Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

PHẢ KÝ

THANH LƯƠNG - VÙNG QUÊ GIÀU TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Người dân xã Thanh Lương (Thanh Chương, Nghệ An) rất đỗi tự hào bởi trên mảnh đất quê hương mình có khá nhiều di tích lịch sử, là những minh chứng sinh động cho bề dày truyền thống về lịch sử- văn hóa của một vùng quê. 

Mảnh đất này hiện có tới 4 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó 2 di tích được xếp hạng quốc gia (nhà thờ họ Nguyễn Sỹ và nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách) và 2 di tích xếp hạng cấp tỉnh (nhà thờ họ Nguyễn Duy, nhà thờ và mộ tổ dòng họ Chu).  

Nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách, Di tích lịch sử- văn hóa quốc gia

Theo gia phả, dòng họ Nguyễn Sỹ đến vùng đất Cồn Lim khai phá đất đai và lập nên làng Tú Viên (nay là xã Thanh Lương) đến nay đã trải qua 15 đời. Theo thời gian, dòng họ này ngày càng phát triển và đã sản sinh ra nhiều bậc khoa bảng và võ tướng làm rạng danh quê hương, đất nước. Chính những người con của dòng họ Nguyễn Sỹ xã Thanh Lương đã góp phần làm nên truyền thống yêu nước và khoa bảng của mảnh đất Nghệ An nói chung và Thanh Chương nói riêng. Có thể kể ra những nhân vật tiêu biểu như danh tướng Nguyễn Sỹ Xung (đời Hậu Lê), từng tham gia quân đội 18 năm và được phong đến chức Tráng tiết tướng quân phó Thiên hộ chức. Về sau, ông cũng là một trong những cận thần của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, có công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh. Em trai Nguyễn Sỹ Xung là Nguyễn Sỹ Biểu từng được vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) ban đạo sắc vì có công “dẹp bọn cướp bóc ức hiếp nhân dân”. Con trai Nguyễn Sỹ Xung là Nguyễn Sỹ Quyển cũng từng được giữ chức Biền binh thư lại. 

Về truyền thống khoa bảng, có Nguyễn Sỹ Lạng (tức Nguyễn Thúc Hằng) đỗ Cử nhân khoa Canh Ngọ (1870) nhưng không ra làm quan mà về quê làm nghề “gõ đầu trẻ” (chi tiết thân thế và sự nghiệp). Nguyễn Sỹ Ấn đỗ Phó bảng năm Giáp Thìn (1844) và được triều đình nhà Nguyễn phong chức Hàn lâm viện Kiểm khảo và sau đó làm Thị giảng Hàn Lâm viện...

 Qua các thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là điểm hội họp cuả giới sỹ phu khắp các vùng để bàn bạc con đường cứu dân, cứu nước. Đặc biệt, trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930- 1931), đây chính nơi hội họp, in ấn và cất dấu tài liệu của Đảng. Tại đây, cuối năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, Tổng ủy Xuân Lâm tiến hành Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Quang Trung do đồng chí Nguyễn Sỹ Tâm làm Bí thư. Đồng thời, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ còn là nơi gắn bó với cuộc đời của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, một cán bộ cách mạng tiền bối và trung kiên của Đảng. Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được con cháu đời sau lập nên để thờ các vị Tiên tổ có công với nước, với dân. Hàng năm, dòng họ tổ chức lễ đại vào Rằm tháng Giêng và lễ Rằm vào 17/5 Âm lịch. Và vào ngày Thương binh liệt sỹ (27/7) hàng năm, các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và xã đến đây thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách


Đền Cả, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng

          Tổ tiên dòng họ Nguyễn Duy ở Thanh Lương cũng là những người đến khai phá vùng Cồn Lim- Kẻ Ó và góp phần biến vùng đất hoang sơ này trở thành một miền quê đông vui, trù phú. Từ mảnh đất này, dòng họ Nguyễn Duy đã có những con người làm nên sự nghiệp vẻ vang, góp phần xây đắp truyền thống quê hương, là những tấm gương của muôn đời con cháu. Thời Tây Sơn, có Nguyễn Duy Địch, Nguyễn Duy Mờn, Nguyễn Duy Năm đã góp phần giúp vua Quang Trung đại phá quân Thanh, làm nên nghiệp lớn và được triều Tây Sơn ghi nhận công lao bằng việc ban tặng 5 đạo sắc. Trong cao trào Xô Viết Nghệ- Tĩnh, con em dòng họ Nguyễn Duy hăng hái đứng vào hàng ngũ đấu tranh chống áp bức, cường quyền. Tiêu biểu như Nguyễn Duy Trâm, Nguyễn Duy, Nguyễn Duy Tiên, Nguyễn Duy Từ, Nguyễn Duy Thịnh... Và nhà thờ họ Nguyễn Duy được chọn làm cơ sở in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng. Đây cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng họp bàn và soạn thảo kế hoạch đấu tranh với địch, là 1 trong 8 địa chỉ đỏ trong cao trào Xô Viết Nghệ- Tĩnh ở Thanh Chương.

Xin được nói thêm rằng, từ đường họ Nguyễn Duy là nơi thờ các vị tổ tiên, trong đó có những nhân vật được ghi danh vào sử vàng dân tộc. Đó là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc - thủy tổ của dòng họ, người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên vương triều mới. Là Nguyễn Trãi - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, vị quân sư đắc lực của Lê Lợi, người có công lớn trong việc đánh thắng giặc Minh, đưa dân tộc ta thoát khỏi tai họa. Là Nguyễn Anh Vũ, người con duy nhất của Nguyễn Trãi sống sót sau thảm án Lệ Chi viên. Đây còn là nơi thờ Nguyễn Duy Hiền và Nguyễn Duy Năng, những người đầu tiên của dòng họ đến đây khai đất lập làng. 

Mộ tổ họ Chu - Di tích Lịch sử - Văn hóa 

Cùng với họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Duy, dòng họ Chu cũng đến vùng đất Kẻ Trằm từ khá sớm. Và dòng họ này cũng đã sinh ra những bậc danh nhân, công thần của đất nước. Người đầu tiên là Tiến sỹ Nghĩa quận công Chu Tất Thắng, đỗ đại khoa lúc mới 18 tuổi, văn võ song toàn và lập được nhiều chiến công dưới triều Hậu Lê. Tiếp đến là Tiến sỹ Bút xuyên hầu Chu Quang Trứ, từng giữ chức Hộ bộ tả thị lang, kiêm Giám sát ngự sử và được triều Hậu Lê phong Bút xuyên hầu. Tiến sỹ Văn Thụy hầu Chu Dy Hiến, một vị quan văn võ toàn tài, thanh liêm và yêu thương dân hết mực. Năm 1619, Chu Dy Hiến được vua Lê Thần tông thăng chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Đề hình Thập tam đạo, phong tước hầu và được ban tặng đôi “Thượng phương bảo kiếm”. Con trai của ông là Giáp quận công Chu Phụng Huệ được phong chức Thiếu bảo hữu phủ. 

Gia phả dòng họ Chu còn nhắc tới Nhị vị cung phi, hoàng hậu Chu Nhũ Nhân, hiện chỉ mới xác định được danh tính một người là bà Chu Thị Ngọc Quỳnh. Bà sinh năm 1632, là con gái của Chu Phụng Trực. Là một người tài sắc vẹn toàn nên năm 16 tuổi Ngọc Quỳnh được tuyển vào cung. Sau đó, Ngọc Quỳnh được gả cho Thái bảo quận công Trịnh Xuân và được phong là Á vương phi. Năm 19 tuổi, chồng qua đời, bà quyết định thủ tiết thờ chồng. Cảm kích trước tấm lòng và đức hạnh của người con gái họ Chu, vua cho bà về quê cai quản cả một vùng đất đai. Vào dịp đón Xuân Tân Mão (năm 2011), con cháu gần xa vinh dự đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử- văn hóa của nhà thờ và mộ tổ dòng họ Chu

Ngoài ra, trên địa bàn xã Thanh Lương hiện nay còn có sự hiện diện của đền Cả, một di tích lịch sử- văn hóa, là nơi gửi gắm tâm linh của toàn thể cộng đồng. Theo các bậc cao niên trong xã, đền Cả có từ rất lâu đời, là nơi thờ Thánh Đức vận đô thiêng, vị thần đã chở che và phù hộ cho cuộc sống yên bình, trù phú của làng Tú Viên. Một thời gian dài, do điều kiện chiến tranh, người dân nơi đây không có điều kiện chăm sóc hương khói và tu bổ nên đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2000, người dân xã Thanh Lương đã góp của, góp công để phục dựng lại ngôi đền Cả trên nên đất cũ và tổ chức tế lễ vào dịp 24/2 Âm lịch hàng năm. 

Ngày nay, các thế hệ con cháu của các dòng họ ở Thanh Lương luôn nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương để mãi xứng đáng với truyền thống tổ tiên đã bao đời gây dựng.

----------------------------------0O0----------------------------------

HỌ NGUYỄN SỸ

Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ tại xã Thanh Lương, huyện thanh Chương, Nghệ An đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Dòng họ Nguyễn Sỹ làng Tú Viên (xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương) vốn có truyền thống hiếu học, yêu nước, cách mạng. Dòng họ có nhiều người đậu đạt và dó mở trường đào tạo nên nhiều nhà khoa bảng thành danh. Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Sỹ là Nguyễn Sỹ Tích, nguyên quê ở làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, di cư vào Cồn Lim (Thanh Lương) khai canh và lập ra làng Tú Viên. 

Bằng công nhận di tích lịch sử

Địa chỉ nhà thờ họ

        Dòng họ Nguyễn Sỹ ngày càng phát triển, từ thế kỷ XVI cho đến nay trải qua 15 thế hệ đã sinh ra các nhân vật kiệt xuất như: Tả bật, Tá trung tá kỳ phó chiến, Anh dũng tướng quân Trung úy, Tình Nghĩa hầu (triều vua Quang Trung); Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn (triều Nguyễn); Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng (thầy dạy nhiều nhà khoa bảng, danh nhân đất nước); liệt sĩ tiền bối cách mạng Nguyễn Sỹ Sách.... 

Dòng họ Nguyễn Sỹ với các nhân vật Võ - Văn kiêm tài, xứng danh là một dòng họ tiêu biểu cho vùng đất văn hiến cách mạng Thanh Chương và xứ Nghệ. Qua tổng kết lịch sử khoa bảng thì người Nghệ An đậu đạt từ Tú tài, Cử nhân đến đại khoa đã tính đến hàng vạn. Riêng đại khoa (Tiến sĩ, Phó bảng), Hương cống triều Lê, Cử nhân triều Nguyễn tạm tính có 1.769 người Nghệ An (xem: ''Khoa bảng Nghệ An 1075 - 1919'' của Đào Tam Tỉnh, NXB Nghệ An, 2005). Riêng huyện Thanh Chương có hàng nghìn người dậu từ Hiệu sinh - Tú tài đến Tiến sĩ (Đại khoa: 21 người; Hương cống triều Lê: 114 người (đã biết danh tính); Cử nhân triều Nguyễn: 83 người). Trong số đại khoa, trung khoa của huyện Thanh Chương và xứ Nghệ đều có tên người của dòng họ Nguyễn Sỹ. 

Mở đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Sỹ (xã Thanh Lương) là Nguyễn Sỹ Khâm, đậu Tú tài khoa ất Dậu - Minh Mạng 6 (1825) và Nguyễn Sỹ Điếu, đậu Tú tài khoa Tân Mão - Minh Mạng 12 (1831). Cả hai vị Tú tài này đều là con của Tình Nghĩa hầu Nguyễn Sỹ Xung (tướng của triều Tây Sơn). Nổi bật nhất về khoa cử của dòng họ Nguyễn Sỹ, Thanh Lương là ở đời thứ 7 với 2 anh em: Phó bảng Nguyễn Sỹ ấn và Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng (2 vị cùng với 4 người anh em trai khác là con của Nguyễn Sỹ Chấn - đời thứ 6). Nguyễn Sỹ ấn, thuở nhỏ rất thông minh, dinh ngộ, theo học chữ nho thầy đồ Tú tài Phan Đăng Quý và Cử nhân Phan Đình Lệ. Năm 20 tuổi đi thi hương khoa Đinh Dậu, năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đậu Tú tài. Khoa thi này trường thi Hương Nghệ An chỉ lấy đậu 14 Cử nhân và khoảng 40 Tú tài (cả Nghệ An và Hà Tĩnh); quan Chủ khảo là Tham tri bộ Lại Vũ Đức Khuê, Phó Chủ khảo là Bố chánh Định Tường Hà Đăng Khoa. Đến khoa thi Hương (Ân khoa) Nhâm Dần - Thiệu Trị 2 (1842), ông lại đậu Tú tài. Khoa này chỉ lấy đậu 18 Cử nhân, Chủ khảo là Bố chánh Quảng Bình Nguyễn Tự, Phó Chủ khảo là Hiệp lý bộ Hộ Phạm Thế Trung. Như vậy là ông đã đạt thành tích đậu liền 2 khoa Tú tài, được vinh danh là Tú Kép, mà nhiều nho sinh lúc đó từng mơ ước cũng khó đạt được. Chỉ 1 năm sau, Nguyễn Sỹ ấn lại hăm hở vác lều chõng xuống Vinh dự thi Hương với quyết tâm dành cho được Cử nhân. Khoa Quý Mão - Thiệu Trị 3 (1843), ông đậu Cử nhân, đứng thứ 6 trong số 25 Cử nhân của khoa thi này, cũng thật là vẻ vang. Khoa này Chủ khảo là Tham tri bộ Lễ Lý Văn Phức và Phó Chủ khảo là Án sát Hưng Hóa Phạm Huy. Trong không khí mừng vui xiết kể, gia đình, dòng họ và cả xã vinh dự có người đậu Cử nhân, mọi người lại bàn bạc trong họ góp công, góp của để chuẩn bị cho Nguyễn Sỹ ấn đi thi tiếp khoa thi Hội. Vị Cử nhân tân khoa của làng Tú Viên rất phấn chấn và hăm hở vác lều chõng vào Kinh đô Huế để dự kỳ thi Hội Khoa Giáp Thìn - Thiệu Trị 4 (1844). Khoa thi này có 281 Cử nhân của cả nước hội về Huế dự thi và chỉ lấy đậu 10 Tiến sĩ, 15 Phó bảng. Tiến sĩ gồm: Nguyễn Chương (Triệu Phong - Quảng Trị); Nguyễn Văn Phú, về sau vua ban tên là Tư Giản (Từ Sơn - Bắc Ninh); Nguyễn Dương Huy (Quảng Trạch - Quảng Bình); Hồ Sĩ Tuần (Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An); Huỳnh Công Thịnh (Quảng Điền - Thừa Thiên); Bùi Văn Phan (Nghĩa Hưng - Nam Định); Trần Hữu Thụy (Phú Vang - Thừa Thiên); Nguyễn Hữu Tạo (Hoài Đức - Hà Nội); Văn Đức Giai (Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An); Nguyễn Chính (Thuận An - Bắc Ninh). Phó bảng gồm: Nguyễn Văn An (Siêu Loại - Bắc Ninh); Nguyễn Phẩm (Gia Bình - Bắc Ninh); Lê Văn Phổ (Hương Lộc - Thừa Thiên); Phan Đình Tuyển (La Sơn - Hà Tĩnh); Vũ Diệm (Đại An - Nam Định); Lê Thiều (Phong Điền - Thừa Thiên); Võ Duy Thành (Chương Mỹ - Quảng Ngãi); Nguyễn Duy Tự (Diên Phước - Quảng Nam); Lê Thế Thứ (Đông Sơn - Thanh Hóa); Phạm Văn Tường (Phong Điền - Thừa Thiên); Lê Đăng Trạc (Yên Thành - Nghệ An); Lê Vĩnh Khanh (Hà Đông - Quảng Nam); Trần Công Soạn (Quảng Điền - Thừa Thiên); Hồ Hằng Tánh (Duy Xuyên - Quảng Nam); Nguyễn Sỹ ấn (Xuân Lâm - Nam Đường nay là Thanh Chương, Nghệ An). Khoa thi này, quan Duyệt quyển là Hoàng Thu và Nguyễn Bá Nghi, quan Đọc quyển là Trương Đăng Quế và Hà Huy Phiên. Khoa thi này không lấy đậu Đệ nhất giáp (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), chỉ lấy đậu 2 Đệ nhị giáp (Hoàng Giáp), 8 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và 15 Phó bảng. Sách: ''Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn'' do Phạm Đức Thành Dũng và Vĩnh Cao chủ biên (Huế, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế - Thuận Hóa, 2000 - Tr.581) ghi về Nguyễn Sỹ ấn như sau: ''Nguyễn Sỹ ấn, người xã Xuân Lâm, huyện Nam Đường, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thi đỗ Cử nhân khoa Quý Mão (1843); đỗ Phó bảng khoa Giáp Thìn (1844). Từng thụ hàm Hàn lâm viện Thị giảng''. Tên của Nguyễn Sỹ ấn đậu đại khoa còn được ghi vào các sách: ''Quốc triều khoa bảng lục'' (do Cao Xuân Dục soạn - H, Văn học, 2001 - Tr. 104); ''Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919'' (Ngô Đức Thọ chủ biên - H, Văn học, 1993 - Tr 813, số thứ tự 2482); ''Những ông Nghè ông Cống triều Nguyễn (do Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan, Lan Phương soạn - H, Văn hóa thông tin, 1995, Tr 633, Số thứ tự 2973) và sách ''Khoa bảng Nghệ An'' (Đào Tam Tỉnh). Ông đã được triều đình Huế ban tặng 4 sắc phong. Nguyễn Sỹ ấn đã khai đại khoa cho xã Xuân Lâm là một vinh dự hết sức lớn lao cho gia đình và dòng họ Nguyễn Sỹ ở Thanh Chương. Đến lúc này thì tổng Xuân Lâm đã có 4 đại khoa (3 người đậu Tiến sĩ triều Lê là cha con Nguyễn Phùng Thì và Nguyễn Bá Quýnh ở xã Hoa Lâm, nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương; Chu Di Hiến ở xã Đông Liệt, sau đổi là xã Thanh Khai, nay thuộc xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương). Sau khi đậu Phó bảng, Nguyễn Sỹ ấn được bổ làm Hàn lâm viện kiểm thảo, rồi Tri huyện Kim Thành (1846), một năm sau lại bổ làm Tri huyện Bố Trạch. Khoa thi Hương năm Đinh Mùi - Thiệu Trị 7 (1847), ông được cử làm Phúc khảo Trường Thi Hà Nội. Năm Tự Đức thứ 1 (1848), ông được thăng Tri phủ Kiến Thụy, Thái Bình. Năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý - 1852), ông được triều đình phong làm Hàn lâm viện Thị giảng. Khoa thi Đình Mậu Tuất - Thành Thái 10 (1898), ông được cử làm Đồng khảo khoa. Tại khoa thi này, Nguyễn Sỹ ấn đã gặp lại các học trò từng học ở trường Tú Viên là Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Đình Điển. Vì thấy tình cảnh khó khăn của ông Sắc, quan Phó bảng đã khuyên ông Sắc về quê đem gia đình vào sống ở Huế để yên bề gia thất, tập trung vào học tập (học trường Quốc Tử Giám) và đạt được ý nguyện (đậu thi Hội). Ông Sắc đã được Hiệp biện đại học sĩ - Phó tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục và Phó bảng Nguyễn Sỹ ấn giúp đỡ rất nhiều, nên đến khoa thi Hội Tân Sửu - Thành Thái 13 (1901), Nguyễn Sinh Sắc đã đậu Phó bảng. Sau khi thi đỗ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đem 2 con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về nhà thờ họ Nguyễn Sỹ thắp hương tạ ơn thầy. Ông Sắc cũng đã cúng tiến cho nhà thờ bức hoành phi: ''Thi thư trạch'' (đất có truyền thống tốt học hành, khoa bảng) và đôi câu đối: Lưu Tú Viên bồi công đức thụ; Hồi Xuân Lâm trưởng tử tôn chi (Nghĩa là: Đến làng Tú Viên được thấy công đức bồi tụ bền vững; Rời tổng Xuân Lâm chúc dòng họ phát đạt).

Dòng họ Nguyễn Sỹ đã có công rất lớn đào tạo được nhiều nhà khoa bảng xứ Nghệ, trong đó đáng kính trọng là thầy Cử Lạng. Nguyễn Sỹ Lạng, sau đổi tên là Nguyễn Thúc Hoằng (1832 - 1903), em trai của Phó bảng Nguyễn Sỹ ấn. Ông thi đậu Tú tài các khoa thi Hương Đinh Mão - Tự Đức 20 (1867); Ân khoa Mậu Thìn - Tự Đức 21 (1868). Đến khoa Canh Ngọ - Tự Đức 23 (1870), ông thi đậu Cử nhân. Khoa này lấy đậu 21 cử nhân, quan Chủ khảo là Tế tửu Quốc Tử Giám Đỗ Phát và Phó Chủ khảo là Án sát Thanh Hóa Trần Văn Chuẩn. Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng không đi làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Trong số những học trò của ông có Phan Bội Châu là xuất sắc nhất, từng thi đậu Đầu xứ và Giải nguyên khoa Canh Tý - Thành Thái 12 (1900). Họ Nguyễn Sỹ Thanh Lương còn có công tạo tác cho người con rể phó bảng Nguyễn Sỹ ấn là Nguyễn Đình Điển thi đậu Tiến sĩ. Nguyễn Đình Điển (1860 - ?), người xã Xuân Hồ, nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, học trò của cụ Cử Lạng và Phó bảng Sỹ Ấn, thi đậu Cử nhân năm 1900, thi đậu Tiến sĩ khoa Tân Sửu - Thành Thái 13 (1901) (cùng khoa với Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc), làm quan đến Lang trung bộ Học, thăng Quang lộc tự khanh. Phó bảng Nguyễn Sỹ ấn và Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng là con của Nguyễn Sỹ Chấn (1784 - 1844) gọi là Can Cụ, tính tình ôn nghị, thích đọc sách, làu kinh sử, tinh thông y thuật, địa lý, thường xem bệnh cứu người nhưng không lấy bốc thuốc làm nghề, chỉ lấy việc dạy học làm vui, hòa mục với họ hàng, nghiêm nghị với gia đình. Nguyễn Sỹ Ấn là thân sinh Nguyễn Sỹ Khanh. Sỹ Khanh thông chữ Nho nhưng không thi đậu, ở nhà dạy cho các con thành danh. Ông có 6 người con trai, 1 người mất sớm, còn 5 con đều học giỏi, trong đó có 4 người thi đậu Tú tài: Nguyễn Sỹ Giản (1876 - 1952) đậu năm 1990; Nguyễn Sỹ Triện (1879 - 1948); Nguyễn Sỹ Duân (1884 - ?); Nguyễn Sỹ Trâm (1887 - 1956). Riêng Nguyễn Sỹ Lương làm nghề dạy học. Nguyễn Sỹ Giản đậu Tú tài khoa Canh Tý - Thành Thái 12 (1900) cùng khoa với Giải nguyên Phan Bội Châu. Ông Giản được hưởng tập ấm của ông nội Phó bảng Nguyễn Sỹ ấn, được triều đình phong Hàn lâm, nên được gọi là Hàn Giản. Ông không làm quan, ở nhà dạy học chữ Nho và chữ Quốc ngữ tại Trường Tú Viên. Ông là bạn chí thân với Nguyễn Sinh Khiêm (anh ruột Bác Hồ), thường cùng làm nghề ''bắt mạch kê đơn'' cứu người và làm thầy địa lý, phong thổ. Thầy Hàn Giản sinh hạ được 8 người con (6 gái và 2 trai). Trai đầu là Nguyễn Sỹ Sách và thứ là Nguyễn Sỹ Thiêm. 

Nguyễn Sỹ Sách, sinh ngày 20/01/1905, là người thông minh, học giỏi, tốt nghiệp trường Quốc học Vinh và là đồng môn với các bậc đàn anh Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai. Anh đi dạy học tại trường Việt - Pháp, thị xã Hà Tĩnh. Anh sớm có lòng yêu nước, được hun đúc từ truyền thống của gia đình, dòng họ nên đã bỏ dạy học để đi theo cách mạng. Năm 1927, anh xuất dương sang Trung Quốc, dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu. Anh được kết nạp vào Thanh niên cộng sản Đoàn và về nước được cử làm Bí thư Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Trung Kỳ. Anh hoạt động sôi nổi, hăng say, gan dạ, bị thực dân Pháp bắt năm 1929 và bị kết án chung thân khổ sai, đày đi Lao Bảo. ở trong tự, Nguyễn Sỹ Sách tiếp tục lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh và bị Pháp giết hại vào ngày 19/12/1929.

Tại nhà thờ họ Nguyễn Sỹ, vào năm 1926, với sự vận động của Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Sỹ Lương (chú ruột dạy trường tiểu học Pháp - Việt ở Nam Đàn), cùng Nguyễn Sỹ Giản (cha của Sỹ Sách) và các anh em họ Nguyễn Sỹ đã đứng ra thành lập ''Hội khuyến học'' trong làng, mở trường dạy học (cả ở nhà thờ họ và Hội quán Tú Viên). Tham gia Hội khuyến học có: Nguyễn Duy Quế, Nguyễn Sỹ Diệu, Nguyễn Sỹ Đồng, Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Sỹ Tâm, Nguyễn Duy Trần, Võ Thúc Đồng, Lê Nam Thắng, Nguyễn Đình Tùng... Sau đó, trường chuyển sang dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở tổng Xuân Lâm và huyện Thanh Chương, gồm 3 lớp sơ học (lớp 5, 4 và 3). Trường học Tú Viên của dòng họ Nguyễn Sỹ không chỉ là nơi truyền dạy chữ Nho theo truyền thống, mà đã trở thành một trường học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, nhằm truyền bá lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho lớp thanh niên trẻ tuổi tham gia vào các phong trào chống Pháp, cứu nước. Nơi đây cũng đã trở thành trung tâm hội họp của các chí sĩ cách mạng như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Duy Trâm, Trần Văn Liên và những người cùng chí hướng... Trong sách ''Đặng Thai Mai - Hồi ký...'', GS. Đặng Thai Mai có viết: ''... Tôi cảm thấy cần nhắc lại đây hai trường hợp đặc biệt thân mật, mối tình bạn với hai người: Anh Nguyễn Sỹ Sách và anh Tôn Quang Phiệt. Ba gia đình chúng tôi đều là dòng dõi nhà Nho và đều có liên lạc ít nhiều với phong trào Việt Nam Quang phục Hội. Anh Phiệt lớn hơn tôi hai tuổi, anh Sách kém tôi 2 tuổi. Một tình cờ may mắn đã làm cho ba chúng tôi cùng thi đậu vào lớp học từ năm thứ nhất trường Quốc học Vinh, niên khóa 1920 - 1921''.

Từ trường học Tú Viên, nhiều thành viên trong dòng họ Nguyễn Sỹ đã sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động tích cực cho Đảng. Trong số 6 đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng của Tú Viên năm 1927 có 4 người của họ Nguyễn Sỹ; Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (1930 - 1931) của xã có 17/27 người của họ Nguyễn Sỹ và ông chú của Nguyễn Sỹ Sách là Nguyễn Sỹ Diệu làm Bí thư Chi bộ; ông Diệu được Đảng bố trí cài cắm làm Lý trưởng và đã bị địch bắt giam, hy sinh tại nhà ngục Kon Tum. Trong 12 liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh hy sinh tại làng Tú Viên thì 10 người của họ Nguyễn Sỹ...

Khánh thành trùng tu di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia Nhà thờ dòng họ Nguyễn Sỹ - Thanh Chương

Nối tiếp truyền thống của cha ông, thế hệ trẻ họ Nguyễn Sỹ làng Tú Viên, xã Thanh Lương ngày nay đã phát huy được tinh thần hiếu học và phấn đấu hết khả năng để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp xây dựng đất nước. Hàng trăm con cháu họ Nguyễn Sỹ đã tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp và một số đã đạt các học vị cao (Tiến sĩ, Thạc sĩ). Tiêu biểu cho thế hệ trẻ như:

- Tiến sĩ luật Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Nguyễn Sỹ Đồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

- Nguyễn Sỹ Hạp, Vụ trưởng Trọng tài kinh tế Nhà nước;

- Nguyễn Sỹ Dương, Vụ phó Nội chính Chính phủ...

----------------------------------0O0----------------------------------

NGUYỄN SỸ SÁCH

Nguyễn Sỹ Sách (1905-1929). Nguyễn Sỹ Sách biệt hiệu là Kiếm Phong, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1905 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Tú Viên (nay là xã Thanh Lương) huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Nguyễn Sỹ Sách

 Ông là con trong một gia đình nho học, nên thuở nhỏ đã được học chữ Hán. Năm 11 tuổi, ông thi vào tiểu học ở trường huyện. Lớn lên, ông học trường Quốc học Vinh, cùng với các bạn như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Phạm Thiều... Cuối lớp Đệ tứ, ông dự thi bậc Thành chung khóa đầu tiên của Quốc học Vinh và đỗ cao. Tuy nhiên do chưa đủ tuổi chính thức (dưới 18 tuổi), nên ông không vào được vào học Cao đẳng Sư phạm. Nhờ sự giúp đỡ của ông giám đốc trường Quốc học, Nguyễn Sỹ Sách đã trở thành thầy giáo của trường Tiểu học Hà Tĩnh khi mới chỉ 17 tuổi.

Dưới thời cai trị của thực Dân Pháp, nhân dân vùng quê anh có tiếng cứng đầu, thân phụ của anh cũng là một nhà nho cương trực, không chịu khuất phục trước uy vũ, cường quyền. Hai lần đi dự thi hương, chỉ đỗ tú tài, ông ở quê mở trường dạy học. Nguyễn Sỹ Sách là con đầu lòng nên được ông chăm sóc, kèm cặp cho học chữ Hán và quốc ngữ từ lúc còn nhỏ. Vốn thông minh, hiếu học, năm mười một tuổi, Nguyễn Sỹ Sách đã đỗ đầu kỳ thi tuyển sinh, mười ba tuổi đỗ thứ hai kì thi tiểu học, mười bảy tuổi đỗ bằng thành chung khoá đầu trường trung học thành phố Vinh. Giữa năm 1924, anh được bổ dụng làm trợ giáo trường tiểu học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh.

Nguyễn Sỹ Sách bước vào nghề dạy học giữa tiếng bom Phạm Hồng Thái đang làm phấn chấn tinh thần yêu nước những người cách mạng Việt Nam. Là một thanh niên sôi nổi, can đảm và thích hoạt động, anh vô cùng thán phục hành động anh hùng của người thanh niên họ Phạm. Anh háo hức tìm đọc báo tiến bộ, thăm dò hoạt động cứu nước của các bậc sĩ phu… Nhiệt tình cách mạng ấy đã thúc đẩy Nguyễn Sỹ Sách sớm đi vào hoạt động cứu nước.

Tháng 7 năm 1925, Nguyễn Sỹ Sách gia nhập Hội Phục Việt, một tổ chức cách mạng quốc gia do các phần tử trí thức yêu nước sáng lập. Nhận trách nhiệm trước Hội, anh phụ trách việc xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và thị xã Hà Tĩnh. Anh bí mật tìm đọc sách báo tiến bộ ở Pháp gửi sang và dịch ra tiếng Việt những bài báo quan trọng để tuyên truyền rộng rãi trong các trường học.

Tháng 3 năm 1926, ông là một trong những yếu nhân tham gia lễ truy điệu Phan Châu Trinh và đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu. Thời gian này, song song với hoạt động cho tổ chức, ông còn tận tụy, dành nhiều thời gian cho công việc dạy học, đồng thời tuyên truyền cách mạng cho những học sinh của mình. Chính vì thế, ông bị nhà cầm quyền để ý, dẫn đến việc bị chuyển vào làm phụ giáo tại trường Pháp Việt, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Mấy tháng sau đó, ông trở thành nhân viên ngành hỏa xa Đông Dương nhưng cũng chỉ làm trong thời gian ngắn. Cũng từ đây, hoạt động cách mạng của ông trở nên mạo hiểm.

Mọi chuyển biến chính trị ngoài xã hội đều làm cho Nguyễn Sỹ Sách hết sức quan tâm. Tư tưởng căm thù ghét bọn thực dân Pháp chi phối suy nghĩ, hành động của anh.

Dò la được những hoạt động yêu nước của Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Thất Cổn, hiệu trưởng Trường tiểu học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh tìm cách đưa anh vào “khuôn phép”  như những giáo viên trẻ khác. Y hăm doạ và buộc anh nhất cử nhất động phải theo sự sai khiến của y, kể cả ngoài giờ học. Nhưng anh đã cự tuyệt mọi sự ràng buộc vô lý đó.

Có lần, Đốc học và Công sứ  Hà Tĩnh gọi anh đến dụ dỗ:

Anh là thầy giáo mới ra trường, tuổi còn non trẻ, hãy dẹp bầu nhiệt huyết cách mạng kia lại. Chúng tôi thành thất khuyên anh nên đi sâu trao đổi nghề nghiệp. Tiền đồ đang rộng mở và chờ đón anh…!

Nguyễn Sỹ Sách phớt lờ những lời vuốt ve, mơn trớn của chúng và tiếp tục hành động theo suy nghĩ của mình. Đốc học đã báo cáo lên Nha học chính Trung Kỳ về thái độ của anh. Tên giám đốc Nha học chính Đề-lê-xi gọi anh vào Huế, hắn lên mặt kẻ cả:

- Anh là đứa con được nước mẹ đại Pháp đào tạo. Tại sao anh dám vô lễ  cãi lại các bậc quan trên và có những hành động phản bội?

Nguyễn Sỹ Sách thẳng thừng bác bỏ những lời buộc tội vô lý của Đề-lê-xi:

- Tôi làm việc nghĩa. Tôi chống lại những người làm việc thiếu đạo đức. Tôi đòi hỏi một sự bình đẳng, công bằng. Sao ông lại bảo tôi phản bội?

Tức giận, Đề-lê-xi đóng sầm cửa lại, giở thói hành hung. Nguyễn Sỹ Sách vớ chiếc ghế đang ngồi, giơ lên chống đỡ rồi rời khỏi phòng làm việc của hắn.

Anh tìm đến Bến Ngự, gặp Phan Bội Châu, Kể cho cụ nghe câu chuyện vừa xẩy ra. Cụ Phan tỏ ra thái độ đồng tình và khuyên anh: “ Đối với giặc nước, đấu tranh phải hết sức khôn khéo. Chớ có bực tức mà phản ứng đơn độc, lẻ loi”. Đây là những lời tâm sự cuối cùng của nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu đối với Nguyễn Sỹ Sách.

Vài tuần sau đó, anh liền bị Nha học chính Trung Kỳ chuyển vào dạy tại Trường tiểu học Pháp - Việt Phú Vang, một huyện gần kinh đô Huế. Tuy vậy, chúng vẫn không thể uy hiếp tinh thần và khống chế hoạt động của anh.

Những ngày ở đây, anh được chứng kiến biết bao hành động ngang ngược, thô bạo, bỉ ổi, của  quan chức và binh lính người Pháp đối với người Việt Nam. Hàng ngày, ở đây cũng phơi bày biết bao hành động vô liêm sỉ của bọn phong kiến Nam triều, từ tên vua bù nhìn Khải Định đắm chìm trong cảnh ăn chơi trụy lạc xa hoa, đến bọn gian thần hèn nhát, luồn cúi làm tay sai cho giặc, ngang nhiên đục khoét dân lành. Lòng anh nhức nhối mỗi khi phải nhìn thấy những sự thật tàn nhẫn ấy. Điều đó càng thôi thúc anh chống lại chế độ bất công của chúng, quyết không chịu cam tâm làm kiếp ngựa trâu, không đội trời chung với loài lang sói. Anh đả kích sâu cay chiêu bài “bảo hộ”, chính sách “khai hoá văn minh” của thực dân Pháp và thái độ đê hèn của bọn vua quan phong kiến tay sai. Anh vận động thân sinh đốt đạo sắc “Hàn lâm đại chiếu” của chính Khải Định ban cho, để tỏ nỗi bất bình đối với tên vua, “đớn hèn, bất lục và ngu dốt”. Không chịu trói mình cam chịu sự khống chế của chúng, Nguyễn Sỹ Sách bỏ nghề dạy học, về quê hoạt động cách mạng.

Giữa năm 1926, anh bắt được liên lạc với số cán bộ Hội thanh niên vừa ở Quảng Châu về. Thông qua họ, anh hiểu thêm về nhiều điều mới mẻ về cách mạng và những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, nhưng đến Hải Phòng, bị bọn mật thám theo dõi, anh phải trở lại.

Anh xin thi vào ngành đường sắt rồi được bổ nhiệm làm thư kí xe lửa Đà Nẵng. ở đây, anh được gần gũi công nhân và hiểu rõ thêm cuộc sống của xe lửa người Pháp, khiến anh rất căm phẫn. Anh đã mấy lần cự lại hắn và cuối cùng quyết định bỏ việc, về Vinh tham gia mở hiệu “Tam kỳ thư  quán”, phát hành sách báo tiến bộ và làm nơi liên lạc giữa lãnh đạo của Hội ở Vinh với các tỉnh trong nước.

Tháng 8 năm 1927, Nguyễn Sỹ Sách được hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu dự huấn luyện của Hội thanh niên. Về nước, anh được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Trung Kỳ. Với cương vị đó, anh đã đến các tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội và các tổ chức quần chúng, đặc biệt là trong các xí nghiệp. Đi đôi với công tác tổ chức, anh dịch sách, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, hội viên. Bởi vậy, chưa đầy một năm sau, tổ chức và ảnh hưởng của Hội đã lan rộng.

Khó khăn lớn nhất lúc này là việc vận động hợp nhất giữa Hội Hưng Nam và hội Thanh niên. Mặc dù hai bên đã cử đại biểu tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi, nhưng vẫn gặp bế tắc. Vì đại biểu Hội Thanh niên ra điều kiện phải giải tán Hội Hưng Nam đòi gia nhập toàn thể và lập Tổng hội trong nước. Thấy tình hình căng thẳng và cuộc vận động hợp nhất có nguy cơ thất bại, đầu năm 1928, Nguyễn Sỹ Sách sang Quảng Châu xin ý kiến của Tổng bộ Hội Thanh Niên,

Sau khi nghe Nguyễn Sỹ Sách báo cáo, ngày 18 tháng 3 năm 1928 Tổng hội Thanh Niên gửi thư cho Tổng Bộ hội Hưng Nam trình bày rõ quan điểm của mình về việc hợp nhất là: “…đem toàn Hội của các đông chí sáp nhập vào Hội chúng tôi…, còn việc lập Tổng Hội trong nước sau đó sẽ cử đại biểu của hai bên bàn định.

Được sự uỷ nhiệm của Tổng Bộ, Nguyễn sỹ Sách mang bức thư này về nước và triệu tập đại biểu của hai tổ chức họp ở làng Kim Liên (Nam Đàn) Với tình cảm trong sáng và thái độ đúng đắn, anh đã cố gắng hết sức mình nhằm làm cho hội nghi đi đến kết quả. Nhưng, do một số đại biểu mang tư tưởng thành kiến cá nhân, cục bộ nên hội nghị không thể thống nhất được quan điểm.

Trong khi Nguyễn Sỹ Sách đang tìm mọi cách nối lại hội nghị hợp nhất thì ngày 14 tháng 7 năm 1928, những người cầm đầu Hội Hưng Nam mở hội nghị tại Huế, cải tổ Hội thành Tân Việt cách mạng Đảng. Việc làm riêng rẽ này đã dẫn tới mâu thuẫn sâu sắc giữa hai tổ chức cách mạng vốn chung một mục đích và thiết tha với việc hợp nhất. Nguyễn Sỹ Sách phản đối chủ trương đó và vẫn kiên trì chủ trương hợp nhất theo quan điểm đúng đắn của Tổng bộ Hội Thanh Niên.

Mâu thuẫn giữa hai tổ chức cách mạng ngày càng căng thẳng và phức tạp.

Ngày 19 tháng 10 năm 1928, Nguyễn Sỹ Sách bị thực dân Pháp bắt giam. Bọn mật thám giải anh vào Huế rồi lại đưa về Vinh tra hỏi. Không khai thác được gì, một tháng sau, bọn chúng buộc phải trả tự do cho Nguyễn Sỹ Sách.

Tháng 1 năm 1929, thay mặt Kỳ bộ Trung Kỳ, anh đi dự hội nghị trù bị Đại biểu toàn quốc của Hội thanh niên họp ở Hương Cảng. Xuất phát từ tình hình thực tế đã và đang diễn ra trong nước, anh đã cùng các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí nhận định: Hội thanh niên không còn đáp ứng vai trò lãnh đạo cách mạng nữa và đã đến lúc phải thành lập Đảng Cộng Sản ở Việt Nam để làm nhiệm vụ lịch sử của giai cấp vô sản. Vì số đại biểu tham dự hội nghị quá ít và không đủ ba kỳ, nên hội nghị chủ trương: tích cực chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng Sản vào dịp Đại Hội chính thức.

Về Trung Kỳ, Nguyễn Sỹ Sách lãnh đạo các cấp mở hội nghị bầu đại biểu đi dự Đại Hội. Do yêu cầu thúc bách, Kỳ bộ Bắc Kỳ cử đại biểu vào Trưng Kỳ vận động thành lập Đảng Cộng Sản trước, không chờ tới Đại Hội. Nguyễn Sỹ Sách đề nghị các đồng chí đó nên thực hiện theo chủ trương đã bàn trong hội nghị trù bị.

Cuối tháng 4 năm 1929, Nguyễn Sỹ Sách dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Kỳ sang Hương Cảng dự Đại Hội đại biểu Hội Thanh Niên, Trước ngày vào Đại Hội, Nguyễn Sỹ Sách dự cuộc họp riêng với các đại biểu đã tham gia hội nghị trù bị. Nhận thấy một số đại biểu đến dự Đại Hội không đảm bảo tiêu chuẩn đã định, các đồng chí thay đổi chủ trương là: không nên đem việc thành lập Đảng Cộng Sản ra bàn giữa Đại Hội này.

Ngày 1 tháng 5 năm 1929, Đại hội khai mạc. Trong khi thảo luận chương trình nghị sự, đoàn đại biểu Bắc Kỳ vẫn đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng Sản. Nguyễn Sỹ Sách nhận thấy đề nghị đó của đoàn đại biểu Bắc Kỳ là đúng, nhưng cần phải chuẩn bị chu đáo hơn nữa. Do đó, thực hiện chủ trương vừa bàn, anh vẫn kiên trì lãnh đạo Đại Hội thảo luận. Thông qua các nghị quyết và bầu ra Ban chấp hành Tổng Bộ. Anh được Đại hội bầu làm Uỷ viên Ban chấp Hành Tổng Bộ, đặc trách công tác trong nước.

Đại hội bế mạc, anh tham dự hội nghị Ban Chấp Hành Tổng bộ, Tiếp tục thảo luận việc thành lập Đảng Cộng Sản. Hôi nghị này đã làm nhiệm vụ của “ Hội trù bị tổ chức cộng sản” định ra điều lệ, kế hoạch tổ chức Đảng.

Lúc này, Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ đã phái cán bộ vào Trung Kỳ phát Tuyên ngôn đả kích “Đại hội Thanh niên” và kêu gọi những người cộng sản gia nhập Đảng. Nhiều chi bộ Hội Thanh niên đã chuyển sang Đông Dương Cộng sản Đảng. Một số đảng viên tiên tiến trong Đảng Tân Việt cũng đang ra sức vận động thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Tình hình ấy càng thúc đẩy Nguyễn Sỹ Sách khẩn trương xúc tiến xây dựng các chi bộ Đảng, chuẩn bị cử đại biểu đi dự hội nghị thành lập Đảng theo kế hoạch của Hội trù bị tổ chức cộng sản.

Ngày 28 tháng 7 năm 1929, Nguyễn Sỹ Sách bị sa vào tay giặc. Mặc dù bị tra tấn hết sức giã man, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của một chiến sĩ cộng sản. Trong phiên toà mở tại thành phố Vinh, bọn thống trị đã kết án đồng chí tù khổ sai  chung thân và ngày 30 tháng 10 năm 1929, đầy vào giam ở nhà tù Lao Bảo.

Nhà tù Lao Bảo nằm sâu trong vùng rừng núi hiểm trở thuộc huyện Hương Hoá, tỉnh Quảng Trị. Thực dân Pháp dựng lên ở đây hai nhà tù giam gọi là lao A và lao B, nối liền nhau bằng một dãy nhà cầu. Mặc dù đã bố trí kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, bọn chúng vẫn bắt người tù đêm ngày đút chân vào cùm và ngậm một tấm thẻ “cấm nói chuyện”. Rời nhà lao đi lao động khổ sai, mỗi người phải mang theo ba chiếc xiềng sắt ở cổ, ở tay và ở chân. Bọn chúng dùng dây xích nối ba xiềng đó lại để dắt tù đi như dắt súc vật. Biết bao người yêu nước đã chết dần chết mòn vì cái chế độ nhà tù hà khắc, tàn bạo này.

Không thể chịu nổi cảnh ngục tù ấy, Nguyễn Sỹ Sách cùng với các đồng chí tù cộng sản bàn nhau đấu tranh. Đồng chí nhận trách nhiệm lãnh đạo lao B.

Trưa ngày 19 tháng 12 năm 1929, sau khi đi làm về, tất cả anh em tù thống nhất bỏ ngậm thẻ, tuyên bố tuyệt thực để tố cáo tội ác nhà tù và đòi gặp Công - bơ, tên xếp lao người Pháp, để đưa yêu sách. Hắn sai tên cai người Việt đến nhà lao, anh em không tiếp. Không thể trốn tránh được, Công - bơ buộc phải đến gặp anh em tù. Hắn giở đủ mánh khoé nhà nghề, hết xoa dịu, phỉnh phở, dụ dỗ đến quát nạt, răn đe, nhưng đều không có kết quả.

Vừa bực tức, vừa bẽ mặt, hắn đánh bài chuồn thẳng. Anh em vẫn không lùi bước. Ba giờ sau, Công - bơ đành phải quay lại lao A. Anh em đưa bảy yêu sách:

1. Bỏ gồng cùm, xiềng xích;

2. Trả về nhà lao các tỉnh;

3. Cho đọc sách báo;

4. Cho gửi thư về cho gia đình;

5. Cho nhận áo quần của gia đình gửi đến;

6. Cải thiện chế độ ăn uống;

7. Không được bắt làm việc nặng nhọc.

Công - bơ nhận bản yêu sách rồi bắt ba người ở lao A giam vào xà lim. Biết vậy, Nguyễn Sỹ Sách kịp thời động viên anh em lao B giữ vững tình thần đấu tranh và đòi thả bằng được những người vừa bị bắt.

Đến lao B, Công - bơ giở giọng xoa dịu, vuốt ve. Cảnh giác trước âm mưu thâm độc của hắn, Nguyễn Sỹ Sách liền quật lại bằng những lời đanh thép:

- Chính sách nhà tù quá tàn nhẫn! Các ông đừng mượn chiều bài “bác ái” để che đậy tội ác. Chúng tôi quyết đòi cho được bảy yêu sách. Không được, chúng tôi quyết không nhân nhượng.

Trước thái độ kiên quyết của tù nhân, Công - bơ trở giọng thách thức:

- Được, chúng mày sẽ biết tay tao!

Nguyễn Sỹ Sách phẫn nộ quát vào mặt hắn:

- Đối với chúng tôi, hoặc là sống làm người, hoặc là chết chứ không chịu sống cảnh tù ngục dã man này!

Công - bơ lập tức sai lính dẫn Nguyễn Sỹ Sách vào xà lim. Anh em tù hô vang các khẩu hiệu:

- Đả đảo khủng bố!

- Đả đảo giết người!

Khi đi qua lao A, đồng chí gọi to:

- Anh em ơi! Hãy kiên trì đấu tranh đến cùng! Nhất định không chịu nhân nhượng! Phải đòi bằng được bảy yêu sách mới thôi!

Đồng chí đã dùng tiếng Pháp chửi thẳng vào mặt bọn chúa ngục và tay sai là quân dã man cướp nước mà miệng cư bô bô là khai hoá văn minh. Công - bơ hốt hoảng xô đẩy Nguyễn Sỹ Sách. Đồng chí dùng chiếc chiếu mang theo quật vào mặt hắn. Bọn tay sai đã bắn chết đồng chí lúc 17 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1929. Nguyễn Sỹ Sách đã bị bắn vào lưng và qua đời ở tuổi 21.

Hà Huy Tập, trích trong cuốn sách của Quinn-Judge, đã viết: "Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, một ủy viên liên lạc của Ủy ban Trung ương Việt Nam Cách mạng Đảng (Tân Việt), cũng là một thành viên Kì bộ Trung Kỳ của Hội Thanh niên (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên)". Tổng cộng Nguyễn Sỹ Sách đã ba lần vượt biên sang Trung Quốc. Tháng 1 năm 1928, ông từ Trung Quốc về Nghệ Tĩnh, mang theo chương trình và chỉ thị của Tổng bộ Hội Thanh niên ở hải ngoại về việc thành lập một tỉnh bộ của Hội tại địa phương. Tháng 6 năm 1928, ông trở thành một trong ba ủy viên Ban chấp hành Kỳ bộ Trung Kỳ, cùng với Vương Thúc Oánh  Nguyễn Thiệu. Ông bị bắt vào tháng 11 năm 1928, sau đó bị giải từ nhà lao Vinh đến lao Thừa phủ (Huế), tuy nhiên do không đủ chứng cứ nên được thả ra. Tháng 5 năm 1929, ông là một trong ba đại biểu Trung Kỳ tham dự Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hồng Kông, sau đó được bầu vào Ban chấp hành Tổng bộ của Hội.

Người bạn học của ông, Tôn Quang Phiệt, bấy giờ là lãnh tụ Đảng Tân Việt, đã làm câu đối điếu ông:

"Chết không nhắm mắt, sống há lẽ nhăn răng, ngậm ngùi giọt máu tha hương, bể khóc non kêu vang giục khách tang bồng, oan ức có khi trời ngoảnh cổ"

"Khóc cũng hổ ngươi, cười sao ra nước mắt, đau xót tấm lòng cố hữu, rày trông mai tưởng, bấm bụng dành câu tâm sự, tao phùng còn đợi đất vùi xương".

 Ông mất để lại một người vợ tên Nguyễn Thị Hồng, khi đó mới 19 tuổi (Nguyễn Sỹ Sách kết hôn năm 15 tuổi, khi đó bà Hồng mới 13), và một người con gái tên Lan Hương. Hiện nay, tên ông được đặt cho một ngôi trường tại Thanh Chương quê ông, cũng như hai con đường tại thành phố Vinh và quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Mộ Nguyễn Sỹ Sách và vợ ông

Nguyễn Sỹ Sách mất đi, nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ anh em trong tù tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến ngày thắng lợi. Hằng năm, anh em lấy ngày Nguyễn Sỹ Sách hy sinh để tổ chức truy điệu tưởng nhớ người chiến sỹ cộng sản kiên cường đã ngã xuống trước giờ phút đấu tranh quyết liệt chống chế độ lao tù.

 

Nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (ngày 3 tháng 2 năm 1930) đồng chí Nguyễn Thiệu đã thay mặt anh em tù làm câu đối ngợi ca công lao và khí phách Nguyễn Sỹ Sách, người bạn chiến đấu và là người bạn tù chí thiết:

 Sung sướng gì thân trâu ngựa, mà vợ con, mà nhà cửa, chi bằng phấn đấu với quân thù, đắp móng xây nền cho cách mạng.

Hãi hùng chi cuộc đọa đày, cứ tổ chức, cứ tuyên truyền, cho đến liều thân cùng súng đạn, bền gan vững chí với công nông.

 

        (Đất và người Thanh Chương thể hiện qua câu đối) 

----------------------------------0O0----------------------------------

SƠ LƯỢC CÁC ĐỜI TRONG PHẢ ĐỒ HỌ NGUYỄN SỸ

1. Đời thứ 1: Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Sỹ là Nguyễn Sỹ Tích [Can Tích], nguyên quê ở làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, di cư vào Cồn Lim (Thanh Lương) khai canh và lập ra làng Tú Viên.

(Trên Phả Đồ: Đời thứ 1 được ký hiệu bằng ký tự La Mã I ở đầu)

2. Đời thứ 2: Con trai của Nguyễn Sỹ Tích là Nguyễn Sỹ Vinh, tức Can Viêng.

(Trên Phả Đồ: Đời thứ 2 được ký hiệu bằng ký tự La Mã II ở đầu)

3. Đời thứ 3: Con trai của Nguyễn Sỹ Vinh là Nguyễn Sỹ Hoạch, tức Can Hoặc.

(Trên Phả Đồ: Đời thứ 3 được ký hiệu bằng ký tự La Mã III ở đầu)

4. Đời thứ 4: Nguyễn Sỹ Hoạch [Can Hoặc] sinh được 4 người con gồm: Nguyễn Thị Quy, Nguyễn Sỹ Hưu, Nguyễn Thị KhanhNguyễn Sỹ Thường (tức Can Thờng).

(Trên Phả Đồ: Đời thứ 4 được ký hiệu bằng ký tự La Mã IV ở đầu)

5.  Đời thứ 5: Đời thứ 5 trở đi phát triển từ nhánh con của Nguyễn Sỹ Thường (tức Can Thường). Can Thường sinh được 4 người con gồm: Nguyễn Sỹ Liêm, Nguyễn Sỹ Mậu, Nguyễn Sỹ SởNguyễn Sỹ Trị (hay còn gọi Nguyễn Sỹ Sắc hoặc Can Trị).

(Trên Phả Đồ: Đời thứ 5 được ký hiệu bằng ký tự La Mã V ở đầu)

6. Đời thứ 6: Đời thứ 6 phát triển từ 2 nhánh là nhánh Nguyễn Sỹ Mậu và nhánh của Nguyễn Sỹ Trị.

- Nhánh Nguyễn Sỹ Mậu: Nguyễn Sỹ Mậu sinh được 4 người con, gồm: Nguyễn Sỹ Xung (sau đổi thành Nguyễn Sỹ Lạng tức can Lạng), Nguyễn Sỹ Trang (tức Can Thùng), Nguyễn Sỹ Dũng (tức Can Thùng), và Nguyễn Sỹ Ái (tức Can Ới).

- Nhánh Nguyễn Sỹ Trị: Nguyễn Sỹ Trị sinh được 12 người con, gồm: Nguyễn Thị Dong, Nguyễn Thị Cung, Nguyễn Sỹ Ngụ (tức Can Chanh), Nguyễn Sỹ Thuyết, Nguyễn Sỹ Biểu (tức Can Tuần), Nguyễn Sỹ Lược (tức Can Khuê), Nguyễn Thị Thao, Nguyễn Sỹ Đỏ, Nguyễn Sỹ Chấn (tức Can Cụ), Nguyễn Thị Tham, Nguyễn Thị Tưu và Nguyễn Thị Hạch.

(Trên Phả Đồ: Đời thứ 6 được ký hiệu bằng ký tự La Mã VI ở đầu)

7. Đời thứ 7: Đời thứ 7 trở đi gồm rất nhiều nhánh:

- Từ nhánh Nguyễn Sỹ Xung (có 6 người con trai) sẽ có 6 nhánh từ đời thứ 7 trở đi gồm:

+ Nhánh Nguyễn Sỹ Khâm (tức Can Tôn)

+ Nhánh Nguyễn Sỹ Xuân (tức Can Định)

+ Nhánh Can Nhơn

+ Nhánh Can Lình

+ Nhánh Can Sòng

+ Nhánh Can Hài

- Từ nhánh Nguyễn Sỹ Ái (tức Can Ới, có 3 người con trai) sẽ có 3 nhánh từ đời thứ 7 trở đi gồm:

+ Nhánh Nguyễn Sỹ Trang

+ Nhánh Nguyễn Sỹ Cang

+ Nhánh Nguyễn Sỹ Duẩn

 

…………(đang viết tiếp)………….