Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Nét dí dỏm, thông minh của con trai dòng họ Nguyễn Sỹ - Thanh Lương

Mấy bài vừa qua, ông Lan viết hơi nặng về sử liệu, số liệu nên có thể làm mệt người đọc. Vì vậy, để thoải mái, bài này ông Lan viết về 1 mẩu chuyện vui với tựa đề “Phê và chữa câu đối Trương ty”. Đây là câu chuyện có thật, ông Lan được trực tiếp nghe cả 2 phía. Chuyện viết về ông Nguyễn Sỹ Hoan đời thứ 10, là bố đẻ của Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Hoan là giáo viên cấp 1, 2, giỏi cả tiếng Pháp, chữ Hán, hay câu đối, hay làm thơ Đường Luật, thông minh, dí dỏm, đối đáp nhanh và tự tin. Hiện nay, bà Xuân vợ ông còn an nhiên ở tuổi 88, con cháu đã làm cho ông một nhà thờ đẹp, sang trọng tại xã Nghi Thạch (Nghi Lộc), có nghĩa trang gia đình hàng trăm mét vuông tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ông Lan đã đến cả 2 nơi thắp hương.

 

NÉT THÔNG MINH, DÍ DỎM CỦA CON TRAI DÒNG HỌ NGUYỄN SỸ

----------o0o----------

Mấy bài vừa qua, ông Lan viết hơi nặng về sử liệu, số liệu nên có thể làm mệt người đọc. Vì vậy, để thoải mái, bài này ông Lan viết về 1 mẩu chuyện vui với tựa đề “Phê và chữa câu đối Trương ty”. Đây là câu chuyện có thật, ông Lan được trực tiếp nghe cả 2 phía. Chuyện viết về ông Nguyễn Sỹ Hoan đời thứ 10, là bố đẻ của Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Hoan là giáo viên cấp 1, 2, giỏi cả tiếng Pháp, chữ Hán, hay câu đối, hay làm thơ Đường Luật, thông minh, dí dỏm, đối đáp nhanh và tự tin. Hiện nay, bà Xuân vợ ông còn an nhiên ở tuổi 88, con cháu đã làm cho ông một nhà thờ đẹp, sang trọng tại xã Nghi Thạch (Nghi Lộc), có nghĩa trang gia đình hàng trăm mét vuông tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ông Lan đã đến cả 2 nơi thắp hương.

Ông Nguyễn Tài Đại người họ Nguyễn Tài ở làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn Thanh Chương, là dòng họ có rất nhiều người tưởng nhớ nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, giáo sư Nguyễn Tài Thu, Nguyễn Tài Cẩn,….

Ông Đại hồi kháng chiến chống Pháp đi bộ đội, có thời kỳ làm thư ký riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1961-1962 ông làm Hiệu trưởng Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (Vinh) mà ông Lan đang học lớp 9, 10.

Trong 1 lần ông Nguyễn Sỹ Quế Bí thư tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đi họp Quốc hội, ông Giáp có hỏi ông Quế về ông Đại, ông Quế trả lời Đại tướng là ông Đại đang làm Hiệu trưởng cấp 3. Ông Giáp nghe xong có nói 1 câu “Nghệ An sẵn cán bộ quá”. Sau câu nói đó, đi họp về, Tỉnh ủy, UBND đã đề bạt ông Đại làm Trưởng ty giáo dục (không qua phó ty).

Tết năm 1975, ông Đại tròn 60 tuổi âm (59 tuổi dương), ông đã làm 1 đôi câu đối tự thọ cho mình viết bằng phấn trắng trên 2 tờ giấy đỏ treo tại ngôi nhà tranh phòng khách của ty thời bấy giờ ở Làng Lộc Đa, xã Hưng Lộc (Tp Vinh); cách ngôi nhà tranh của ông cỡ 200m. Ông Đại rất hay và nghiện câu đối, thơ Đường Luật. Có giai thoại khi về hưu ông có vế câu đối:

Đại về hưu, Đại trồng bù, ai hỏi bù ai? Bù Đại. Bù Đại để cho cán bộ giáo viên đối (mà chưa có vế đối nào chỉnh).

Ông Đại có nhiều thơ, câu đối đăng trên báo chí trung ương, địa phương.

Câu đối tự Thọ của ông Đại năm đó như sau:

Lục giáp khai hoa đăng Thượng thọ

Nhất sinh mộng lý kiến Thanh Văn.

Đây là đôi câu đối khá hay, tự vui được lên lão và nêu ý tưởng cuộc đời mình (nhất sinh mộng lý) là nhân văn. Thơ phú xanh tươi phát triển. Câu đối chuẩn về câu từ, luật, lại nêu được cả tên làng xã quê hương mình. Ông Đại rất khoái 2 câu đối của mình sáng tác nên sáng mồng 2 tết, sau khi cúng ông đã ra ngay nhà khách của Ty ngồi từ 8 giờ sáng đợi khách đến vui chúc tết cơ quan và ông.

Khoảng 10 giờ sáng, ông Hoan đi xe đạp từ nhà riêng (là 1 phòng nhỏ của Trường y tế cũ) ở Hưng Dũng đến chúc tết O Trì, Dưỡng Lựu (ở gần Ty) và tiếp đến chúc tết ông Đại. Được bà Nợi (vợ ông Đại) cho biết ông đang ở nhà khách Ty. Ông Hoan ra nhà khách thấy ông Đại ngồi bên ấm nước om chè xanh, điếu thuốc lào và 2 tờ giấy câu đối với khuôn mặt phấn chấn. Sau màn chào hỏi chúc tết, ông Hoan đọc đôi câu đối và biết ông Đại lão 60 nên chúc mừng và khen đôi cấu đối hay, có ý nghĩa.

Có người khen câu đối…, ông Đại càng vui và cảm ơn liên tục, gật gù đọc đi đọc lại.

Tuy vậy, chỉ ít phút sau đó ông Hoan ấp úng nói:

Câu đối rất hay nhưng vẫn có tí sái. Nghe nói vậy ông Đại hỏi ngay: “Anh nói sái chỗ nào?”

Ông Hoan xin phép chưa trả lời vì hôm nay đầu năm mới, nhỡ nói ra có điều gì không phải sợ Trưởng ty không vui. Càng nghe nói thế ông Đại càng giục phải nói ra cho kỳ được và tuyên bố sẽ thưởng nếu ý đúng và không phật ý nếu có điều gì chưa hay.

Sau sự thúc giục, ông Hoan mới ngập ngừng xin phép và nói: Trưởng ty đã rời quê lâu, nay 60 cũng làm tại đây thì nói kiến Thanh Văn là hơi sáo.

Ông Đại nghe nói cho là phải và nói tiếp, chơi tết xong tôi sẽ nghĩ cách chỉnh sửa.

Ông Hoan nói ngay: Ta sửa ngay được không ạ?

Ông Đại hỏi: Anh định sửa thế nào? Cho tôi biết được không?

Ngừng 1 phút như đắn đo, nhìn vào khuôn mặt ông Đại, ông Hoan ngập ngừng xin đọc đôi câu đối sáng tác tại chỗ của mình như sau:

Đại đức lưu truyền đăng Thượng Thọ

Tài hoa viên mãn kiến Lộc Đa

Ông Đại thừa nhận câu này hay, vừa có tên ông Tài Đại vừa “đức lưu truyền” ở quê, ông Tài thành đạt tại đất mới Lộc Đa là nơi ông đang làm Trưởng ty. Ông Đại nhờ ông Hoan viết ngay bằng phấn lên 2 tờ giấy đỏ treo thay 2 câu trên .

Vài ý bình:

-   Con trai họ Sỹ thông minh, nhanh trí, dí dỏm.

-   Tự tin khi năm mới dám phê và sửa câu đối của Trưởng ty.

-   Tầm nhìn rộng và sâu hơn.

Viết lại câu chuyện vui này để vừa vui, vừa thêm 1 số ý về họ ta.

Làm câu đối là khó. Người xưa nói: Khôn văn ai, dại câu đối. Nghĩa là văn ai đọc lúc chết và xong là đốt ngay. Câu đối để lại, nhiều người bình đọc, khen chê nên nếu làm yếu dễ bộc lộ tay nghề non kém.

Họ ta rất hay câu đối, trước các cột quyết nhà thờ Can Cụ, nhà thờ Đại tôn,… đều có nhiều câu đối mà phần lớn của ông bà ta: Quan Thị, ông Cử Lạng, ông Hàn Giản,…

Ta còn lưu được đôi câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Điển đều là các câu đối rất giá trị. Ông Lan đã giải nghĩa và để tại 1 bảng tại nhà thờ Can Cụ, cháu nào có nhu cầu xin đến đọc để cảm nhận.

Ông Lan cũng có chơi câu đối nhưng không mạnh, có làm thơ Đường Luật và đã có cỡ vài trăm bài được đăng tải.

Vài câu đối của Quan thị, ông Cử đã được in trong cuốn sách câu đối Việt Nam.

Bài này ông Lan viết để con cháu ai có thời gian rỗi thì đọc cho vui. Rất cảm ơn người đọc và xin nhận lại các ý kiến phản hồi.

Hà nội, 15/9/2022. Ông Nguyễn Sỹ Lan.

Tin tiêu điểm