Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Tìm hiểu về tiền nhân dòng họ Nguyễn Sỹ

Kính thưa các bậc cao niên, các thế hệ hậu duệ! Họ Nguyễn Sỹ chúng ta có lịch sử và truyền thống tốt đẹp, có rất nhiều nhân vật, sự kiện quý và độc đáo. Tôi Nguyễn Sỹ Lan đời thứ 9 mong muốn con cháu tìm hiểu về ông cha, tiền nhân. Chúng ta không cầu toàn, biết đến đâu góp đến đó, nếu biết không chính xác thì nói là không bảo đảm chính xác, người khác biết rõ hơn giúp đính chính để ta hoàn thiện. Chuyên mục này kéo dài hay ngắn tùy theo sự tham gia và hưởng ứng của con cháu.

 

TÌM HIỂU VỀ TIỀN NHÂN DÒNG HỌ NGUYỄN SỸ

----------o0o----------

Kính thưa các bậc cao niên, các thế hệ hậu duệ! Họ Nguyễn Sỹ chúng ta có lịch sử và truyền thống tốt đẹp, có rất nhiều nhân vật, sự kiện quý và độc đáo. Tôi Nguyễn Sỹ Lan đời thứ 9 mong muốn con cháu tìm hiểu về ông cha, tiền nhân. Chúng ta không cầu toàn, biết đến đâu góp đến đó, nếu biết không chính xác thì nói là không bảo đảm chính xác, người khác biết rõ hơn giúp đính chính để ta hoàn thiện.

Chuyên mục này kéo dài hay ngắn tùy theo sự tham gia và hưởng ứng của con cháu.

 Hôm nay, tôi xin nói đôi điều về Can Xuân và tộc trưởng Nguyễn Sỹ Mãi.

1)     Can Xuân tên húy là Nguyễn Sỹ Điểu, là con thứ 2 của Can Xung (là cháu của Can Mậu) – tôi gọi Can Xuân bằng ông bác.

Ông là em ruột của Tú tài Can Đỗ (Can Khâm), ông đỗ tú tài khoa Tân Mão đời Minh Mệnh. Ông thọ 86 tuổi. Theo gia phả để lại thì ông là người tài tử, hay dùng phép thuật, đọc nhiều kinh chuyện nổi tiếng một thời. Ông có 2 bà vợ.

Bà cả người họ Văn Đình ở Văn Giai.

Bà hai húy là Trọng, người họ Lê ở thôn Phúc An.

Ông sinh hạ được 3 con trai và 1 con nuôi.

2)     Nhà thờ của ông bà ở xóm 3 Tú Viên – Thanh Lương, là nhà thờ ngói, có tuổi thọ rất xưa, còn nguyên nét nhà thờ thời xưa của vùng ta, khuôn viên rộng rãi ở gần với nhà thờ Đại tôn.

3)     Ngoài các kết cấu, đồ tế, hiệu bụt,… thì ở 2 cột quyết ngay cửa có đôi câu đối của ông Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn cùng đời thứ 7 gọi Can Xuân là anh con bác, khắc chữ đến nay còn rõ ràng.

Hai câu đối này ông Ấn làm tặng anh khi ông Ấn đỗ Phó bảng. Nội dung như sau:

Bạch địa triệu cơ lễ nghĩa canh vân tam đại thướng

Thanh vân đắc bộ thi thư đăng hỏa thập niên lai

Tạm dịch:

Tay trắng dựng cơ đồ, lễ nghĩa gắng noi thời tam đại

Thanh vân gặp hội thi thư mài dũa trọn mười năm.

Hai câu đối này ca ngợi gương tự học thành tài của ông Xuân và nghĩa tình anh em họ Nguyễn Sỹ, quý nhau ở chữ học, thành đạt và hiếu nghĩa.

4)     Có 1 thầy đồ đã ở nhà Can Xuân. Khi thầy qua đời, Can Xuân đã lo tang lễ chu đáo, an táng tại nghĩa trang dòng họ và Can Xuân đã thờ thầy học này ở ngay nhà thờ. Trước đây hiệu bụt của thầy để chung với các hiệu bụt của nhà – cách đây 1 số năm anh Mãi đã làm riêng 1 phòng thờ để thờ thầy. Điều này cho ta một số suy nghĩ:

-   Tôn sư trọng đạo của ông Xuân rất đáng nể trọng, không câu nệ khác họ hàng, không ruột thịt mà tổ chức thờ cúng chu đáo.

-   Câu đối của Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn cũng động viên, ca ngợi việc học hành, ngay từ đời thứ 7 dòng họ ta đã có những điều quý giá.

-   Nói thêm các câu đối ở nhà thờ Can Cụ, Đại tôn hầu hết do trực tiếp con cháu ta sáng tác, không mua về treo, trừ một số do người khác tặng như của Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Đình Điển,…

5)     Ở nhà thờ Can Xuân còn lưu giữ 1 cổ vật vô cùng quý giá của con cháu ông Cử Lạng (đời thứ 7) là ngôi nhà của chính ông bà Cử được tặng lại để làm nhà thờ hạ cho anh con bác của Can Xuân theo nguyện vọng của con cháu Can Xuân mà anh Mãi đại diện và quyết sách của ông Hạp đích tôn ông Cử Lạng. Ông Hạp, ông Lan và 1 số con cháu đã dự lễ khánh thành việc di chuyển về khuôn viên mới.

Theo một số căn cứ tin cậy, ngôi nhà này chủ yếu bằng gỗ lim, 3 gian, 2 hồi lợp ngói, phía trước đóng ván. Do ông cử nhân Hồ Sỹ Tạo dựng trong khuôn viên của ông ở Thanh Khê – Thanh Chương và được các môn sinh: Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc mua về về dựng tặng thầy giáo Cử Lạng (Nguyễn Thúc Hoằng) khoảng năm 1901. Tại đây ông bà Cử đã ở, dạy học và sinh ra ông Thên, ông Diệu (Liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930) và 10 người con của ông Thên (nay còn ông Hạp, ông Lan đời thứ 9). Là nơi chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt như Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng 8, giảm tô, cải cách ruộng đất,… Họ Hồ nhiều lần thương lượng ông Hạp, ông Lan để chuộc lại nhưng 2 ông xin để lại cho họ và quê hương. Tuy con cháu ông bà Thên không còn ai ở lại Thanh Lương nhưng bao kỷ niệm sâu đậm, các cuốn phim truyền hình về dòng họ, các bài viết của ông Hạp, ông Lan, ông Ba và hàng trăm bài thơ về quê hương, dòng họ luôn đầy dấu ấn.

6)     Về ông Nguyễn Sỹ Mãi (ông Mại) - Tộc trưởng Chi can Xuân hiện nay: Ông Mại và ông Lan cùng học với nhau lớp 5 ở Thanh Yên, lớp 7 ở Nguyệt Bổng, là bạn học thân thiết, là quan hệ gần gũi dòng họ.

Ông Lan hiểu nhiều về ông Mại và đánh giá cao những đóng góp to lớn của ông Mại cho dòng họ:

+ Công lớn nhất là làm cho Dòng họ được tặng bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Cụ thể là tìm người dịch gia phả (Thầy Hoàng Nghĩa Quán – Giảng viên Hán Nôm của Đại học sư phạm Vinh), quan hệ với Bảo tàng, Sở văn hóa, huyện để được vào kiểm kê di tích, tham mưu lập hội đồng để làm hồ sơ và họp xét duyệt hồ sơ (nhiều công đoạn ông Mại có vai trò tổ chức, kết nối).

+ Làm các giải trình, thu thập tư liệu và tham mưu để xã vào cuộc. Đi nhiều nơi (Sài Gòn, Hà Nội,…) để xin con cháu thêm kinh phí. Giai đoạn này 1995-1997 thì đây là những việc làm rất khó khăn.

+ Tập làm thơ để quan hệ với dân thơ ở Anh Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương để tuyên truyền và xây dựng các tập thơ.

+ Tham gia tích cực vào việc tổ chức đón nhận bằng,…

Âm thầm chịu đựng hoặc tìm cách vượt qua các ngọn núi thử thách do khách quan đưa đến, sai sót do tự mình gây ra, sự hiểu nhầm của nhiều người. Có 2 tầm bằng này cơ bản là công đức của tổ tiên nhưng đóng góp của ông Mại rất đáng biểu dương và ghi công.

Ông Lan chưa hiểu hết các khó khăn, công sức của ông Mại nhưng vẫn rất quý ông Mại, đã tạo điều kiện để gặp nhau, làm hàng chục bài thơ đủ thể loại (thơ lục bát, đường luật, tứ tuyệt,…) để chúc mừng tuổi thọ, động viên ca ngợi và có 1 số bài thơ đã ấn hành qua các tập thơ chính quy đã xuất bản. Từ vấn để ông Hạp yên tâm tặng nhà ông Cử Lạng cho Can Xuân,…

Nay nghe tin anh Mại sức yếu, bệnh trọng, nằm viện mà không về thăm được cũng rất phân vân – mong anh ổn, lại sức thêm ít năm để hưởng thành quả và tiếp tục đóng góp cho dòng họ.

Bài này ông Lan viết về nhà thờ Can Xuân, đồng thời là lời tâm sự với Anh Mại.

Hà nội, tháng 18/8/2022. Ông Nguyễn Sỹ Lan, đời thứ 9 – Chi Can Cụ.

Tin tiêu điểm