Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Đoạn đời niên thiếu

Những câu chuyện về những con người rất đời thường của một giai đoạn đất nước và xã hội đang gặp nhiều khó khăn của tác giả Phan Thúy Hà qua cuốn sách “Đoạn đời niên thiếu”, trong đó có câu chuyện rất thú vị về những người con dòng họ Nguyễn Sỹ ta qua loạt chuyện ngắn tựa đề: “Nguyễn Sỹ Ba – Nguyễn Sỹ Lan”. Xin trân trọng giới thiệu cùng mọi người!

 

ĐOẠN ĐỜI NIÊN THIẾU

Những câu chuyện về những con người rất đời thường của một giai đoạn đất nước và xã hội đang gặp nhiều khó khăn của tác giả Phan Thúy Hà qua cuốn sách “Đoạn đời niên thiếu”, trong đó có câu chuyện rất thú vị về những người con dòng họ Nguyễn Sỹ ta qua loạt chuyện ngắn tựa đề: “Nguyễn Sỹ BaNguyễn Sỹ Lan”. Xin trân trọng giới thiệu cùng mọi người!

_____________Mở đầu của cuốn sách:

Ngày mới ra Hà Nội học đại học, tôi nghe các ông bà nơi đây khen người dân Nghệ Tĩnh chịu thương chịu khó, ham học, có ý chí. Tôi thấy trường cấp một, hai, ba tôi học không có một ai cho tôi nghĩ như vậy. Trong đầu bứt rứt một thời gian rồi tôi chẳng lấy điều đó làm quan trọng.

Tác giả chuyện "Đoạn đời niên thiếu" và các tác phẩm đã xuất bản 

Sáu năm qua, viết sách, tôi được gặp nhiều người cao tuổi quê Nghệ Tĩnh. Các ông bà đều tuổi trên tám mươi, chín mươi. Họ là con của những người yêu nước, tham gia cách mạng, bị Pháp bắt tù đày vào năm 1930-1931; lớn lên trong những năm kháng chiến. Cùng họ ngược về tuổi thiếu niên, tôi hiểu sâu sắc rằng quê hương tôi từng có một lớp người chịu thương chịu khó, ham học, có ý chí.

Với những gì họ trải qua, nếu không ghi lại thì tiếc quá.

Tôi làm cuốn sách với ý nghĩa như vậy.

Cuốn sách có bài viết dài, có bài vài trang, có những câu chuyện được kể chi tiết, có những chuyện kể rời rạc, sơ lược. Bởi vì ông bà của chúng ta nhớ được như vậy.

_______________Trích lời tựa cuốn “Đoạn đời niên thiếu”

NGUYỄN SỸ BA – NGUYỄN SỸ LAN

1.

Đầu năm 1945, một hôm đi chợ Vinh về, mẹ tôi gánh một đầu hàng hóa, đầu kia ngồi trong thúng là một bé gái, chất quanh người đầy các món vải sợi. Mẹ thấy em ngồi gục vào bụng người mẹ đã chết đói, cùng mấy cái xác co quắp bên chợ Phủ Hưng, mẹ khấn xin người mẹ của em đưa em về nuôi, họa chăng trời phù hộ cứu sống một nhân mạng, chứ trông thương tâm quá không đành lòng bỏ đi.

Trang đầu của loạt chuyện "Nguyễn Sỹ Ba - Nguyễn Sỹ Lan"

Từ chợ Phủ Hưng lên mãi gần Cầu Mượu mới tìm được nơi bán cháo, mẹ nghiền nát cháo, lấy tay banh răng môi, múc cháo đổ vào, hồi sau em có tinh tỉnh lại được. Trời gió lạnh, mẹ mở thêm súc vải nữa nhét quanh người em, trùm cái khăn choàng đen thắt lại và đội nón kín mít, nên em đỡ lạnh.

Em bé rét tím tái, khóc như mèo con kêu. Cả nhà đốt lửa sưởi cho em. Đêm, mẹ cứ phải dậy luôn, vì em quấy khóc. Mỗi bữa nấu cháo cha lại cắt bỏ vào một lát sâm, đậu xanh, hoặc trứng, thịt băm nhỏ. Em có khá lên nhưng cũng chỉ ngồi chứ ít khi đứng lên đi được, người em chỉ da bọc xương, bụng ỏng to nổi gân xanh chằng chịt, mắt lồi. Có những nốt lở loét ngoài da, lên mủ rất hôi. Mẹ phải thay đồ cho em thường xuyên và đun nước giặt. Cha bôi thuốc đều đặn, vài chục ngày thì khỏi. Bệnh tiêu chảy thì không hề bớt. Mẹ thao thức suốt đêm thay đồ cho em. Em hay khóc, khóc kéo dài không ai dỗ dành được, làm mất cảm tình của mọi người. Cha sắc thuốc cho em uống. Ba thang thuốc một đợt. Nghỉ ít hôm, chỉnh sửa đơn, đợt sau bốn thang, đợt sau nữa sáu thang. Bao nhiêu đợt như thế, không tiếc gì các trọng vị đắt tiền.

Bệnh em kéo dài, không khỏi. Sáu tháng sau khi về nhà tôi thì em mất. Mẹ tôi đã coi em như con, chạy chữa đến vậy mà đành chịu.

2.

Phiên chợ Cồn, đang bán hàng ở lều, nghe ồn ào đầu kia, mẹ tôi hỏi một người từ đám đông đó về, thì biết, có một người vỡ ối giữa chợ. Mẹ tôi động lòng chạy lại. Đó là chị Châu Cường người bên Nam Đàn. Mẹ quen mặt chị vì cùng bán hàng chợ chứ chưa khi nào nói chuyện với nhau.

Người xúm vòng trong vòng ngoài, đông nhưng cũng chỉ đứng nhìn. Người bảo thế này người bảo thế kia. Chỉ có mấy bà bạn buôn cùng quê loay xoay, đỡ đầu đỡ lưng, lúng túng, không biết phải làm thế nào. Đưa về Nam Đàn thì xa quá, đi bằng phương tiện gì. Ở lại thì ở đâu. Ai cho người ngoài vào nhà nhà mình đẻ. Chuyện đó kiêng cữ lắm.

Chị Châu Cường hai tay ôm cột lều chợ, người xoắn lại như vỏ đậu, mặt tái nhợt nhăn nhó. Mẹ tôi chạy lại lều báo tin cho chị Thâm, chị Trì. Hai chị đưa gánh hàng của chị Châu Cường vào gửi ở nhà ông Cai Điền, nơi cha tôi mượn chỗ bốc thuốc cho bệnh nhân. Hai người bạn dìu chị Châu Cường lại lều của mẹ tôi. Mẹ, hai chị và một người bạn hàng dìu chị Châu Cường về nhà tôi.

Cha tôi đóng tủ thuốc, chạy về nhà. Khi về đến nhà tôi thì chị Châu Cường lim đi, mồ hôi vã ra, mắt nhắm nghiền. Bắt mạch cho chịu rồi cha ra lấy thuốc, bảo tôi bỏ vào ấm sắc nhanh lên. Chị Trì bỏ gạo vào hầm cháo. Mẹ tôi chạy ra chợ, mang về thịt, cá, rau, mấy chùm bồ kết, cùng với một người gánh hai giàn than đầy tràn.

Được sưởi củi lửa và uống bát nước thuốc sắc, chị Châu Cường tỉnh lại, da không tái mét như lúc nãy. Ăn một bát cháo thịt hành thơm phức, chị hồi phục.

Các cơn đau bắt đầu cuộn lên. Cuộc vật lộn tiếp diễ nhưng vững tâm hơn vì có mẹ con chúng tôi bên cạnh và có cha tôi là làm nghề bốc thuốc. Đến nửa chiều thì cháu bé chui ra. Mẹ tôi đã chuẩn bị áo quần cũ, tã lót và các thứ cần thiết. Mẹ tôi cắt rốn xong cũng vừa lúc dì của cháu bé lên. Dì cháu bé hỗ trợ giặt giũ, quạt than, mẹ tôi lo xông, thang, nấu thức ăn. Đêm đê, các bà, các chị quanh xóm đến ngồi bên bếp lửa chuyện trò thức đẻ với sản phụ.

Năm ngày sau, anh Châu, cha cháu bé, lên cảm tạ gia đình tôi và xin phép đón vợ về. Cha tôi nói: Theo tục lệ thôn quê, ít ra một tháng đàn bà ở cữ mới “đi chợ phong long”. Ra khỏi nhà, nón đội đầu và có người đi kèm. Anh chị đừng sợ phiền hà, cứ để chị ấy mươi lăm hay vài chục ngày, cứng cáp lên rồi hẵng về, chứ mới dăm ngày anh chị đã định đưa về, nhỡ có chuyện gì thì đáng tiếc.

Nghe lời khuyên của cha tôi, mười ngày sau anh Châu lên, xin được thanh toán tiền ăn, tiền thuốc. Mẹ tôi thuê người cáng mẹ con chị Châu Cường ra bên Phuốc đi đò dọc về Nam Đàn. Chị bùi ngùi nói với mẹ: nhà em may mắn gặp được ông bà, còn được chăm sóc đầy đủ, ấm cúng hơn cả sinh nở ở nhà mình.

3.

Anh cu Mợn một thân một mình, đi lên Tân Kỳ mót khoai, làm mướn, sống cù bơ cù bất. Cha mẹ tôi cám cảnh, cho anh mớ khoai, mớ ngô. Thấy giúp cách đó không ổn, cha mẹ tôi kêu anh đến ở nhà tôi, và thuê một ông thợ dạy anh nghề ép dầu. Anh trở thành thợ chính xưởng ép dầu lạc, dầu vừng, dầu hoa bưởi cho gia đình tôi.

Được ăn uống đầy đủ, sức vóc anh ngày càng tăng, anh làm việc chăm chỉ. Ngoài cơm nước, may sắm quần áo, chăn chiếu, cha mẹ tôi trả tiền công sòng phẳng cho anh. Mỗi khi đi chợ mẹ tôi ưu tiên cho anh cái bánh, thanh kẹo, miếng bưởi. Trong nhà có giỗ chạp, anh được tiếp đãi như con cái. Anh đi thăm chị, mẹ tôi mua sắm quà cho anh mang đi biếu.

Thương anh thiệt thòi, mặc cảm hoàn cảnh nghèo khổ, mồ côi, mẹ tôi đã chủ động lo chuyện xây dựng gia đình cho anh. Mẹ tìm một cô gái trong làng, đi dạm hỏi, tổ chức đám cưới và dựng cho vợ chồng anh một mái nhà trên khu đất của gia đình tôi. Vợ chồng anh sống hoàn thuận, sinh được năm đứa con, ăn no mặc ấm, các cháu coi cha mẹ tôi như ông bà nội.

Trên khu đát vườn nhà tôi, ngoài gia đình anh cu Mợn ra còn nhiều gia đình khác. Họ từ nơi xa đến, cha mẹ tôi sẵn lòng chia bớt đất cho họ dựng nhà, có sân và khoảnh vườn con con.

Đất nhà tôi mênh mông. Bởi vì: Ông nội đỗ tú tài được làng tặng thưởng ruộng vườn, muốn lấy chỗ nào cũng được. Ông nghĩ, những chỗ đẹp (ruộng và bài đất phù sa) nên để cho dân làm ăn. Ông xin làng ra chỗ cồn hoang ở cuối làng để khai khẩn thành vườn.

4.

Cha mẹ mất sớm, hai chị em Tam và Khương ở trong cái nhà ọp ẹp. Khương đau yếu bệnh tật ở nhà, Tam đi làm thuê. Biết Tam làm thuê cho một nhà chủ không tốt bụng, bị đánh đập, mắng chửi và công sá rẻ mạ, mẹ tôi bèn nhận Tam về làm cho nhà mình.

Vài ba ngày Tam lại nhờ mẹ tôi mua gạo, thức ăn mang về cho em rồi khuya hoặc hôm sau lên sớm. Thấy Tam vất vả quá, mẹ tôi bảo Tam đưa em lên ở cùng cho chị em gần nhau. Tam biết rằng em bị sốt rét, rụng tóc, ghẻ lở khắp người. Mẹ tôi nói, vậy thì càng phải đưa lên đây để ông chữa bện cho em. Biết Tam lo ngại chuyện tiền ăn, tiền thuốc, mẹ tôi nói, vậy rõ luôn là không lấy tiền, cũng không trừ vào tiền công, chỉ mong chữa được bệnh cho em.

Hôm sau, Tam về đưa em lên. Cha mẹ tôi cho hai chị em ngủ một giường, dặn Tam ba ngày thì đun nước sôi luộc quần áo, chăn màn, giặt giũ sạch sẽ một lần. Cha tôi đi Vinh lấy thuốc cho Khương uống và bôi mỗi ngày. Mấy tháng sau Khương hết sốt rét, tóc mọc lại, hết ghẻ. Ở với chúng tôi hơn một năm thì Tam xin cha mẹ tôi cho phép Khương về nhà để lấy chồng. Cha mẹ tôi cho hai chị em một số tiền để mua sắm đồ dùng cần thiết lo cho cuộc sống.

5.

Ông bà Bơ ở chợ Cồn. Ông Bơ làm nghề thu tiền phí lều chợ, bà Bơ bán nước chè xanh, bánh đa, kẹo lạc.

Năm 1952, chợ Cồn bị máy bay ném bom làm chết 30 người trong đó có hai cha con ông Bơ. Hai cha con ông bơ thiệt mạng và nhà thì cháy. Mẹ tôi kêu người vào vườn nhà tôi chặt tre, tranh dựng lại nhà cho mẹ con bà Bơ. Mẹ nhận bà vào làm công ở xưởng ép dầu và cho đứa con gái bà làm các việc lặt vặt trong nhà. Con gái bà ở hẳn nhà tôi, nó chậm chạp, không được nhanh ý. Cha mẹ tôi không lấy đó làm phiền, chỉ là muốn cưu mang mẹ con bà. Bà Bơ làm công ngày ba bữa cơm, chiều về, mẹ tôi cho gạo, lạc, có khi thêm chút tiền, để bà lo cho hai đứa con nhỏ ở nhà. Những lúc con đau ốm bà lại xin thuốc cha tôi, gặp chuyện muộn phiền bà lại chia sẻ với mẹ tôi.

6. 

Vào mùa thu hoạch lạc, vừng, mẹ tôi thu mua năm, sáu tấn dự trữ để ép dầu. Mỗi phiên chợ, mẹ ra dọc đường đón mua hết và bảo họ gánh luôn về nhà. Chưa đủ, mẹ ra mua ngoài quầy hàng, thuê người gánh về.

Trên đường gánh lạc về nhà tôi, có một chị giấu bớt một ít lạc vào bụi, khi trở ra lấy. Có người làng mách, chúng tôi cũng thấy, nhưng mẹ nói, giấy đi đừng cho ai biết, không đáng bao nhiêu, nhà nó nghèo, con đông, nói ra cả làng đồn lên xấu mặt họ, mà rồi họ không dám gánh giúp mình nữa.

Mẹ tôi hỏi riêng chị về chuyện đó. Chị nói, chị giấu về luộc cho con ăn đỡ thèm, lỡ dại mong bà thương và đừng cho ai biết. Chị xin được trừ vào tiền công gánh hôm nay. Mẹ tôi nói, thì chị cứ nói ra tôi cho chứ có tiếc gì đâu rổ lạc, làm vậy làng biết, con được ăn mấy củ lạc nhưng tiếng xấu mang cả đời. Mẹ tôi cho chị ấy rổ lạc nhưng chị từ chối. Từ đó mẹ tôi giao cho chị gánh, không nghi ngại gì.

***

Chúng tôi có thể kể mãi những mẩu chuyện như thế về cha mẹ của mình.

Ở Cồn Lim, làng Tú Viên – huyện Thanh Chương từng có một gia đình như thế.

Anh em tôi lớn lên trong một gia đình như thế.

Cha mẹ tôi không bày dạy gì, con cái muốn sống thế nào cũng được, nhưng cách sống và đức tính của cha mẹ hình thành tính cách chúng tôi.

Mỗi đứa con đều sớm có ý thức trách nhiệm xã hội.

Chị Thâm được cưng quý từ nhỏ, có thầy học tại nhà, tuổi thiếu nhi chị đã biết nuôi tằm dệt lụa. Tuổi niên thiếu, một mình gánh hàng xén buôn bán ở chợ. Cách mạng tháng Tám đến, chị bán gánh hàng xén để mua một máy khâu và chiếc xe đạp, đạp xe từ hạ huyện đến thượng huyện vận động chị em mặc quần thay mấn, không nhuộm răng đen, bỏ dùng cật nứa cắt rốn trẻ sơ sinh (chuyển sang dùng kéo), học bình dân học vụ, bỏ tảo hôn, hôn nhân một vợ một chồng, thực hiện hũ gạo kháng chiến… Trong làng có em Phùng mồ côi cha mẹ, chị nhận em làm con nuôi, đưa về nhà chăm sóc, chữa bệnh và cho học nghề may quần áo. Tiếp theo là em Lý, rồi em Quang. Về một làng quê, thấy em học sinh trên đường đi học về, đặt sách vở đầu bờ ruộng, xuống hái rau lang để trưa có cái ăn, chị đi theo em về nhà để biết hoàn cảnh. Biết em mồ côi, chị xin ủy ban xã làm giấy cho chị nhận em làm con nuôi.

Anh Đạm học xong cấp hai, nghỉ hè, xã đưa cho anh tấm ảnh Bác Hồ, nhờ anh vẽ để mang đi đấu xảo. Anh ngồi vẽ suốt một tuần, vẽ bằng mực tàu trên nền giấy trắng. Hình vẽ giống hệ như ảnh. Xã lồng bức vẽ Bác Hồ vào khung kính đặt lên kiệu, két hoa lá rất tôn nghiêm và thẩm mỹ để mang đi đấu xảo. Nhà nào có ảnh Bác như có vật linh thiêng trong nhà, thể hiện một gia đình giàu lòng yêu nước, vì thế, những nhà kha khá đua nhau đấu xảo. Bác Phước trả cao nhất, với giá tiền có thể mua được một cong trâu mộng. Đoàn kèn trống cờ quạt rước ảnh Bác Hồ đến tận nhà giao cho bác. Anh lại vẽ bức ảnh khác, cho cuộc đấu xảo tiếp theo. Sau một mùa hè làm được vài việc ý nghĩa, anh không học lên cấp ba nữa mà xin đi thanh niên xung phong ngoài Điện Biên, nay đang ở chiến trường. Mấy năm trước, anh Hạp cũng bỏ học, để vào trường Thanh niên tiền tuyến.

Chị Trì có sắc đẹp, đến tuổi cập kê, được thanh niên huyện tuyển vào đội quyên vàng. Chị đi hết làng này xã khác diễn thuyết, phú gia ai cũng nể, đưa tiền của hiến dâng cho cách mạng. Năm 1952, thuế nông nghiệp lũy tiến, chị Trì đem hết đồ đạc trong nhà bán đi gom tiền nộp thuế. Anh Ba giúp chị đem đồ đồng, đồ sứ, bung 30, nồi 10, nồi 7, mâm thau lớn nhỏ, cọc đèn, cọc sáp, lư hương, bát dĩa, đũa mun, đũa ngà gánh xuống chợ Rạng. Chợ Rạng sơ tán trên đồi Rạng, đồ đạc bày la liệt, xen lẫn với các bụi cây để ẩn máy bay. Trưa tan chợ, hàng không bán được, anh chị lại gánh đi gửi đợi phiên sau.

Bấy giờ cải cách ở làng tôi đã kết thúc nhưng trên giấy tờ gia đình tôi vẫn là địa chủ. Nhà có hai đứa con tuổi đi học, nông dân chỉ cho một đứa học. Mẹ cho anh Ba đi học. Tôi trốn sang huyện Nam Đàn học cấp hai Tân Dân.

Mười hai tuổi, mỗi sáng tôi đi bộ mười ba cây số đến trường học. Tôi đi học, không phải mang xắc rồi thong thả bước, mà là, gánh trên bai hai vác rau cải. Buổi chiều hôm trước mẹ tôi mua rau cải, buộc thành hai vác, xốc sẵn. Ba, bốn giờ sáng hôm sau, đợi các o qua ngõ hú mấy tiếng là mẹ thức tôi dậy. Tôi gánh rau chạy theo các o. Đường đi học cùng là đường đi chợ, gánh rau đến chợ, nhờ một o bán, o đưa tiền vừa đủ mua một cái bánh tày, từ chợ đến trường còn ba cây số, tôi vừa đi vừa ăn bánh. Có hôm các o đi sớm quá, đến chợ trời chưa sáng hẳn, tôi phải ngồi chờ bà bán bánh tày đến.

Sáng đi với nhiều người không biết đường xa, chiều về một mình bước chân tôi rã rời. Đường một bên núi, một bên cánh đồng hoặc vực sâu, không có nhà dân. Trên đường ít người đi, có quãng hai cây số không gặp ai. Tôi đói lả, dại nắng. Tôi nằm thiếp đi dưới gốc cây không chỉ một lần. Người đi qua trông thấy, về làng báo cho cha mẹ tôi biết. Cha mẹ nhờ người đến đón tôi. Họ mang cho tôi bầu nước, vắt cơm, tôi ăn xong tỉnh người, đứng dậy đi tiếp, về đến nhà nhiều khi đã tối.

Mẹ cho anh Ba học gần nhà để chiều về làm thuê. Cha tôi đã ngoài bảy mươi, sức khỏe vốn đã yếu, lại thêm cú sốc vừa qua nên anh không cho cha mẹ làm việc nặng. Buổi sáng học, chiều về anh Ba đi rừng lấy củi, đánh tranh, cuốc ruộng, gánh phân. Ai thuê việc gì anh cũng làm, để có gạo, ngô mang về nhà nấu bữa tối. Anh Ba hơn tôi bốn tuổi nhưng suy nghĩ anh lớn hơn tôi rất nhiều.

Lên lớp bảy, gia đình được trả xuống thành phần trung nộ, tôi chuyền về trường Đặng Thúc Hứa ở Thanh Chương, chung một lớp học với anh Ba. Trước đây tôi không đi học tiểu học, anh Ba học đến đâu về dạy cho tôi đến đó. Vì thế, khi anh vào lớp sáu, trình độ tôi cũng xin được vào học lớp sáu. Từ ngày hai anh em học chung lớp, mỗi sáng, anh Ba dậy trước bốn giờ, nhóm lửa rang một mẻ ngô, xong rồi anh mới thức tôi dậy. Anh đeo hai cái xác, tôi cầm nắm ngô bước đi sau anh.

Hai anh em học giỏi, tích cực hoạt động phong trào, được nhà trường cấp học bổng, mỗi tháng 10kg gạo. Cha tôi nói: trong lớp nhiều học sinh giỏi chơ đâu chỉ hai đứa bay, còn cái tiếng “con địa chủ” nữa, thế mà được nhà trường ưu tiên như vậy. Cha bảo mẹ chuẩn bị quà bánh, dẫn hai con đến nhà thầy giáo chủ nhiệm cảm ơn thầy đã đệ trình lên nhà trường.

Việc anh em được học bổng, không chỉ đỡ cho gia đình về kinh tế mà còn vợi bớt nỗi buồn trong lòng cha, một người từng bị Pháp bắt tù đày và có người em trai duy nhất đã chết trong nhà lao Ban Mê Thuột.

Cha tôi đã bị đội tuyên án tử hình. Dân làng được báo ngày mai đi dự buổi xử bắn tên Thên. Cả đem mẹ con mỗi người ngồi một góc. Sớm mai, không thấy động tĩnh gì, đến chiều, dân quân giải cha về nhà. Không tuyên bố tha hay không tha.

Cải cách ở làng tôi kết thúc như vậy.

Khi dừng ở cải cách, một số nhà bị oan đến các nhà được chia quả thực đòi lại đồ đạc của nhà mình. Thấy vậy, có mấy người tự giác đến trả nồi, chum, vại cho mẹ tôi. Mẹ không lấy, bảo họ đưa về. Chúng tôi thắc mắc, mẹ nói, mẹ điểm mặt cả rồi. Bà Thành được chia hai gian chuồn bò thì cũng về thay cái nhà rách nát tệ hơn lều vịt. Nhờ cái chuồng bò đó mà nhà bà có chỗ ở kín đáo, ấm áp hơn. Chú Quyền được bộ bàn ghế lim tiện cũng bán cho ông Thấn lấy tiền mua sắn khoai rồi. Những nhà được chia rương chia sập thì cũng gió vào đầu này ra đầu kia, có hột lúa hột ngô, cái quàn cái áo chăn mền chén bát đều nhét vào sập chứ biết để đâu. Còn nhà được ghế, được phản, nếu ta lấy đi thì họ lại nằm chõng tre ọp ẹp. Những người mang đồ đến trả là những người tình nghĩa, ra đường gặp mình họ ngượng ngùng, nay họ trả là cốt giữ cái tình chứ hoàn cảnh nhà họ túng bấn, cơ cực lắm. Nhà mình tuy bị tịch thu nhưng rồi vẫn sắm lại được. Các con được đi học hồi. Có bàn tay khối óc, dăm năm nữa nhà ta lại địa chủ chưa biết chừng.

Mẹ tôi nhắc lại chuyện những ngày tháng qua. Nhà ta đi mót, vừa lội xuống ruộng thì có người lén trừ cho lúa mà hốt, mót lạc thì họ giả đển sót, cứ thế mà đào, mót khoai họ dấm dúi cho cả rổ, cứ thế mà nhặt. Đi mót mà cả có cả mít chín, bưởi, quýt gánh về. Mẹ ra chợ lấy hàng, người ta bán rẻ, khi nào bán hết thì trả tiền. Cha các con bị giam trong nhà người ta, người ta lén đưa cơm đưa cháo. Nghĩ cho kỹ, thì có người bạc tình nhưng đa phần người dân đâu có tệ với nhà ta. Ban đầu, khi ông Ái ở đây, làng ta không có hộ nào địa chủ, sau khi ông Ái bị chuyển đi, thằng Thanh về nó mới chụp cho năm nhà địa chủ.

Nghe mẹ nói, tưởng rằng kinh tế nhà tôi khá lắm rồi. Thực tế là, mẹ tôi phải gắn lại cái chum vỡ để dùng. Các dụng cụ, vật liệu sản xuất bị tịch thu, gia đình tôi không tái lập được xưởng ép dầu để tiếp tục làm ăn.

Gần cuối năm lớp bảy, sắp thi tốt nghiệp, chúng tôi xin trọ nhà dân ở gần trường. Chúng tôi ăn chung với gia đình. Bữa ăn nào cũng chỉ nước tương và dưa cải. Tương và dưa bà chủ muối không hiểu sao rất nhiều dòi. Dòi trong bát tương khều ra được, dòi nấy chín với dưa rất khó gắp ra. Nhìn con dòi to nổi lên trên bát, tôi ghê, thế mà anh Ba vẫn ăn. Thấy tôi ngần ngại, anh nói nhỏ với tôi, em ăn đi, không can chi mô. Ý anh là, mình đã ở nhờ nhà người ta thì nên hòa nhập.

Xuống Vinh ôn thi vào cấp ba. Ban ngày, hai anh em ra Cửa Tiền đánh tranh thuê. Đầu cầu Cửa Tiền có công ty nông sản, họ chở tranh về thuê cặp rồi chở đánh tranh, anh Ba đi đánh thuê, phụ hồ. Tối, về phòng anh Đạm ở công ty Kiến trúc Vinh, anh ra bài tập và chữa bài cho hai đứa. Anh Đạm bị sốt rét sau mấy năm đi thanh niên xung phong. Về nhà dưỡng bệnh, hồi phục sức khỏe, anh ra Hà Nội học trường trung cấp kiến trúc.

Chúng tôi thi đỗ vào trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng. Chị Trì giới thiệu cho công việc gõ tà vẹt. Thanh đường ray xe lửa bị rỉ, phải sơn lại, muốn sơn phải đánh cho sạch, có những thanh không đánh được, phải dùng búa gõ, gọi là gõ tà vẹt. Đó là công việc tôi làm lâu nhất. Ngồi dưới trời nắng, bên đống sắt, từ trưa đến tối, không thể nói là bình thường, nhưng có việc là có tiền, có việc là vui. Hầu hết học sinh ở các huyện đến Vinh đều phải kiếm việc làm thêm. Đứa nọ giới thiệu việc cho đứa kia.

Cha mẹ chỉ biết chúng tôi xuống Vinh học. Không hình dung được cái đói của con. Cuối tuần, chúng tôi về nhà lấy nghô gạo tương nhút. Sướng nhất là hôm nào về mẹ đã chuẩn bị. Có bạn về với tôi, lúc đi mang được một củ khoai. Bạn nói, nhà tau không còn tí gạo nào. Tôi bảo bạn lấy bớt một nắm gạo nhưng bạn không lấy. Nấu cơm xong, anh Ba bảo tôi kêu bạn đến ăn cùng.

Thuở đó chúng tôi sống như vậy, rồi qua được hết. 

Được đi học là may lắm rồi. Đói khổ là chuyện không đáng kể. Chúng tôi xem thường những cái khổ đó.

Em trai út vào học cấp hai, cha mẹ tôi sức khỏe ngày mỗi yếu. Để các con yên tâm học và có chút tiền hỗ trợ gia đình các anh chị sau cải cách, cha mẹ bán ngôi nhà ngang. Ngôi nhà ngang bị tịch thu trong cải cách mới được trả. Đó là ngôi nhà kẻ ba gian bằng gỗ mít, săng lẻ, vàng tâm, làm vào thời kỳ mẹ làm ăn phát đạt.

Ngôi nhà chính – lâu nay được làm nhà thờ. Đó là ngôi nhà học trò của ông nội, trong đó có Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, mua tặng thầy của mình.

Ông nội Nguyễn Sỹ Lạng đỗ cử nhân nhưng không làm quan, ông dạy học tại nhà và làm thuốc bắc. Thấy ngôi nhà thầy dột nát quá, học sinh ngỏ ý làm ngôi nhà mới cho thầy, nhưng lần nào nói ra cũng bị ông nội từ chối. Anh trai ông nội làm quan triều Nguyễn, bị ốm nặng, ông nội vào Huế chăm sóc anh hai tháng. Lựa thời gian đó, Phan Bội Châu và các bạn đã mua lại ngôi nhà của ông Hồ Sỹ Tạo, chở đến và dựng trên đất vườn nhà ông nội.

Chúng tôi biết được lịch sử ngôi nhà nhờ cuốn gian phả. Cuốn gia phả ghi trên giấy nền, bọc trong da bò, ốp lại, cất trên thượng ốc nhà thờ. Các cụ lường được thời đại phức tạp, viết thành hai bản, cất ở hai nơi. Nhờ sự cẩn trọng đó mà cuốn gia phả không bị nông dân phát hiện khi ngôi nhà thờ bị tịch thu làm kho.

Cha mẹ đã bán nhà, có tiền lo cho các con, anh Ba vẫn bỏ học. Anh lẳng lặng bỏ. Anh đi lên Đô Lương thi trung cấp sư phạm. Lúc đi thi, anh không nói với tôi, cha mẹ cũng không biết. Học xong, anh về dạy trường cấp hai Thanh Lương. Dạy học được hai năm anh làm hiệu trưởng. Năm 1965, anh tình nguyện đi bộ đội. Theo đoàn 559 vào Nam, là lính pháo binh. Năm 1977, anh trở về với bốn vết thương, nhất định không làm giấy tờ thương binh. Nhiều người bị thương nặng hơn, anh nhường chế độ cho họ. Anh về trường cũ làm hiệu trưởng. Cuộc sống thời bao cấp khổ quá, đến tuổi nghỉ hưu anh đưa vợ con vào Long Thành làm kinh tế mới.

Chuyển thể truyện in lên internet 22/8/2023.

 

Tin tiêu điểm