Kể chuyện Nghĩa trang dòng họ
Nhân dịp con cháu họ Nguyễn Sỹ đang tu sửa, nâng cấp Nghĩa trang dòng họ, xin giới thiệu bài thơ viết của ông Nguyễn Sỹ Cát viết năm 2003
KỂ CHUYỆN NGHĨA TRANG DÒNG HỌ
(Ông Nguyễn Sỹ Cát viết ngày 15/12/2003)
----------o0o ----------
Hoà chung thắng lợi nước non
Một vùng toả sáng giang sơn quê nhà
Tổ tiên xưa đã nhìn xa
Cồn Lim xây dựng cửa nhà cháu con
Quây quần đùm bọc xóm thôn
Lập nên làng xã sắt son vững bền
Sống thì ở làng Tú Viên (1)
Về già táng ở cồn tên Thòi Lòi
Ông cha mình đã tính rồi
Nghĩa trang dòng họ có thời xa xưa
Trải bao biến động nắng mưa
Thòi Lòi - con cháu kế thừa trông nom
Giữ gìn lăng mộ vuông tròn
Công ơn thưở trước vẫn còn vang xa
Hai bằng di tích quốc gia (2)
Khắc ghi công trạng ông cha sáng ngời
Hôm nay con cháu các đời
Góp công góp của góp lời chung xây
Tường cao cổng lớn nơi này
Chữ vàng bia đá phô bày nước non
Một vùng trời đất giang sơn
Tổ tiên toả sáng cháu con thịnh cường
Hỡi ai cách trở ngàn phương
Nhớ về viếng tổ quê hương một lần
Ai chưa một lần đặt chân
Hẳn là day dứt muôn phần lương tâm
Cao sang hay vẫn phong trần
Tổ mong Tâm-Đức, chứ cần gì đâu!
Các đời con cháu nối nhau
Giữ gìn truyền thống khắc sâu cội nguồn
ông cha xưa đã sớm hôm
Lập bao công trạng, tiếng còn ngày nay
Võ cao văn giỏi đức dày (3)
Đã từng kiếm bút của này Vua ban
Đã từng xuống bể lên ngàn
Đánh đông dẹp bắc, dưới hàng quân vương
Văn võ áo mũ triều đường (4)
Võ giúp Nguyễn Huệ, Văn thương sĩ nghèo (5)
Thân sinh Bác Hồ kính yêu
Đã từng một thuở trò nghèo kinh đô
Gặp quan Thị Giảng giúp cho (6)
Góp phần đỗ đạt, rồi vô tìm thầy
Tặng đôi câu đối còn đây (7)
Ơn thầy nhớ mãi sách này còn ghi
Mới hay thiên định ai bì?
Nguyễn Sinh - Nguyễn Sỹ cùng đi một đường
Hai người con của quê hương
Sử vàng chói lọi hồn vương quê nhà
Sĩ Xung, Sĩ ấn quê ta
Thòi Lòi an giấc, đây là nghĩa trang
Sông sâu nhờ có suối ngàn
Núi cao xin chớ phũ phàng đất nông
Cháu con có của có công
Đừng quên nguồn cội phụ lòng tổ tiên
Người góp sức kẻ góp tiền
Sửa sang di tích xứng tên ngang tầm
Công trình tạm gọi yên tâm
Hôm nay tất toán có vần thơ nôm
Công đầu là của cháu con
Trong Nam, Ngoài Bắc, xóm thôn thị thành
Tiếp theo công bác công anh
Hội đồng gia tộc họp hành tính toan
Mọi người đều quyết tâm làm
Chờ khi thu đựơc sẽ bàn khởi công
Thời cơ sẽ lỡ, nếu không
Ông Lan, ông Hạp chưa thông nội tình (8)
Tháng mười trời sáng trong xanh
Bắt đầu thu ở thành Vinh mở đầu
Vừa làm vừa tiếp thu sau
Nhưng chi thì lớn thu đâu cho bằng ?
Hội đồng lại tiếp họp bàn
Ông Lan hỗ trợ cứ làm yên tâm (9)
Chưa đầy một tháng thi công
Tường cao cổng lớn đã xong hoàn thành
Kỳ đài cao giữa trời xanh
Cảm ơn ông Hạp đã dành ưu tiên
Lần này ba bốn việc liền
Anh em con cháu khắp miền về đây
Vừa nâng cấp vừa dựng xây
Cụm lăng can Cụ, sánh tày công lao (10)
Ngang tầm các bậc anh hào
Một thời giúp nước công lao sử vàng
Sách - Hồng đã bước sang trang (11)
Về cùng tiên tổ giang san một vùng
Nguyễn Sỹ Diệu chết anh hùng (12)
Bảy ba năm với về cùng quê hương
Ôi vùng đồi sáng thân thương
Nghĩa trang họ Sỹ - Thanh Lương quê nhà
Cám ơn tiên tổ ông cha
Lo toan chu tất nước nhà trước sau
Cuộc sống lúc khó lúc giàu
Nhân sinh do tổ là câu ghi lòng
Đi đâu trăm núi ngàn sông
Nhớ về viếng tổ cha ông chốn này
Mấy lời mong muốn ghi đây
Cầu cho con cháu phúc dày an khang
Gọi là chén rượu khải hoàn
Mừng công mừng cả họ hàng quê hương!
Ngày 15/12/2003
Nguyễn Sỹ Cát
Chú giải:
1) Theo gia phả họ Nguyễn Sĩ thì làng Tú Viên là do tổ tiên họ Nguyễn Sỹ đến khai phá lập thôn ấp, đặt tên và cồn Thòi Lòi cũng đựơc lập làm nghĩa trang dòng họ từ đó.
2) Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ và nhà thờ nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Sỹ Sách đều được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
3) Quan võ là Nguyễn Sĩ Xung đã có công theo Nguyễn Huệ đánh giặc.
Quan văn Nguyễn Sĩ Ấn là một trong các vị quan chấm thi tại kinh đô Huế nên đã giúp cho Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) thi đỗ Phó Bảng.
7) Hai câu đối của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đề tại nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Sỹ, cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
8) Những đề nghị của Hội đồng gia tộc được con cháu hưởng ứng nhiệt tình nhưng gặp khó khăn kinh tế. Hai ông Sĩ Hạp và Sĩ Lan đã có tấm lòng muốn giúp cho Họ khoản kinh phí lớn nếu con cháu đóng góp không đủ.
9) Sau khi tiến hành thu ngân sách, kết quả tuy lớn nhưng vẫn không đủ so với dự toán. Hai ông Sĩ Hạp, Sĩ Lan với tâm đức và khả năng tài chính của mình đã hứa giúp cho Họ số tiền còn thiếu để kịp khởi công công trình.
10) Cùng tiến hành xây dựng Lăng Tổ, hai ông Hạp và Lan cũng sửa sang, nâng cấp cụm lăng Quan Thị Giảng - người đã giúp thân sinh Bác Hồ đỗ Phó Bảng.
11) Trong lần xây dựng lăng Tổ này, họ cũng tổ chức đón hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Sĩ Sách cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng về táng ở khu nghĩa trang dòng họ bên cạnh bố mẹ ông.
12) Liệt sĩ Nguyễn Sĩ Diệu - Đảng viên Đảng Cộng sản đông dương bị giặc bắt giam rồi bắn chết tại ngục Kon Tum năm 1931. Sau 73 năm ông đã được con cháu đón về an nghỉ tại nghĩa trang cùng ông cha, tổ tiên.