Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Địa danh tổng, xã, huyện Thanh Chương

 

ĐỊA DANH TỔNG, XÃ, HUYỆN THANH CHƯƠNG

(Hòa Mỹ – Bài đăng trong cuốn Thanh Chương Xưa và nay)

Cơ cấu tổ chức các đơn vị hành chính dưới cấp huyện (gồm tổng, xã, thôn, giáp, nậu) thay đổi khá phức tạp theo các triều đại.

Để giúp các bạn đọc hiểu được một cách khái lược về địa danh tổng, xã của huyện Thanh Chương từ triều Nguyễn đến nay, xin được cung cấp những tư liệu sau đây.

Theo sách địa chí Các tổng trấn xã danh bị lãm thì ở thời điểm đầu đời nhà Nguyễn, huyện Thanh Chương được phân thành 6 tổng như sau:

1-    Nam Hoa (1849 đổi thành Nam Kim – nay là các xã phía hữu ngạn song Lam của Nam Đàn) gồm 21 xã, thôn, sở.

2-    Bích Triều: 19 xã, thôn, vạn, sở.

3-    Thổ Hào: 7 xã, thôn, nậu.

4-    Võ Liệt: 22 xã, thôn, trang, giáp, vạn.

5-    Cát Ngạn: 10 xã, thôn, trang, sách, vạn.

6-    Đặng Sơn: 21 xã, thôn, vạn (có núi Kim Nhan cao 893m so với mặt biển thuộc địa phận xã Kệ Trường nay là Hội Sơn).

Xin được lưu ý:

-        Các khu vực hành chính cấp cơ sở như: Thôn, trang, giáp, vạn, sách, sở, nậu… nêu trên đều ngang xã (tức có Lý trưởng đứng đầu và con dấu) và đều trực thuộc tổng.

-        Từ năm 1825 về trước, Thanh Chương là một trong sáu huyện của phủ Đức Thọ (trước 1822 gọi là Đức Quang). Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), Thanh Chương được tách khỏi Đức Thọ để sáp nhập vào phủ Anh Sơn (trước 1822 gọi là Anh Đô).

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), qua việc cắt tổng Đặng Sơn để lập thêm huyện mới Lương Sơn (nay là đất của hai huyện Anh Sơn và Đô Lương) thì huyện Thanh Chương chỉ còn lại 5 tổng kể từ Cát Ngạn trở xuống.

Qua thời vua Thành Thái (1889-1907), giữa hai huyện Thanh Chương và Nam Đàn có sự thay đổi về địa giới như sau:

-        Tổng Nam Kim ở phía cuối của Thanh Chương được sáp nhập vào huyện Nam Đàn.

-        Đổi lại, phần lớn tổng Xuân Lâm (trước gọi là Lâm Thịnh) và toàn bộ tổng Đại Đồng của huyện Nam Đàn (tức từ Thanh Khai lên đến hết xã Thanh Hưng ngày nay) được chuyển thành địa phận Thanh Chương.

Cũng vào thời điểm này, tổng Thổ Hào và tổng Bích Triều đã sáp nhập lại làm một và lấy tên là tổng Bích Hào. Từ đó đến nay về địa giới trên tổng thể hầu như không có gì thay đổi, ngoại trừ một vài trường hợp nhỏ (như sau công cuộc giảm tô hoàn thành vào đầu năm 1954, huyện Nam Đàn có chuyển giao mấy thôn giáp giới sang Thanh Chương; cũng như Thanh Chương đã cắt xóm Lam Tiến của xã Thanh Lam chuyển qua huyện Nam Đàn để lập xã Tân Thái theo quyết định số 144/QĐ.NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ngày 15/4/1967).

Sau Cách mạng Tháng 8 – 1945, trên cơ sở 5 tổng cũ, toàn huyện Thanh Chương đã phân chia thành 12 xã (tháng 10-1947) cụ thể như sau:

1-    Tổng Cát Ngạn chia thành 3 xã là: Cát Văn, Minh Sơn, Tam Đồng.

2-    Tổng Võ Liệt: Đồng Thanh, Vĩnh Thọ, Kim Bảng.

3-    Tổng Bích Triều: Tân Dân, Xuân Triều.

4-    Tổng Đại Đồng: Đại Đồng, Đồng Văn.

5-    Tổng Xuân Lâm: Minh Tiến, Mai Lâm.

Các tên xã này tồn tại mãi cho đến đầu năm 1954, theo chủ trương phân chia lại cấp xã của Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV thì huyện Thanh Chương trên cơ sở 12 xã cũ đã chia thành 41 xã mới như sau:

1-    Xã Cát Văn chia thành 3 xã là: Thanh Cát, Thanh Bài và Thanh Bình.

2-    Xã Minh Sơn chia thành 4 xã là: Thanh Đức, Thanh Mỹ, Thanh Nho và Thanh Hòa.

3-    Xã Tam Đồng chia thành 3 xã là: Thanh Tiên, Thanh Liên và Thanh Chung.

4-    Xã Đồng Thanh chia thành 2 xã là: Thanh Hương và Thanh Lĩnh.

5-    Xã Vĩnh Thọ chia thành 4 xã là: Thanh Thịnh, Thanh An, Thanh Chi và Thanh Khê.

6-    Xã Kim Bảng chia thành 4 xã là: Thanh Minh, Thanh Tân, Thanh Long và Thanh Hà.

7-    Xã Tân Dân chia thành 4 xã là: Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Tùng và Thanh Bích.

8-    Xã Xuân Triều chia thành 2 xã là: Thanh Xuân và Thanh Lâm.

9-    Xã Đại Đồng chia thành 5 xã là: Thanh Hưng, Thanh Văn, Thanh Tường, Thanh Đồng và Thanh Phong.

10- Xã Đồng Văn chia thành 3 xã là: Thanh Ngọc, Thanh Luân và Thanh Tài.

11- Xã Mai Lâm chia thành 3 xã là: Thanh Lam, Thanh Nam và Thanh Trường.

12- Xã Minh Tiến chia thành 4 xã là: Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Yên và Thanh Khai.

Sự ổn định về đơn vị xã như trên kéo dài hơn 13 năm cho đến ngày 15/4/1967 theo Quyết định số 140/QĐ-NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì:

-        Giải thể xã Thanh Bích sáp nhập vào 2 xã Thanh Giang (xóm Bích Lam và xóm Thanh Lam) và xã Thanh Lâm (xóm Bích Sơn và xóm Bích Hào).

-        Chia xã Thanh Đức thành 2 xã mới là Thanh Đức và Hạnh Lâm.

-        Lập thêm 2 xã mới là Thanh Thủy và Thanh Lạc (2 xã mới này là do phong trào khai hoang mà có).

-        Do chỗ giải thể xã Thanh Bích nhưng lại lập thêm 3 xã mới là Hạnh Lâm, Thanh Thủy và Thanh Lạc, nên ở thời điểm năm 1967 cho đến đầu năm 1969, toàn huyện Thanh Chương có 43 xã tất cả.

Sau đó, ngày 24/3/1969 theo Quyết định số 159/QĐ-NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, huyện Thanh Chương đã hình thành nên một số xã mới do hợp nhất từ xã cũ như sau:

1-    Xã Bình Dương (Thanh Hưng nhập với Thanh Văn).

2-    Xã Ngọc Sơn (Thanh Lam nhập với Thanh Nam).

3-    Xã Đồng Văn (Thanh Luân nhập với Thanh Tài).

4-    Xã Xuân Tường (Thanh Trường nhập với Thanh Dương).

5-    Xã Phong Thịnh (Thanh Bình nhập với Thanh Chung).

6-    Xã Thanh Mỹ (Thanh Mỹ nhập với Thanh Lạc).

7-    Xã Thọ Lâm (Thanh Thịnh nhập với Thanh An).

8-    Xã Quảng Xá (Thanh Long nhập với Thanh Hà).

9-    Xã La Mạc (Thanh Nho nhập với Thanh Hà).

10- Xã Thanh Quả (Thanh Chi nhập với Thanh Khê).

11- Xã Võ Liệt (Thanh Minh nhập với Thanh Tân).

12- Xã Hạnh Lâm (Thanh Đức nhập với Hạnh Lâm).

Chưa đầy 1 tháng sau, Bộ Nội vụ lại có Quyết định số 201/QĐ-NV ngày 21/4/1969 với nội dung:

-        Hợp nhất 2 xã Thanh Mai và Thanh Giang lấy tên là xã Thanh Giang.

-        Hợp nhất 2 xã Thanh Tường và Thanh Đồng lấy tên là xã Tường Đồng.

-        Hợp nhất 2 xã Thanh Cát và Thanh Bài lấy tên là xã Cát Văn.

Như vậy, vào thời điểm năm 1969, huyện Thanh Chương từ chỗ 43 xã đã nhập lại còn 28 xã. Nhưng thời gian tồn tại 28 xã này không lâu, vào đầu năm 1971 một số xã đã tách trở lại như cũ (không còn tên các xã Quảng Xá, La Mạc, Bình Dương, Tường Đồng, Thọ Lâm, Thanh Quả) để cuối cùng đứng lại với con số 36 xã và thị trấn Thanh Chương (thành lập theo Quyết định 141/QĐ-HĐBT ngày 27/10/1984 của Hội đồng Bộ trưởng).

Cùng với việc thay đổi về địa giới, huyện lỵ Thanh Chương cũng đã qua mấy lần di dời theo chiều ngược lên. Lúc đầu lỵ sở ở sách Thổ Du thuộc tổng Thổ Hào, sang đời Lê chuyển lên xã Lương Trường, tổng Bích Triều. Thời Thành Thái, sau khi có thêm 2 tổng phía tả ngạn (Đại Đồng và Xuân Lâm) thì huyện lỵ dời lên tổng Võ Liệt (Rộ) cho mãi tới sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), cơ quan huyện đã sơ tán đến nhiều địa điểm khác nhau cho mãi tới sau ngày hòa bình được lập lại (tháng 7-1954) lỵ sở huyện mới cố định ở Dùng cho đến ngày nay.

Năm 2002, theo Nghị định số 40/NĐ-Cp ngyaf 10/4/2002 của Chính phủ, xã Hạnh Lâm được điều chỉnh địa giới để thành lập xã mới Thanh Đức, ở hai bờ tả và hữu sông Giăng.

Trong đợt chuyển dân tái định cư (do xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ) từ huyện Tương về huyện Thanh Chương, theo Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 9/02/2009 của Chính phủ, huyện Thanh Chương thành lập thêm 2 xã mới: xã Thanh Sơn (điều chỉnh địa giới từ 2 xã Hạnh Lâm và Thanh Mỹ); xã Ngọc Lâm (điều chỉnh địa giới từ 2 xã Thanh Thịnh và Thanh Hương).

Đến năm 2010, huyện Thanh Chương gồm có 39 xã và thị trấn Thanh Chương (thường gọi là Dùng).

 

Tin tiêu điểm