Từ chú Văn phòng Xã đến Viện sĩ Hàn Lâm
Tháng 2/2024, Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) kỷ niệm 300 năm thành lập. Trong số các viện sĩ-thành viên nước ngoài của RAS có 6 công dân Việt Nam. Và trong số 6 công dân Việt Nam được vinh danh đó có Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Duy Quý - một người con quê hương Thanh Lương.
Năm 1999, triết gia, nhà vật lý-xã hội học Nguyễn Duy Quý, lúc đó đương chức Chủ tịch Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, và nhà hóa học Đặng Vũ Minh, lúc đó đương chức Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã trở thành viện sĩ nước ngoài của RAS. Dưới thời 2 nhà quản lý tổ chức khoa học này, mối liên hệ khoa học giữa Nga và Việt Nam đã phát triển đặc biệt tích cực.
(Theo Vietnamplus.vn)
TỪ CHÚ VĂN PHÒNG XÃ ĐẾN VIỆN SĨ HÀN LÂM
(Bài đăng trong cuốn Thanh Chương Đất và người, xuất bản năm 2005. Tác giả: Hoan Châu – nhà giáo lão thành, quê Thanh Long)
Năm 1946, chú học sinh 14 tuổi về căn nhà đơn sơ của cha mẹ trông ra Bàu Ó (xã Thanh Lương, Thanh Chương) báo tin đã đỗ bằng Tiểu học vào loại được lên thẳng lớp Đệ nhất Trung học. Tin vui làm cả nhà phấn khởi vì thời đó, đỗ Tiểu học được xam là có trình độ văn hóa trong địa phương. Nhưng vui thì vui, chú vẫn có nỗi buồn riêng vì kinh tế quá eo hẹp, không đủ để cho chú lên trường huyện.
Thế là chú ở nhà giúp gia đình trong công việc sản xuất nông nghiệp và tham gia công tác trong xã: bình dân học vụ, hoạt động công ích,…mà vẫn không sao nhãng sách vở. Anh mày mò tự học để củng cố và phát triển các kiến thức trong các sách giáo khoa tiểu học. Chẳng hạn anh đã giải bằng hết “500 bài tính đố” (tên một cuốn sách bài tập thời đó) rồi nhờ một thầy giáo tiểu học chấm cho, theo lối na ná như hàm thụ. Năm 1948, 16 tuổi anh được xã lấy phụ trách văn phòng, một mình đảm nhận công việc văn thư, thảo công văn giấy tờ. Cũng là điều may mắn cho chàng thanh niên ham học hỏi này khi chủ tịch là một vị trử tuổi đã có bằng thành chung (tương đương tốt nghiệp Trung học cơ sở hiện nay) và đã học 3 năm ở trường Bưu điện, làm việc có năng lực… Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chủ tịch, anh văn phòng được học thêm về cách sắp xếp hồ sơ, tính toán và cả cách hành văn thế nào cho chuẩn.
Nhờ kinh tế gia đình có phần nào đỡ eo hẹp nên niên khóa 1950-1951 anh xin nghỉ việc ở xã để tiếp tục việc học, vào lớp 5 trường Đặng Thúc Hứa theo hệ giáo dục dân chủ mới 3 năm, từ lớp 5 đến lớp 7.
Qua quá trình làm việc ở xã, bên cạnh người chủ tịch nhiệt tình rèn cặp, anh tích lũy được thêm tri thức văn hóa cũng như về xã hội, tư duy cũng được phát triển nhờ ở tinh thần tự học không mệt mỏi, học ở mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy anh nắm kiến thức chắc, đều ở các môn. Thêm nữa, có tính chín chắn và có óc tổ chức nên được cử làm Hiệu đoàn trường; Hiệu đoàn trường Đặng Thúc Hứa thời đó được đánh giá xuất sắc trong tỉnh. Khi ra trường, học bạ của anh đề tên Nguyễn Duy Quý, được hiệu trưởng phê: “Có nhiều triển vọng về các mặt, nhất là về khoa học xã hội. Học sinh gương mẫu toàn trường”.
Tiếp đó, anh được cử đi học tiếp trung học ở Khu học xá Trung Quốc. Sau khóa học anh về nước dạy Toán, Lý cấp 2 ở trường Bổ túc công nông. Năm 1961, anh sang học ở khoa Triết trường Đại học Lomonoxop (Liên Xô), sau khi tốt nghiệp, được phân phân công dạy Triết học trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, môi trường khá thuận lợi cho hướng nghiên cứu mà anh đã chú tâm khi đang còn ở Liên Xô: những vấn đề triết học trong Vật lý học. Thời đó, các vị dạy Triết học thương thiên về khoa học xã hội hơn là khoa học tự nhiên. Vị cán bộ giảng dạy này thấy vốn kiến thức vật lý của mình chưa đủ để đi sâu vào Triết học, nên nảy ra một ý định độc đáo và táo bạo mà tính tự cao của các “đồ Nghệ” thường không phép: Năm 1965, anh xin làm sinh viên khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp. Sau khi được kiểm tra về chương trình các môn ở năm thứ nhất và năm thứ hai (mà anh đã nắm vững hồi còn ở Liên Xô) anh được vào thẳng năm thứ 3, và cuối khóa, tốt nghiệp vào loại giỏi, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Vật lý, rồi sau đó dạy cả Triết học ở khoa Triết Đại học Tổng hợp.
Những năm 1979 đến 1982, anh sang làm luận văn Phó tiến sĩ ở Liên Xô về “Những đặc điểm của nhận thức thế giới vi mô”, được Hội đồng xét duyệt đánh giá xuất sắc. Thật không uổng công anh nghiền ngẫm nung nấu từ lâu đề tài này. Sau đó một thời gian anh được giới thiệu sang trường Đại học Humboldt nổi tiếng ở Berlin để hoàn thành luận án Tiến sĩ về “Mối tương quan giữa kinh nghiệm và lý luận trong nhận thức thế giới vi mô”.
Đặc điểm lớn của bản thân luận văn là qua nhận thức thế giới vi mô mà làm nổi bật lên tính biện chứng của giới tự nhiên (vĩ mô và vi mô). Ăng ghen khi đề cập đến tính biện chứng này thì hay đưa ra phân tích và vi phân còn bản luận văn này lại vận dụng lưỡng tính sóng – hạt. Thật vậy, vì khách thể lại vừa là hạt lại vừa là song, cho nên việc phân thế giới tự nhiên thành vĩ mô (vật lý Niu tơn) và vi mô (vật lý Bohr) chỉ là tạm thời, có tính phương pháp luận mà thôi. Thực tế thì bản chất thế giới là một, là thống nhất, thống nhất ở tính vật chất của nó. Nghiên cứu triết học về thế giới vi mô mới có điều kiện làm rõ quan hệ biện chứng (chứ không phải siêu hình) giữa bản thể luận (được chứng minh bằng thực nghiệm) và nhận thức luận.
Xưa kia người ta dùng nhận thức về thế giới vĩ mô để tìm hiểu thế giới vi mô (mẫu hành tinh nghuyên tử Ra-zơ-fo (Rutherford) là một minh họa) thì bây giờ nhận thức thế giới vi mô cũng giúp cho nhận thức vĩ mô thêm sâu sắc. Tuy hai loại quy luận này có tính chất khác nhau nhưng giá chúng cũng có những mối quan hệ tinh tế nhất định mà anh không bỏ qua. Giới hoa học Nga và Trung Quốc đánh giá cao sự đóng góp trên của anh, và năm 1999 anh được bầu Viện sĩ Hàn lâm khoa học Nga và năm 2000 được bầu Giáo sư danh dự Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
(Bức ảnh tôn vinh 6 công dân Việt Nam của Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) nhân kỷ niệm 300 năm thành lập)
Anh đảm nhiệm nhiều cương vị công tác về khoa học cũng như về chính trị xã hội và cả về quan hệ quốc tế nữa. Cương vị chính là Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia có nhiều viện trực thuộc, Chủ tịch Hiệp hội các hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội Châu Á (1999-2001), Tổng thư ký Hội đồng Trung ương biên soạn chương trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ biên giáo trình triết học Mác – Lên nin, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, phó tiến sĩ Triết học, có trên 200 công trình và bài viết được công bố trong nước và ở nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu cho tính đa dạng của hoạt động tư duy của anh gồm có: “Nhận thức thế giời vi mô” (1998), “Tiến tới một ASEAN hoàn bình ổn định và phát triển bền vững” (2001), “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (2003)… Đấy là những công trình nghiên cứu công phu, phong phú đề cập đến nhiều vấn đề quan trong về tự nhiên, về xã hội và về quốc tế, với những đóng góp mới.
Người ta thường chia thiên tài và tài năng thành 2 loại. Loại thứ nhất là loại bẩm sinh, có năng khiếu đặc biệt, tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên không hề phải gắng sức, như chim sinh ra để bay vậy. Điển hình cho loại này là nhà soạn nhạc Mô-gia (Mozart). Loại thứ hai là loại tự phận đấu mà nên, vượt qua mọi khó khan của hoàn cảnh khách quan, kể cả khuyết tật bẩm sinh. Tiêu biểu cho loại này là Đê-môt-xten (De’mosthène) mà tật nói ngọng cố hữu không ngăn nổi ông trở thành nhà hung biện lỗi lạc nhất thành A-ten (Athènes) kinh đô Hi Lạp xưa.
Anh Nguyễn Duy Quý thuộc loại thứ hai. Hoàn cảnh gia đình khó khan về kinh tế đã níu anh lại mất mấy năm, nhưng những năm tháng ấy cũng không bị lãng phí vì anh luôn có ý thức và ý chí học hỏi ở mọi người, trong sách vở có thể tìm được, và trong đời sống cách mạng đang đi lên. Anh kiên trì hướng vào nghiên cứu ngay từ khi còn là sinh viên và theo đuổi đến cùng để hoàn thành 2 đề tài lớn kế tiếp nhau về nội dung. Triết học là một môn trừu tượng, thế mà anh đã đi từ nhận thức thế giới vi mô đến nhận thức về sự phát triển có quy luật của xã hội. Một phần do cương vị lãnh đạo Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhưng chủ yếu là do tâm huyết của anh muốn đóng góp cụ thể, kịp thời hơn vào sự tiến bộ của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là điều trở ngại cho việc đi sâu vào lĩnh vực sở trường của mình là triết học về thế giới vi mô.
(Tóm tắt tiểu sử của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý theo Wiki)
Và, một đặc điểm quý về tính cách của anh là luôn nghĩ về cội nguồn của mình. Ở đỉnh cao học thuật cũng như địa vị xã hội, anh vẫn giữ nguyên phong cách bình dị của con người xứ Nghệ, “hay chữ lại hay nghĩa” (thơ Huy Cận), học tập không mỏi, thích hài hước. Anh đặc biệt nhớ tới trường Đặng Thúc Hứa, vườn ươm tài năng của mình; có trường Đặng anh mới có thể tiếp tục học trên bậc tiểu học được. Anh thường xúc động nói với an hem bạn bè rằng: “Nếu không có trường Đặng thì bây giờ tôi sẽ chỉ là một lão nông mà vị tất đã tri điền”. Trong khoảng thời gian 5 năm (1998-2003) anh đã 3 lần đứng ra tổ chức các anh chị em học sinh cũ hành hương về thăm lại chốn trường xưa và động viên các bạn giúp đỡ bằng những đóng góp về tinh thần và vật chất cho ngôi trường mới, mang tên Đặng Thúc Hứa, được xây dựng gần nơi trường cũ.
Anh cũng luôn nhớ đến các thầy cô, đã tổ chức mừng thọ các thầy cũ của trường vào tuổi 70, 80 tại Hà Nội và tại quê nhà.
Trong buổi gặp mặt anh em học sinh cũ để mừng thọ thầy Nguyễn Thúc Tư 80 tuổi, người hiệu trưởng đầu tiên của trường Đặng, anh rút trong cặp ra cuốn học bạ còn nguyên như mới, bọc plax-tic cẩn thận, đưa cho thầy và các bạn xem. Trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài, và đi nhiều nơi trong và ngoài nước trong khoảng thời gian 40 năm, mà anh vẫn gìn giữ như một báu vật, xem đó là một kỷ vật thiết thân với cuộc đời của mình. Cũng phải có tâm hồn, có tâm huyết đến một chừng mực khá cao mới làm được thế.
Bạn bè gọi đùa anh là “Ông nghè Bàu Ó”, thầm nghĩ đến một người thành đạt về học thuật và địa vị xã hội mà vẫn luôn gắn bó với quê hương với truyền thống tốt đẹp của nó.
Ông giáo đã phê học bạ khi anh ra trường, đã tặng anh câu đối sau đây nhân dịp anh vượt tuổi mà nhà thơ Đỗ Phủ thời xưa cho là “xưa nay hiếm”, câu đối bằng chữ Hán ghi nhận sự nỗ lực và thành đạt của anh:
Vật lý hữu thần, đàm thủy lưu phương hồng nghĩa quận.
Nhân văn bất quyện, hàn lâm cử bộ lục y lang.
Nghĩa đen:
Cái lẽ của sự vật có thần, nước bàu lưu (tiếng) thơm (nơi) huyện nghĩa đỏ.
Nhân văn không mỏi, rừng bút cất bước chàng áo xanh.
Dịch nghĩa:
Cái lẽ của sự vật có thần, nước bàu lưu tiếng thơm nơi huyện nghĩa đỏ (Xô viết Thanh Chương).
Nhân văn không mỏi, chàng tiến sĩ cất bước vào viện hàn lâm.
Ngoài ra Vật lý cũng có nghĩa là khoa Vật lý, và Nhân văn là ngành công tác của anh.
Đấy là tấm gương học tập và hoạt động theo lời dạy của Lê nin: “Học, học nữa, học mãi” của Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quý, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Giám độc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, đến 72 tuổi mới được nghỉ hưu, người con ưu tú của đất mẹ Thanh Chương.