toạ sơn son thiếp vàng và các mục chủ ghi tên tuổi sự nghiệp của từng cụ, trong đó có đ/c Nguyễn Sỹ Sách; có 2 yến thư. Trước hiên nhà Thượng đường có 2 cột quyết, trang trí hình tứ phượng ngũ lâu và hai câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc tạ ơn thầy Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn.
- Sân nằm giữa Thượng đường và Hạ đường, rộng 2,6m, có bể cạn xây bằng đá xanh để đựng nước cúng.
Với những giá trị lịch sử, khoa học, nhất là nơi ghi dấu những sự kiện phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được Bộ VHTT cấp bằng di tích Quốc gia, Quyết định số 985, ngày7/5/1997.
Tư liệu:
- Gia phả dòng họ Nguyễn Sỹ.
- Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh: 16:00-13/10/2010