Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Thân thế sự nghiệp và vị thế Quan Thị Giảng - Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng

THÂN THẾ SỰ NGHIỆP VÀ VỊ THẾ

QUAN THỊ GIẢNG – CỬ NHÂN NGUYỄN SỸ LẠNG

 

A. QUAN THỊ GIẢNG: 

Đời thứ 7, con trai thứ 2 của con cụ Nguyễn Sỹ Chấn; tự là Tín Trọng, sinh năm 1818. Đậu tú tài lúc 19, 24 tuổi. Cử nhân năm 25 tuổi và 26 tuổi (năm 1844) đậu phó bảng.( Trích dẫn ở trang 210 trong cuốn khoa bảng Nghệ an-NXB Nghệ an 2005 )

Kiểm chứng bài vở, văn quyển của Sỹ Ấn thể hiện kiến thức uyên bác, đầu năm 1845 vua Thiệu Trị bổ làm "Hàn lâm viện kiểm thảo..." (trích sắc phong ngày 17-3 năm Thiệu Trị thứ 5 - 1845) và sung vào hội đồng giám khảo kỳ thi hội; đồng thời kiểm duyệt hiệu đính các ấn phẩm, tài liệu ở viện Hàn Lâm của triều đình nhà Nguyễn. Chưa đầy một năm làm công vụ, Sỹ Ấn tỏ ra một bề tôi: "Tài năng tỏ rõ, hạnh kiểm đáng khen, công lao trau dồi đức nghiệp, tiếng quả không sai" (trích đạo sắc thứ 2, trang 38 phổ tộc), Hoàng Thượng đã chọn tuyển vị phó bảng này vào đào luyện hàng Công Khanh đại thần rồi phong ..."đặc thụ chức văn lâm lang"... cho đi "trị dân" làm Tri huyện Kim Thành, tiếp đến "làm Tri huyện Bố Trạch, Quảng Bình" (trích đạo sắc phong thứ 2 ngày 11 tháng 2 năm Thiệu Tri thứ 6 - 1846). Năm 31 tuổi làm phúc khảo trường thi Hà Nội (trích "Các nhà khoa bảng Nghệ An").

Cuối 1848 Vua Tự Đức vừa lên ngôi đã sắc phong: "...Nguyễn Sỹ Ấn tài năng tỏ rõ, hạnh kiểm đáng khen, công lao trau dồi đức nghiệp tiếng quả không sai... Nay đặc thụ đăng thừa vụ lang, đồng Tri phủ Kiến Thụy - ngày nay thuộc Hải Phòng....(Trích đạo sắc phong thứ 3 ngày 9 tháng 6 Tự Đức năm thứ 1 - 1848). Như vậy là vừa phụ trách công việc của triều đình "Đăng thừa vụ lang" vừa kiêm Tri phủ Kiến Thụy - như cán bộ trung ương nằm Cơ sở của ta hiện nay.

Qua 7 năm Nguyễn Sỹ Ấn thâm nhập "dân tình bá tánh" vua Tự Đức rất hài lòng và đầu năm 1852 sắc phong tiếp: "... Trẫm lập chính, dùng người tuân theo phép khảo hạch mà cất cử; xem xét tài năng mà định chức vị thì nêu gương kẻ có tài xử việc”. Nay người Nguyễn Sỹ Ấn , đồng Tri phủ Kiến Thụy: tài học xứng đáng..... có tài mưu tính, có năng lực thi hành... rằng thanh liêm, rằng cẩn thận, rằng siêng năng, phép quan tăng tiến, công việc gánh vác trọn vẹn, thành tích sáng rõ, đáng tuyển vào mà cất cử. Nay thăng lên “Phụng thành đại phu hàn lâm Viện thị giảng sung sử quán biên tu”… chăm lo nhiệm vụ... mãi mãi giữ được nghiệp sáng đã dựng nên..." (trích đạo sắc phong thứ 4 ngày 27-2 năm Tự Đức thứ 5 - 1852).

Có thể nói chỉ qua 4 đạo sắc vừa dẫn trích đã khái quát lên đức hạnh, tài năng, tác phong công vụ mà có lẽ ít một đại thần nào toàn diện nhiệm vụ được vua đánh giá sáng rõ xuất sắc như thế.

Kết cấu Nhà nước ta hiện nay, về khoa học có các bộ chuyên ngành nhiều trường, viện này, viện khác còn như thời nhà Nguyễn, tất cả tập trung vào Viện Hàn Lâm. Chọn một đại thần không những thông tường, giỏi, đứng đầu các phạm trù khoa học để thuyết phục được đội ngũ trí thức này, mà còn phải giỏi điều hành bộ máy hoạt động hiệu quả; đồng phối kết hợp với các Bộ kịp thời, ăn khớp, nhịp nhàng thực thi chiếu chỉ của Hoàng Thượng. Không chỉ có thế mà Sỹ Ấn còn phụ trách "sử quán biên tu" chuyên soạn, in sách, ấn phẩm các loại kể cả chiếu chỉ, di cáo, trước tác của vua, của Hoàng thất… Không chỉ có vậy, Quan còn làm một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nặng nhọc là "thị giảng" cho Hoàng Thượng, lơ mơ trái ý vua là bị mất đầu như bỡn. Như ta đã biết Tự Đức là một ông vua am hiểu nhiều lĩnh vực khoa học, đời sống, trong đó giỏi về kiến thức, thơ văn. Trực tiếp thị giảng lọt tai một người như thế phải có một kiến thức cực kỳ uyên thâm. Không những làm tốt việc này mà Sỹ Ấn còn là người thầy, tư vấn viên và người tâm giao được nhà vua rất tin yêu, ngay lúc qua đời tại Cung, vua nhà Nguyễn đã cho một đặc ân mai táng Quan Thị Giảng vào đắc địa của Hoàng gia tại núi Ngự Bình. Thời gian sau, đáp ứng nguyện vọng gia tộc, vua sai quân lính phục dịch chuyển thi hài về quàn tại Vườn Can Cụ như lời em trai Sỹ Ấn, người đã từng chứng kiến lễ tang của anh tại Huế và áp tải đoàn phu chuyển thi hài anh về quê kể lại.

Cũng trong chuyến vào chăm sóc anh trai điều trị tại Đại nội em ruột Quan mới hiểu thêm và chứng kiến vai trò anh mình tại triều đình: Quan Thị Giảng chứ đâu phải tể tướng như ở các triều đại phong kiến Trung Hoa, thế mà có uy tín rất lớn: Hầu hết các trung thần đều quy tụ về đây mà Sỹ Ấn là cột trụ trung tâm. Vì người anh thanh liêm, chính trực, bài xích thói xu nịnh, gian thần, khảng khái can dán khi vua định ban chiếu chỉ hay hành động bất lợi cho dân và luôn luôn hướng Hoàng Thượng quay về với "Dân làm gốc". Cũng chuyến đi đó em trai quan hàng ngày chứng kiến: Tuy đau nằm trên giường bệnh tại tư dinh, không đến nhiệm sở được, mà các Thượng thư, Công khanh thường xuyên đến thăm viếng, chủ yếu tham vấn ý kiến Quan về các vụ việc, các hoạch định trước khi họ trình kiến nhà vua...

Với những kiến giải trên chúng ta thấy: “cái tâm, cái tài, cái tầm” của Nguyễn Sỹ Ấn như thế nào mới hoàn thành xuất sắc công vụ được giao. Đúng như mấy câu trong diễn ca lịch sử họ Nguyễn Sỹ Thanh Lương đã ghi về vị Phó Bảng này lúc ở nội triều Huế.

..."Uy phong cao ảnh hưởng quân thần

Bạn bè chí hướng kết thân

Luận đàm quốc sự vạch phân chính tà"...

Cũng thời gian ở đây, Quan đã giúp đỡ Nguyễn Sinh Sắc đưa vợ con vào Huế thi cử, học hành thành đạt. Xin trích dẫn mấy dòng sau đây ở trang 3, 4 hồ sơ di tích nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách do Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lập tháng 1 năm 1998 và đã được Bộ văn hoá - Thông tin xác nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá nhà thờ này ngay cuối năm đó:

"... Khoa thi hội năm 1898 (Mậu Tuất) Nguyễn Sỹ Ấn được cử làm đồng khảo kỳ thi ở Huế. Tại đây ông đã gặp nhiều đồng hương quê ở Nam Đàn... Thấy Nguyễn Sinh Sắc học giỏi, có chí khí nhưng nhà nghèo, tiên khảo Nguyễn Sỹ Ấn đã nhắc: "Trò về quê đưa vợ và các con về kinh đô Huế để ổn bề gia thất ta sẽ giúp mới thành đạt". Nghe lời khuyên ấy Nguyễn Sinh Sắc làm đúng lời thầy... "Hai năm ở Huế, Nguyễn Sỹ Ấn  đã giúp đỡ Nguyễn Sinh Sắc ổn định gia đình để học hành. Nhờ sự giúp đỡ về mọi mặt của người thầy cùng quê, Nguyễn Sinh Sắc đã thi đậu Phó Bảng khoa Tân Sửu 1901...”

Sau khi đó Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc hành hương về quê, đã lên nhà thờ Can Cụ để tạ ơn thầy. Tại nhà thờ, Nguyễn Sinh Sắc cùng hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung đã dâng hương bái tạ và cúng tiến nhà thờ bức hoành phi: "Thi Thư Trạch" - Nghĩa là gia đình có truyền thống học hành khoa bảng. Và một đôi câu đối:

"Môn thanh dục hậu lễ thi hương

Thế trạch khai tiên khoa quan phổ"

Tạm dịch:

"Cửa này nổi tiếng về học hành khoa bảng

Dòng học này đứng đầu kỳ thi cử"

Đến tháng 3 - 1946 khi biết em trai mình làm chủ tịch nước Nguyễn Sinh Khiêm lại lên đây báo tin và thắp hương bái tổ rồi lưu bút 4 câu thơ tứ tuyệt tại nhà thờ này:

"Muôn thuở công thành danh hiển dạt

Nghìn thu đức sáng họ phồn vinh

Nối nghiệp cha ông truyền Cẩm tú

Noi gương con cháu quyết học hành"

Sở dĩ thành đạt như vậy, ngoài dòng máu thông minh, nhạy bén, từ tuổi hai mươi Nguyễn Sỹ Ấn đã ấp ủ một hoài bão lớn như trong tộc phổ ghi: "Năm Giáp Thìn trúng Phó Bảng hội thi, người trong họ đến mừng, ông vẫn điềm nhiên, ung dung nói rằng: "... trong lòng vẫn chưa mãn nguyện...". Phải chăng so với lực học, kiến thức mình tích luỹ thì học vị Tiến sĩ nắm trong tay ? Đầu năm sau được vua sắc phong, bổ nhiệm, Sỹ Ấn cho đây là cơ hội cống hiến tài năng cho "Sơn hà xã tắc" mà tự thân đã ấp ủ. Nghĩa là đã "Có đất dụng võ". Người mới từ bỏ ôn thi, không câu nệ vào chính bảng hay phó bảng, liền nhập thế cục, về triều nhận nhiệm vụ ngay. Nhà vua đã sáng suốt nhìn thấu tài năng bố trí một Phó Bảng khảo hạch thi hội chọn tuyển cả Tiến sĩ... Việc chọn đúng người, đúng việc lúc này cũng như cả sau này của người điều hành, như cờ cắm ra chỗ gió càng phất phới bay, tài năng của Nguyễn Sỹ Ấn càng được thăng hoa đúng như vua Tự Đức tiên đoán về đại thần này: "Mãi mãi giữ được nghiệp sáng đã dựng nên" (ở sắc phong thứ 4 ngày 27 - 2 năm Tự Đức thứ 5 - 1852). Tận cho đến ngày nay nghiệp sáng đó càng soi cho hậu duệ của Quan bước theo...

VỀ GIA THẤT QUAN THỊ GIẢNG

 Chính thất:

Nguyễn Thị Tảo, con Nguyễn Phùng Hiển, còn gọi là Cố Cụ Khuông, thôn Thượng Thọ, xã Xuân Tường, Thanh Chương. Cụ khuông giàu có, nhiều ruộng, đông đầy tớ. Cụ đã xuất tiền gạo thuê trai đinh xeo gánh một phiến đá dài, rộng, dày từ trong hẻm núi vùng đó về bắc qua một con suối nhỏ cho dân đi lại. Cầu đá này được họ gọi là cầu Ông Cụ, hoặc Cầu Cụ Khuông.

Mẫu thân của Thị Tảo người họ Nguyễn Nhân làng Xuân Dương, xã Thanh Dương, Thanh Chương, em ruột quan Hàn. Bà Tảo kém chồng 3 tuổi, mất năm 1904 thọ 85 tuổi, sinh được và trưởng thành 2 gái, 1 trai: Nguyễn Thị Thượng lấy Tú tài Phan Đình Dung ở Võ Liệt - Thanh Chương. Đình Dung đậu 2 khoa Tú tài, Bố là Cử nhân, còn anh trai đậu Phó Bảng. Ông bà Tú Dung con cháu đông đúc.

- Con gái thứ 2 sinh ở Kiến Thụy nên có họ tên là Nguyễn Thị Thụy lấy tam giáp Tiến sĩ Nguyễn Đình Điển, còn gọi là Nghè Đởn ở làng Xuân Hồ, Nam Đàn, Nghệ An. Bố là Cử nhân, còn Nghè Đởn là bạn học tri kỷ với Nguyễn Sinh Sắc.

- Con trai thứ 3: Nguyễn Sỹ Khanh, dân làng thường gọi là cụ Ấm Tiết sinh năm 1850. Học hành, văn chương tiếng tăm giữa làng sĩ tử. Thế nhưng thi nhiều lần vượt qua Tam tràng mà vẫn không trúng Tú tài mà cứ tiếp tục lều chõng vào trường thi Hương, chủ yếu giúp đỡ bạn hữu làm văn quyển. Học trò, bạn bầu của Sỹ Khanh nhiều người giành Tú tài, Cử nhân vào thi hội. Vậy nên môn sinh đến học Cụ rất đông. Vợ là Phan Thị Nhiên hơn chồng 1 tuổi, con gái Phan Sỹ Thích, tam giáp Tiến sĩ khoa Kỷ Dậu, làm quan đến "Tham tri tuần phủ sung như thanh chánh sứ” nên dân trong vùng Võ Liệt quê Thị Nhiên quen gọi vị Tiến sĩ này là Quan đại (đại sứ) nhà gần chỗ cầu bến quan Võ Liệt - Thanh Chương. Mẹ bà Nhiên là Hoàng Thị Khiết con của Cử nhân ngự sử an đạo..."

Vợ chồng cụ Ấm Tiết đều sống thọ, sinh được 6 trai, 4 gái trưởng thành.

           * Bà vợ thứ 2 của Quan Thị Giảng: người họ Nguyễn Nhân ở Thanh Dương sinh được 1 gái là Nguyễn Thị Thành rồi cải giá. Thị Thành sinh 3 gái.

 * Bà vợ thứ 3 của Quan người họ Nguyễn Phùng, cùng thôn với Bà Chính Thất nêu trên gọi là bà Rực thọ 73 tuổi sinh một gái là Nguyễn Thị Thị, lấy con trai Tuần Phủ họ Phan Võ Liệt là Phan Thưởng.

 Bà Rực qua đời mộ ở cạnh mộ Quan Thị Giảng tại Nghĩa trang Thòi Lòi.

B. CỬ NHÂN NGUYỄN SỸ LẠNG :

Còn có tên Nguyễn Thúc Hoằng. Hiệu Độn Am con ruột thứ 3 Can cụ Nguyễn Sỹ Chấn. Em trai kế Nguyễn Sỹ Ấn. Sinh năm Nhâm Thìn 1832. Trúng Tú tài khoa Đinh Mão 1867, khoa Mậu Thìn 1868. Khoa Canh ngọ 1870 tiếp đó đậu Cử nhân (Theo tác phẩm "Khoa bảng Nghệ An" - trang 278 do Nhà xuất bản Nghệ An năm 2005).

Tuy đỗ đạt nhưng ông không ra làm quan, về quê dạy học tại nhà và mở lớp "tại nhà thờ Can Cụ và hội quán làng Tú Viên, thanh niên trong vùng theo học rất đông tại nhà thờ Can Cụ, trong đó nhiều người đã đỗ đạt Cử nhân, Tú tài Tam trường" (Trích dẫn trang 3 hồ sơ di tích Bảo tàng Xô Viết, Nghệ Tĩnh lập và được công nhận của Bộ văn hoá Thông tin năm 1998).

Theo con trai của Cụ Nguyễn Thúc Hoằng kể lại: Thấy chỗ ở của thầy tồi tàn, hội Đồng Môn nhiều lần đề nghị, muốn làm một ngôi nhà mới thay ngôi nhà lá, nhiều năm hư hỏng dột nát của Thầy nhưng thầy không đồng ý, nhân chuyến thầy đi vào kinh đô huế săn sóc anh trai đang điều trị bệnh, hội Đồng Môn bèn góp tay đi mua một bộ lồng ông nhà gỗ nòi ba gian tứ trụ hai hồi chở từ Thanh Khê - Thanh Chương về dựng thay nhà cũ cũng trên nền hiện có và lợp lá tro ngâm. Khi về thấy sự thể đã rồi và các đồng môn cầu xin, Thầy đành chịu thua lũ học trò "Tiền trạm hậu tấu" mà chấp nhận.

"Đến năm 1888 - 1889, Cụ Cử Lạng xuống làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn tiếp tục nghề dạy học. Cụ Phan Bội Châu được Cụ Cử Lạng dạy bảo đến nơi đến chốn" (Trích dẫn cùng sách "Hồ sơ... đã nêu trên"). Tại đây còn có một số môn sinh, sĩ tử từ Đức Thọ - Hà Tĩnh - nghe tiếng tăm cũng tìm đến học Thầy Thúc Hoằng. Sở dĩ Phan Bội Châu được thầy dạy bảo "Đến nơi đến chốn", vì so với học sinh cùng lớp, trò Phan thông minh, lại khổ tâm với cảnh lầm than của trăm họ trong vòng quốc nô, được thầy ưu ái dùng khoa học, văn chương qua từng lời giảng, từng buổi bình thơ, luận văn hàng ngày, như những dọt dầu tiếp tưới vào ngọn lửa yêu nước vốn có trong lòng môn sinh này. hyvọng một mai nó bùng lên dữ dội, lan toả ra thanh niên nhân quần thành bão lửa, ồ ạt thiêu cháy xiềng xích nô lệ như lòng thầy từng ấp ủ. Có thể nói trò Phan bấy giờ là nơi gửi gắm lý tưởng, là nguồn hy vọng vào lớp hậu sinh của mình. Nên Nguyễn Thúc Hoằng đã dày công đào luyện về nhân cách, về ý chí, giỏi về tri thức khoa học. Muốn thực hiện một hoài bão lớn thầy hiểu rất rõ: Đạo đức, nhân cách phải hoà quyện vào tài năng thực sự. Quả thế, cây không phụ người chăm trồng, chỉ một thời gian Phan Sào Nam tháo đọt vươn cành tốt tươi hẳn lên, trở thành một trong "Tứ Hổ Nam Đàn" và đỗ đầu kỳ thi Hương. Tiếp liền sau đó "Tháng giêng năm Tân Sửu – 1901” - Cụ Phan lên Thanh Chương... đến nhà thờ họ Nguyễn Sỹ thắp nén hương và tặng bức trướng để tạ ơn thầy Cử Lạng:

Xuân đán Giải Nguyên Phan Bội tuyển bảng hiển môn sinh.

Kính tặng thầy giáo Thúc hoằng ( Tức Nguyễn Sỹ Lạng) như trong "Hồ sơ di tích nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách" ở trang 4 đã ghi. Không những bồi dưỡng thế hệ trẻ lòng căm thù giặc, nuôi dưỡng ý chí đánh giặc ngoại xâm, ông Cử Lạng còn là một trong những người xông lên chỉ huy, trực tiếp đánh Pháp, lũ tay sai như trong "Hồ sơ di tích nhà thờ Nguyễn Sỹ đã được Uỷ Ban Nhân Dân xã Thanh Lương, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Chương, Viện Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng, tỉnh uỷ Nghệ An, Sở văn hoá thông tin và UBND tỉnh Nghệ An xác nhận, đồng thời Bộ văn hoá thông tin công nhận cấp bằng di tích lịch sử văn hoá và cách mạng cấp quốc gia năm 1997" đã ghi ở trang 4 như sau:

Hưởng ứng phong trào Cần Vương của Cụ Phan Đình Phùng năm 1885 - 1896 ở huyện Thanh Chương nhiều sĩ phu yêu nước tham gia tích cực như Bùi Văn Huân, Nguyễn Đình Cát, Văn Đình Nịu. Nguyễn Sỹ Lạng, Nguyễn Sỹ Vơn... đã đứng ra triệu tập nghĩa binh ngày đêm luyện tập võ nghệ, phối hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng đánh hai trận oanh liệt: ở vùng cửa Hội (Nghi Lộc) vùng đồn Nu-Tổng Bích Hào Thanh Chương... Nghĩa binh đắp đập đá tại Lạch Quèn để ngăn chặn thuyền chiến giặc ngoài biển đổ bộ vào Quỳnh Lưu..”Ở cuốn lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1 - Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh 1985 trang 21 cũng đã ghi về hai trận đánh này như vậy”. Còn trong diễn ca lịch sử họ Nguyễn Sỹ khái quát bằng mấy câu văn vần ở trang 2 như sau:

Thời kỳ đầu thực dân xâm lược

Dòng họ ta theo bước văn thân

Gạo tiền tiếp tế góp phần

Cần Vương dậy sóng, nghĩa quân diệt thù.

Cùng với các sĩ phu trong huyện

Sỹ Vơn Sỹ Lạng luyện cháu con

Hợp quân đánh thắng vang dòn

Đồn Nu sôi tiếng, Lạch Quèn nổi tăm...

Tham gia hoạt động phong trào Văn Thân chống Pháp, theo như con trai ông Cử Lạng kể lại: Ông Cử thường lui tới hội họp với các sỹ phu yêu nước từ Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh sang và ở trong vùng Hữu Ngạn, Tả Ngạn sông Lam huyện ta tới tại nhà ông Văn Đình Thanh - con trai vị này là Văn Đình Khoa sau này là Đảng viên cộng sản đầu tiên ở Thanh Khai và là liệt sĩ 1930 – 1931, hai địa điểm tụ họp nữa là nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Sỹ và nhà thờ cụ Lê Kim Tường mà vùng đó hay gọi là cụ Bá làng Nguyệt Bổng - Thanh Chương. Ở nhà thờ này vẫn còn lưu giữ một câu đối của Phan Đình Phùng và đây cũng là di tích hồi Bác Hồ còn là cậu Nguyễn Sinh Cung học hành với con của Lê Kim Tường với các thầy giáo trong đó có bố đẻ của Cung. Do mối thân hữu "đồng tâm đồng chí" của sỹ phu yêu nước chống Pháp ông Cử Lạng đã gả con gái đầu của mình cho con trai thứ 2 Lê Kim Tường là Lê Nghì - sau này dân làng quen gọi "ông bà Đồ Nghì".

Nhiều lần đi hội họp hoặc chơi với thông gia ông Cử Lạng hành trình từ Tú Viên lên Nguyệt Bổng, về thì ngược lại đều đi theo tỉnh lộ. Bên đường này ở Xuân Tường có quán Hàng Tổng (gần chỗ cái giếng đổ sau này là nơi các chức sắc 13 làng tổng Xuân Lâm về họp với cai phó tổng ). Ông Cử Lạng chẳng có chức vị gì trong làng, trong tổng cả, nhưng học vị Cử nhân, là thầy giáo giỏi đến giới khoa bảng, cự phách văn chương cũng phải tôn kính lại là em ruột của một đại Thần ưu thế tại triều. Hơn nữa tiếng nói của ông bao giờ cũng phản đối cường quyền áp bức người lao động, một lực lượng đông đảo  đối kháng, nên bộ sậu chức sắc rất nể sợ. Đang hội họp mà tuần phu thính thám vào báo có ông Cử Lạng sắp đi qua ( Ông lại hay chọn đúng ngày họp của bọn  này để hành trình ), lập tức Chánh phó tổng đích thân ra chầu chực kính chào và "mời ông Cử vào nghỉ chân một lát". Lần nào ông cũng xếp ô ghé vào thì mâm bàn rượu tiệc đã bày sẵn ra. Mặc dù họ khẩn khoản kính mời ông đều từ chối và chỉ xin "bát nước chè xanh giải khát thôi". Trước lúc ra đi ông chỉ vào Chánh tổng nói to "các vị bàn bạc hội họp gì là việc của các vị. Nhưng tôi nói cho mà biết: Làm gì cũng một vừa hai phải, chứ bóp nặn dân, nhất là đe nẹt hạng cùng đinh thì họ không tha cho các vị đâu". "Giun xéo lắm cũng quằn". Đám chức sắc cúi đầu vâng vâng, dạ dạ. Ông ngoái lại bồi thêm: "Tôi nói là để cứu các ông thôi, chứ anh hùng cũng thua thằng khùng. Áp bức quá đỗi, dân nổi dậy thì các ông sống với ai? chui xuống bộng nẻ ư ?".

Những lời răn dạy ấy cùng cả quãng thời gian ông Cử Lạng chưa qua đời cũng như giai đoạn phong trào Văn Thân hoạt động, chừng mực nào đó, bọn cường hào còn e dè dân nổi can qua chưa tàn ác như sau này, nên tình hình chính trị xã hội của Tổng Xuân Lâm cũng như huyện Thanh Chương tương đối ổn định, không phải bùng lên như cao trào Xô Viết, Nghệ Tĩnh sau này.

Cho đến khi ông Cử Lạng mất 13 tháng 3 Quí Mão 1903 không những dân làng, gia tộc, học trò, bạn hữu mà các hương lí 13 làng và chức sắc hàng tổng đều đến điếu viếng túc trực trước linh cữu, cùng với gia đình, gia tộc làng xã tổ chức lễ tang, mai táng ở nghĩa trang Thòi Lòi. Cũng theo vợ, con và con dâu của ông Cử kể lại thì lải rải từ lễ sơ ngu, tái ngu, chung thất, tốt khốc, tiểu tường người gần thì trong huyện Nam Đàn, xa từ Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lượng, Yên Thành, Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ... cũng có người mắc việc đảm trách nơi xa, nghe tin lặn lội về viếng thì đã đến lễ Đại Tường ( giỗ hết khó).

Không ít người mà gia đình không rõ danh tính, nơi chốn ở đâu nhưng ai cũng thắp hương bái lạy, khấn nguyện thảm thiết trước vong linh ở bàn thờ, mộ phần người đã khuất, và chỉ có ông Cử mới biết trong số họ ai là môn sinh, ai là đồng chí hướng của hội Văn Thân, ai là bạn chiếu đấu ở trận mạc nào, và ai là bạn hữu khoa cử ngày xưa của mình...

Về thê tử ông Cử Lạng:

- Bà Chính Thất: Nguyễn Thị Hựu, con gái Cử nhân họ Nguyễn Đình, thôn cồn Mởn, Thanh Khai mất ngày 16/6 Âm lịch.

- Bà Kế Thất: Nguyễn Thị Thiệu người họ Nguyễn Hữu ở làng Xuân Dương cạnh Tú Viên mất 25 - 8 - Bính Tý (1936 ) thọ 87 tuổi. Ông và hai bà sinh hạ, trưởng thành lập gia thất gồm 2 gái: Một người (chị) lấy ông Đồ Nghì  làng Nguyệt Bổng như đã nói ở trên con cháu đông đúc, học hành khoa cử đỗ đạt hiển vinh.

Một người nữa lấy ông Nho Cảng họ Nguyễn nhân nay là Nguyễn Sỹ cũng ở làng Xuân Dương - Thanh Chương. Vừa sinh con đầu thì mất cả mẹ con.

Hai con trai:

- Nguyễn Sỹ Thanh (còn gọi là ông Nho Thên): thầy dạy học, thầy thuốc danh tiếng trong vùng. Sau cách mạng Tháng 8 - 1945 có thời kỳ là ban chấp hành liên Việt huyện, hội đông y huyện mất năm 1961 thọ 73 tuổi.

- Nguyễn Sỹ Diệu: Đảng viên cộng sản Đông Dương, liệt sĩ Xô Viết- Nghệ Tĩnh hy sinh trong cuộc đấu tranh huyết lệ tại ngục Côn Tum năm 1931 lúc 39 tuổi đời.

C. NHỮNG CỐNG HIẾN, VAI TRÒ, VỊ THẾ QUAN THỊ GIẢNG VÀ CỬ NHÂN NGUYỄN SỸ LẠNG VỚI GIA ĐÌNH GIA TỘC VÀ ĐỊA PHƯƠNG. 

Quan Thị Giảng:

+ Bố mẹ mất được mấy tháng thì đầu năm 1845 Phó bảng Ấn phải vào kinh làm nhiệm vụ vua giao. Tại đây ông được chứng kiến một số thợ mạc đang kiến trúc, xây dựng dinh thự, cung điện của Hoàng gia, trong lòng đã phôi thai dự định làm một từ đường thờ cúng cha mẹ thay thế chỗ thờ đang chung với nhà ở. Ba năm sau được điều ra kiêm chức Tri phủ Kiến Thụy, dự định này mới được thực hiện dần dần là trao đổi với anh Nguyễn Sỹ Nguyên, em Nguyễn Sỹ Lạng, nhận tiền bạc của ông gửi về, mua sắm gỗ lạt vật liệu trong vùng tích trữ dần, đến cuối năm 1851 đầu 1852 về lại triều nhậm chức Hàn Lâm viện thị giảng... Quan mới chính thức lựa chọn thiết kế kiểu dáng, hiệp đồng với thợ cả, thuê họ về làm vào đầu năm Nhâm Tý, khánh thành vào tháng Canh Tuất cùng năm 1852 như bản chữ khắc gỗ còn để lại trên khấu đầu phù hợp với lời truyền kể của con, dâu, cháu nội, chắt nội Can Cụ. Tốp thợ về anh em Sỹ Nguyên, nhất là Sỹ Lạng tổ chức cho thợ ăn ở thi công và hàng ngày đôn đốc, giám sát thợ làm đúng theo kiểu dáng mộng mẹo, mẫu mã của kiến trúc cung thất mà bản vẽ Quan đã gửi về.

Tính từ đó đến nay trên 154 năm, ắt còn tiếp hàng trăm năm nữa các hậu duệ của Quan, của ông Cử không phải lo lắng xuất tiền của xây từ đường mà còn được một công trình kiến trúc nguy nga, hoành tráng mang niên đại kiến trúc thời Nguyễn lưu lại trên mảnh đất Tú Viên cho con cháu, nhân dân các thế hệ chiêm ngưỡng mà chẳng phải du lịch đâu xa xôi.

Từ nhà thờ cúng cha mẹ thế hệ thứ sáu, viễn tôn thứ 13 đã ra đời. Nghĩa là Quan đã gánh vác cho cả 7 thế hệ và còn nhiều thế hệ sau yên tâm về từ đường. Nay công trình này đã trở thành nhà thờ cổ, Thuỷ tổ rồi thượng thuỷ tổ về sau của chi họ này.

Tiếp đó em Cử Lạng của Quan: chủ trì cùng với hai cháu nội Can Cụ tạc bia ghi công tích cổ nhân tiền liệt lưu lại cho muôn đời sau dựng vào từ đường như ta đã biết...

+ Đóng góp thứ 2: Hai anh em Quan Thị Giảng là những bậc thông giỏi thiên văn địa lý, tiếp theo lời căn dặn của cha mẹ lúc qua đời, mai táng thân sinh mình vào nơi người đã chọn.

Lệ làng đãi ngộ ưu tiên đối với người đỗ đạt, khoa bảng của chế độ bấy giờ, anh em Quan Thị Giảng lại có công đóng góp cho làng xã nhiều công sức, vật chất, tinh thần, khi nghe hai anh em người đề xuất, hương lý làng Tú Viên hồi ấy đã thoả thuận nhường lại mái núi Thòi Lòi phía trước cho chi họ và dòng tộc làm nơi an nghỉ của người đã khuất, mặc dầu lúc bấy giờ cồn tha ma cũng như đồi yên Tập làng Tú Viên còn hoang vu, mồ mả hung, cát táng còn thưa thớt thì ai hơi đâu đi xa hàng cây số vào chôn cất ở Thòi Lòi nơi rậm rạp như rừng chưa có lối đi, nhưng hai anh em Quan Thị Giảng đã hoạch định các huyệt vào từng vị trí mai táng cho mình, cho con cháu khi qua đời dần dà trở thành nghĩa trang của chi tộc. Sau này các chỗ gần đất đai đã eo hẹp, các chi khác của dòng họ phần lớn hung, cát táng cũng đưa vào chốn này, trở thành nghĩa trang của dòng Tộc Nguyễn Sỹ.

Đến những năm 80 của thế kỷ truớc, toàn họ xây dựng cốt xếp lại mộ phần theo đời thẳng hàng lối, khuôn viên đi lại.

Trước khi đón di tích lịch sử văn hoá, cách mạng nhà thờ họ Nguyễn Sỹ Chính quyền địa phương đã cấp thêm đất mở rộng nghĩa trang như hiện hữu. Nghĩa là Người khai mào tạo dựng nên thành quả đó, sau Can Cụ là anh em Quan Thị Giảng và Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng.

+ Thứ 3: Một đóng góp mà mắt không nhìn thấy, tay không sờ được như hai trường hợp kể trên: Đó là tính kế thừa, phát huy gia phong truyền thống gia đình gia tộc. Hai vị đã từng đọc rộng thi thư, kiến thức uyên bác, đã lựa chọn vạch ra những qui ước, đạo lí: "Trung với vua" như thế nào cho hợp thời đại. Hiếu với các bậc sinh thành thì phải như thế nào về ý nghĩa, cử chỉ, hành động, lời nói. Đối với vong linh tiền liệt, với quỷ thần ra sao? Xử sự với người già, người khuyết tật, với phụ nữ, trẻ em, ấu thơ, hài nhi thì khác với người đồng lứa, thanh niên, bạn bầu chỗ nào ? Đối với "đồng tiền, bát gạo" ngọc ngà vàng bạc, đối với nghề nghiệp, thiên nhiên trời đất... Còn đối với "bản ngã" chính mình, phải giữ gìn rèn luyện sức khoẻ tu luyện ý chí, đức hạnh ra sao.v.v... đều có truyền dạy bằng văn bài tác phẩm hay bằng miệng hoặc bằng văn thơ v.v... xây dựng, cải tiến tục lễ ma chay cưới hỏi cúng đơm thờ tự trong chi, trong dòng tộc. Các tục lệ này lan toả ra trong nhân dân làng xã noi làm theo.

Hai vị tiếp thụ lời răn dạy của cha mẹ, cộng với trí tuệ thông đạt của mình, chấn chỉnh mọi nền nếp gia phong; khai mở nhát chạm khắc đầu tiên tạo tác nên Người cho hậu duệ cả chi sau này trưởng thành tốt đẹp, phát huy truyền thống quí báu của người xưa. Từ đó ta thấy không phải ngẫu nhiên cửa họ này, con cháu học hành thành đạt, nổi lên những hậu duệ tiếng tăm như: Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Sỹ Diệu, Nguyễn Sỹ Đồng, Nguyễn Sỹ Địch, Nguyễn Sỹ Trúc, Nguyễn Sỹ Dương, Nguyễn Sỹ Hạp, Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyễn Sỹ Hồng v.v... sau này đã đóng góp cho làng nước trong công cuộc giành nền Độc lập, xây dựng Tổ quốc phồn vinh...

+ Thứ 4: Phó Bảng Nguyễn Sỹ Ấn, Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng, sau những khoá đậu đạt và những khi đi đó đây làm công vụ, nhiều lần về bái thượng thượng tổ tại Thọ Hạc - Thanh Hoá - nơi sinh đẻ ra tiên tổ Nguyễn Sỹ Tích di vào lập nghiệp tại Cồn Lim, Tú Viên. Hai vị đã truy biên, soạn lập ra tộc phổ, vẽ sơ đồ từ đời 1 đến đời thứ 9 lưu lại. Các thế hệ sau chỉ bổ sung, nối tiếp đến ngày nay như toàn họ đại tôn ta có.

Xin trích mấy dòng sau đây trong lời nói đầu của "truyện gia đình gia tộc" họ ta để thấy được ý nghĩa tộc phổ mà 2 anh em Quan Thị Giảng đã thiết lập:

"Giả sử là một đứa bé bị bỏ rơi, lớn lên không biết ai là người sinh đẻ, gia tộc tổ tiên mình chốn nào. Đó là những day dứt, bất hạnh suốt một đời người. Sự thực thì chúng ta rất diễm phúc, từ các thế hệ trước đã lui tới viếng thăm nơi cội nguồn, sao chép, lập tộc phổ lưu truyền lại đến ngày nay..."

+ Thứ 5: Dòng họ Nguyễn Sỹ có Nguyễn Sỹ Xung là "Tráng tiết tướng quân" dưới trướng Quang Trung, oanh liệt xông pha trận mạc. Quân giặc mới nghe tiếng đã bay hồn vía, kế đó là Nguyễn Sỹ Quyền, Sỹ Biểu, Sỹ Khuê, đao chùy, gươm giáo, trống kèn xung trận oai phong... Về văn: Tú tài Nguyễn Sỹ Khâm, Nguyễn Sỹ Xuân, Nguyễn Sỹ Giản, và hàng loạt tên tuổi đậu tam tràng như Sỹ Hoà, Sỹ Nguyên, Sỹ Giao, Sỹ Khanh, Sỹ Thanh, Sỹ Diệu, Sỹ Triệu, Sỹ Sáu, Sỹ Trâm, Sỹ Duân đã đưa họ ta có mặt trên văn đàn. Nhưng chỉ đến lúc anh em Nguyễn Sỹ Lạng đậu Cử nhân, Nguyễn Sỹ Ấn chiếm phó bảng làm việc tại triều thì dòng tộc này mới thực sự là "Thi Thư Trạch" (Truyền thống học hành thi cử) và:

"Môn thanh dục hậu lễ thi hương

Thế trạch khai tiên khoa hàm phổ"

Anh em Quang Thị Giảng như vậy đã hiến dâng một bước ngoặt mới: Văn võ song toàn cho họ Nguyễn Sỹ làng Tú Viên "Từ đây cuốn sổ vàng khoa bảng quốc gia, chép một trang mới danh sách dòng họ chúng ta. Và cũng từ đây, có thể nói vua quan, đại thần, các học giả cả nước khi nhìn về mảnh trời làng Tú Viên, nơi đó là "quan viên phụ mẫu lấp lánh mũi giáo quan võ và ngời lên ngọn bút lông sắc sảo của quan văn mũ cánh chuồn..." như một bậc cao niên từng nói.

+ Thứ 6: Theo luật lệ các Triều vua trước cũng như triều Nguyễn, để khuyến học, đãi ngộ hiền tài, thì ai đậu Tú Tài trở lên là được cấp công điền công thổ. Cử nhân, phó bảng, Tiến sĩ không những dân hàng tổng, xã làng có cờ quạt, trống chiêng, vọng lọng nghênh đón mà ruộng đất tuỳ theo các học vị được cấp hơn lên.

Theo như con, dâu ông Cử Lạng kể lại: Khi ông đậu Tú tài khoá đầu tiên, Chánh phó tổng cùng Hương lí thân chinh đến tận nhà chúc tụng và ngỏ ý: "Ông Tú ưng chỗ nào chúng con sẽ cấp điền thổ chỗ ấy...". Ông Tú điềm nhiên bảo: "Làng cứ để thư thư. Nghiệp học hành thi cử, tôi đã ngừng đâu". Đến khi trúng Cử nhân ông cũng lặng im không cho con cái hé tin cho dân làng biết. Thế nhưng chức sắc vẫn biết, muốn cắt Công điền cấp cho ông. Nhưng ông từ chối để nhường lại ruộng tốt cho dân canh tác. Ông Cử Lạng chỉ xin làng lên Cồn tha ma chỗ tiếp giáp địa giới với làng Xuân Dương khai phá một mảnh vườn, rồi dời nhà lên đó ở - thay vì chỗ mảnh vườn cha mẹ phân cho cả gia đình ba anh em trai chen chúc, chật hẹp quá, mặt dầu lúc bấy giờ Cồn tha ma còn hoang sơ rậm rạp, ai nhát gan đều sợ. Còn phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn chức sắc địa phương chưa kịp đến thi hành tục lễ cấp đất thì quan đã vào triều nhận chức. Sau này có dịp quan về Hương lí đến thỉnh cầu thì Quan từ chối nói: Tôi đã đi làm quan, có bổng lộc của vua. Quan phải lo cho dân, mà dân  làng ta nghèo. Cảm ơn sự ưu ái của dân làng. Các ông cứ đem điền thổ định cấp cho tôi nhập vào cho dân sản xuất. Trên có hỏi thì cứ nói tôi không nhận. Ai bắt tội các ông, cứ báo cho tôi biết...

+ Thứ 7: Ngay từ thời kỳ Can cụ kế đến sau này con của Can, thể theo nguyện vọng của dân làng, Quan Thị Giảng và nhất là ông Cử Lạng, những người có học vị cao, am tường thánh thần ma quỷ, đã giúp Hương Lí và nhân dân Tú Viên trùng tu lại đền miếu như đền nhà Ngô, đền Thái Phó, đền Cả và chấn chỉnh lại nghi lễ cúng tế hàng năm ở các nơi này. Đặc biệt là đền Cả, như cháu chắt cao niên của Can truyền lại: Vị thần ở đền này linh thiêng lắm. Ngài đã từng ngăn ngừa trừng trị quỷ ma, phù giúp dân sự làm ăn yên ổn. Dịp Quan Thị Giảng về phúc khảo trường thi Hà Nội mới truy tìm tái lập lại đền phả của vị thần này - thay vì thuở trước kia tráp son đựng báu vật này cùng một số đồ thờ thần bị trộm cắp mất mát. Để tỏ lòng đáp tạ, tri ân Ngài, dân làng Tú Viên có nguyện vọng mua kiệu rước long ngai vị thần này trong những ngày tế lễ. Ông Cử Lạng đã vẽ kích cỡ tủ đựng kiệu làng, đưa cho chức sắc huy động thợ thi công trước. Quan Thị Giảng lúc bấy giờ nhậm chức ở Kiến Thụy, đã thân chinh đến làng Kiệu Nam Định hiệp đồng thuê đóng kiệu rồng theo kích cỡ ở thư em trai gửi ra. Nhận được thư anh báo về kiệu đã đóng xong, ông Cử Lạng ra nghiệm thu rồi áp tải theo đường thuỷ chở vào. Chuyến này đích thân thợ cả và một số thợ phụ trong tốp về tận sân đền lắp ráp, sơn sửa lại những chỗ bị xây xát trên hành trình. Anh em ông Cử không những không tính công sá, tổn phí hiệp đồng, vận chuyển kiệu mà còn hiến sung cho làng một số tiền bạc đủ bù vào kinh phí cho làng trang trải, mà còn lưu thợ lại làm bổ sung thêm đồ tế khí của đền... Hai vị rất vui mừng khi ngày hội lễ hàng năm dân làng trong đó có thê tử, con cháu mình công kênh kiệu rồng rước Thần kiệu hành lễ qua đường làng ngõ xóm...

Ông Cử Lạng mồ côi cả cha lẫn mẹ lúc 12 tuổi. Nhằm một cậu bé như thế mà tự làm thuê cuốc mướn, kiếm kế sinh sống lớn lên không hư hỏng là đáng khen rồi. Giá như trưởng thành làm nhà lấy vợ lập gia đình trở thành một tế bào xã hội đã giỏi. Nếu còn học hành biết dăm ba chữ "tam tự kinh" của Đức Khổng Tử, ngày nay thì xoá mù là giỏi tuyệt rồi. Nguyễn Sỹ Lạng không những làm được thế mà còn gấp bội phần như đã nêu phần trước. Nhất là học vấn, đến tài giỏi như cụ Tú Hà Nam, tám khoa thi vẫn chưa trạm tay vào được học vị "Cử nhân" Nghĩa là chàng trai mồ côi cha mẹ ấy, từ học hành khoa cử, đến tạo lập cơ đồ sản nghiệp, đến lão luyện nghiệp nghề để tự mình sinh sống còn nuôi dưỡng con cái lớn khôn, học hành, còn đóng góp công sức cho gia tộc, rồi đóng góp cho làng xã, cộng đồng, cho công cuộc diệt trừ ngoại xâm đất nước, đấu tranh ngăn chặn cường quyền áp bức dân lành như phân tích ở trên. Tấm gương tự lực tự cường của ông Cử Lạng từ đó đến nay đã 5, 6 thế hệ hậu sinh chưa có một hậu duệ nào qua mặt được và có lẽ nhiều thế hệ sau gương này vẫn sáng. Quan Thị Giảng như trên ta đã thấy, và trong "diễn ca lịch sử dòng họ Nguyễn Sỹ" đã khái quát, xin trích dẫn thêm ra đây một số dòng nữa.

"Phó Bảng ấn như rồng gia tộc

Ngậm trong mình chất ngọc ông cha

Hai đời vua đã ngợi ca

Phong làm Thị Giảng quốc gia nội triều

…..

Hàn Lâm viện quan điều hành giỏi

Giám khảo kỳ thi hội thường năm

Thông minh học rộng uyên thâm

Thanh liêm, đức nghiệp tiếng tăm lẫy lững".

Tóm lại anh em Quan Thị Giảng như cặp Long Li. Anh thì ở tại Triều, vừa mẫn cán, vừa khôn khéo, ứng xử tạo dựng được uy danh lớn, tập hợp trung thần hướng Hoàng thượng, triều đình hoạch định đường hướng, chỉ dụ mưu lợi cho sơn hà xã tắc. Còn em ở làng quê để tề gia, vừa học hành thi cử, vừa liệu lo việc gia tộc, vừa quan hệ với làng xã vừa thu lượm thực tế dân tình thế sự phản ánh cho anh, để anh cùng Hoàng Thượng, triều thần định ra hoặc điều chỉnh các mưu chính ích quốc lợi dân. Đồng thời anh cũng thông tin những chiếu chỉ, luật lệ của vua của nhà nước về cho em. Em có như cầm dao đằng cán để hành xử bọn cường quyền lừa bịp áp bức dân lành.

Vinh dự và tự hào thay dòng tộc và địa phương ta có một cặp Long Li đẹp tuyệt vời như vậy làm rạng rỡ quê hương xứ sở cho đến khi qua đời hai vị lại về nằm trong lòng đất mẹ như thuở sinh thời từng yêu quý và hiến dâng cho mảnh đất này suốt cuộc đời.

Cuộc đời, sự nghiệp của anh em Quan Thị Giảng ngoài những văn bản, ấn phẩm bằng hán tự, quốc ngữ bị mất mát thiêu huỷ, chúng tôi còn có cả một kho truyền miệng từ đời này đến đời khác ở chi họ và dòng tộc. Trong chế độ thực dân Phong Kiến ai dám nhắc đến nguyễn Sinh Sắc, anh, chị em Nguyễn Ái Quốc, đến Phan Bội Châu đến hội Văn Thân. Đó là mục tiêu, mật thám Pháp và tay sai đang ngắm tới. Nay đến những ngày đầu kháng chiến chống Pháp các vị cao niên trong chi còn e ngại "Biết đâu ta thắng hay tây thắng?" Ngay đến cải cách ruộng đất ai giàu có, ai liên quan đến quan lại, người nhà đều bị đưa ra đấu tố, tịch thu gia sản, cho nên những chuyện kể người xưa cho thế hệ sau cũng thì thầm bí mật.

May thay trong chục năm lại đây 2 nhà thờ dòng tộc Nguyễn Sỹ được công nhận cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cách mạng cấp quốc gia, một số tư liệu về hai nhân vật nói trên được phát hành, kể cả lải rải một số tờ báo Nghệ An cũng đề cập đến Nguyễn Sỹ Sách và Nguyễn Sỹ Ấn, Nguyễn Sỹ Lạng. Đó là nguồn văn bản viết chúng tôi đã trích dẫn trên cùng với tộc phổ, diễn ca lịch sử họ Nguyễn Sỹ.

Cũng có thể các thông tin đã ghi trên, nhất là nguồn tư liệu truyền khẩu có chi tiết chưa thật chính xác.

Kính xin linh hồn anh em Quan Thị Giảng cùng mọi người lượng thứ.

  Tháng 6/2006

                                                               Nguyễn Sỹ Ba - Đời thứ 9

Tin tiêu điểm