Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Nguyễn Thị Hồng - Người phụ nữ tiết hạnh, hiếu trung

“Một đời trọn thương chồng, theo Đảng Tứ đức vẹn toàn, tiết hạnh, hiếu trung”

 

NGUYỄN THỊ HỒNG

NGƯỜI PHỤ NỮ TIẾT HẠNH – HIẾU TRUNG

(Nguyễn Sỹ Lan – Bài đăng trong cuốn Thanh Chương Xưa và nay)

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh năm Đinh Mùi (1907) trong một gia đình Nho học, tại làng Liễu Nha, tổng Bích Hào, nay là xã Thanh Lâm – Huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An.

Ông nội của bà là quan ngự sử Nguyễn Tiếp Phương, một sỹ phu yêu nước chống thực dân Pháp trong phong trào Cần Vương (ông gữ chức Sơn Phòng Phó Sứ). Ông ngoại của bà là cử nhân Lê Kinh Hạp, một nhà nho yêu nước sớm thành đạt trên con đường khoa bảng, người đã viết tập thơ Xuân Đình Gia Huấn Ca nổi tiếng thời bấy giờ. Từ thuở còn nằm nôi, bà đã được đắm mình trong những lời thơ dìu dặt, êm đềm, đậm đà ý tứ “Tam tòng tứ đức”, “Lễ nghĩa thi thư” của ông bà, cha mẹ.

Mười ba tuổi, Nguyễn Thị Hồng nhận lời cầu hôn của Nguyễn Sỹ Sách (con cụ tú tài Nguyễn Sỹ Giản, tộc trưởng một chi họ Nguyễn Sỹ thuộc dòng khoa bảng ở làng Tú Viên, nay là xã Thanh Lương – huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An). Theo quan niệm thời bấy giờ, đó là hai gia đình môn đăng hộ đối với nhau. Sau năm năm qua lại thăm hỏi nhau, tình cảm hai nhà càng thêm khăng khít. Tháng 6 năm 1925, lễ thành hôn Nguyễn Sỹ Sách – Nguyễn Thị Hồng đã được tổ chức. Từ đó, hai họ giao hòa, hai nhà thông gia, than lại càng thêm thân.

Nguyễn Thị Hồng, một thiếu nữ nhan sắc vào loại hoa hậu, á hậu trong vùng, kết duyên cùng Nguyễn Sỹ Sách – một chàng trai thanh niên trí thức thông minh, sôi nổi, can đảm và ham thích hoạt động. Đôi uyên ương sẵn sàng từ bỏ cuộc sống nhung lụa, phú quý mà bọn thực dân mua chuộc để chấp nhận dấn thân vào con đường cách mạng đầy phong ba nguy hiểm.

Sau ngày cưới, bà Hồng vào thị xã Hà Tĩnh để lo việc cơm nước cho chồng dạy học. Tại đây, trên một căn nhà, ông Sách cùng một số bạn như Tôn Thất Cự, Nguyễn Tứ,… đã dích báo “Người cùng khổ”, viết tài liệu tuyên truyền tư tưởng yêu nước ở trong trường học và thị xã Hà Tĩnh. Bà Hồng cũng đã được giác ngộ cách mạng từ đây. Bà lo việc canh gác để các đồng chí hội họp. Mỗi tháng bà dành dụm một nửa số lương của chồng để bỏ vào quỹ đoàn thể chi tiêu cho cách mạng. Bà cho biết, lương ông Sách lúc đó mỗi tháng được hai đồng rưỡi bạc Đông Dương, có thể mua được 2 tấn rưỡi gạo. Với tiền lương ấy đủ cho 2 vợ chồng ăn uống, tiêu xài, thuê người phục vụ, thuê nhà,… Tuy vậy, ông bà chỉ sống đơn giản, tự nấu ăn để có tiền dành sung quỹ chi tiêu cho công việc chung.

Dò la được những hoạt động yêu nước của Nguyễn Sỹ Sách, bọn thực dân Pháp hết dụ dỗ đến hăm dọa, hòng bắt Nguyễn Sỹ Sách phải vào khuôn phép của chúng. Nhưng Nguyễn Sỹ Sách đã cự tuyệt mọi ràng buộc vô lý đó. Mấy tháng sau, nhà học chính Trung Kỳ chuyển Nguyễn Sỹ Sách vào dạy học tại Phú Vang, một huyện gần Kinh đô Huế. Bà Hồng trở về quê nhà chăm nuôi cha mẹ chồng và các em chồng còn nhỏ dại.

Trước lúc đi công tác và hoạt động xa nhà, Nguyễn Sỹ Sách có chụp một bức ảnh chân dung và viết thư gửi lại cho cha mẹ và vợ. Thư riêng cho bà Nguyễn Thị Hồng, ông viết:

“Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường”.

Mình ơi, tôi là người rất đa tình, đa sầu, đa cảm. Đa tình ắt không bao giờ không thương nhớ cha mẹ, vợ con, anh em. Đa sầu ắt không bao giờ cho việc đời là vui vì nỗi nhân tình thế thái. Đa cảm ắt không phải là người liều lĩnh. Cũng không phải như ai sống cuộc đời hờ hững.

Nhưng than ôi! Ai là người hiểu thấu tâm sự tôi. Ở đời tri kỷ ít lắm thay mà người mắt xanh cũng không mấy, ước ao rằng bạn sắt cầm cũng là bạn đồng tâm, đồng chí.

(Bức thư này được viết sau một chiếc các hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam).

Tháng 8 năm 1927, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách được Hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu Trung Quốc dự lớp huấn luyện của Hội Thanh Niên. Về nước, ông được cử làm Bí thư Kỳ Bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Trung Kỳ. Ông chăm lo xây dựng và phát triển tổ chức, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ hội viên.

Sau tết Mậu Thìn (1928), qua đồng chí Đặng Thai Mai, bà Hồng gửi cho chồng bức thư báo tin đã sinh con gái, đặt tên là Lan Hương. Bà viết:

“Vì tổ quốc, vì tự do độc lập nên mình phải bôn ba muôn dặm xa xôi. Tuổi thanh xuân em vẫn giữ một niềm trong trắng. Mong đón cờ đỏ rực bay cõi Đông Dương, trong đó có tên mình đem chủ nghĩa huy hoàng về cho đất nước. Lòng thành thực mấy câu gửi bạn. Đừng lo ở nhà mà hại sức khỏe ở nơi xa. Cha mẹ già, em xin sớm hôm chăm sóc cùng đứa con nhỏ dại mới ra đời”.

Đó là những lời tâm sự xúc động chân thành và cũng là những lời nhắn gửi thiết tha đối với người chồng đang bôn ba muôn dặm xa xôi.

Trong thời kỳ Đảng chưa ra đời, một phụ nữ mới ngoài hai mươi tuổi mà viết được những dòng như thế, càng giúp ta hiểu thêm về tấm lòng, tình cảm, ý chí và trình độ nhận thức của Nguyễn Thị Hồng.

Ngoài việc nhà, bà Hồng càng can đảm, hăng hái nhận những nhiệm vụ cần kíp lúc bấy giờ nhu nấu thạch phục vụ in ấn truyền đơn tài liệu, nuôi dấu cán bộ cùng hoạt động với chồng, canh gác bảo vệ cho chồng và các đồng chí đến hội họp ở nhà mình và nhà thờ họ để bàn bạc công việc cách mạng,… Bà cùng một số cán bộ thành lập Hội Phụ nữ thôn và chính bà là thành viên tích cực, tháo vát, thường cải trang thành người đi bán vải để tiếp nhận và chuyển giao các tài liệu mật và truyền đơn, phục vụ tuyên truyền vận động cách mạng, xây dựng và phát triển phong trào trước và sau ngày thành lập đảng. (Theo xác nhận của đồng chí Võ Thúc Đồng, lão thành cách mạng và theo Hồ sơ di tích lịch sử văn hóa quốc gia nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách).

Ngày 28 tháng 7 năm 1929, lần thứ hai đồng chí Nguyễn Sỹ Sách sa vào tay giặc. Trong phiên tòa mở tại Thành phố Vinh, bọn thống trị đã kết án đồng chí tù khổ sai chung thân.

Hai ngày trước khi đày đồng chí Nguyễn Sỹ Sách vào giam tại nhà tù Lao Bảo, ngày 28 tháng 10 năm 1929, bọn thực dân Pháp đã kết án bà Hồng 2 năm tù giam. (Theo Hồ sơ số 2629/CN-MT-C và 3643/CN-MT của mật thám Pháp).

Chồng bị tù khổ sai chung thân. Vợ cũng bị kết án tù. Con chưa đầy hai tuổi. Bà Nguyễn Thị Hồng vẫn không hề nao núng. Bà xem đó là sự góp lửa cùng chồng và sự góp lửa cùng với quê hương, đất nước để sớm thiêu trụi bọn giặc xâm lược.

Tết Canh Ngọ 1930, khi bà Hồng được ra tù  thì chồng bà, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã kiên cường ngã xuống trước giờ phút đấu tranh quyết liệt chống chế độ lao tù hà khắc của bọn thực dân Pháp (Ngày 19 tháng 12 năm 1929).

Căm thù chồng chất căm thù, đau xót càng thêm đau xót, bà Nguyễn Thị Hồng đã dũng cảm đối mặt và vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo. Sâu nặng tình nghĩa vợ chồng, trân trọng sự hy sinh của chồng, bà một thân một mình lặn lội từ Thanh Chương – Nghệ An vào Lao Bảo, Quảng Trị, nơi rừng thiêng nước độc mà Pháp giam giữ tù cộng sản để viếng mộ chồng.

Cuối năm 1932, bà Hồng làm thủ tục xin cất bốc hài cốt của chồng về an tang tại quê nhà. Sau nhiều lần gây phiền hà khám xét lôi thôi, tên Chánh mật thám đã trực tiếp chất vấn bà:

-    Ai cho phép cô đi Lao Bảo bốc mộ?

-   Chúng tôi đã làm bạn trăm năm tất nhiên phải có tình thương. Việc đó là tự tôi, chẳng có ai bảo cả.

Nó lại hỏi:

-  Thế cô định đem về xây lăng miếu để kích động bọn cộng sản phải không?

Cuối cùng chúng không cho bà cất bốc và thăm viếng nữa. Tuy việc không thành nhưng với lòng yêu nước thương chồng và ý chí của người phụ nữ Việt Nam, bà đã làm cho bọn thực dân Pháp phải kiêng nể.

Là dâu trưởng của một chi họ lớn, bố chồng là tú tài nhưng nhà rất nghèo, đông con, mẹ chồng lại mất sớm nên công việc nhà một mình bà Hồng chèo chống. Bà vừa chăm lo cho cụ Hàn, vừa lo tác thành cho các em để giữ yên thế của chi họ. Bà giữ trọn lời nguyền ước với chồng, kiên quyết không tái giá, nuôi con gái là Lan Hương học hành chu đáo, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, lập thất với Giáo sư Lê Kinh Duệ - Viện trưởng Viện Da liễu Việt Nam. Bà còn tích cực tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương trong cách mạng tháng 8 năm 1945, là Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã, cán bộ tuần lễ vàng, hội mẹ chiến sỹ,…

Mẹ chồng qua đời khi bố chồng chưa già lắm, có duy nhất mộ con trai là Nguyễn Sỹ Sách thì đã hy sinh. Theo lễ giáo phong kiến, việc duy trì thế của dòng họ là rất quan trọng. Vì vậy bà Hồng đã vận động bố chồng lập thất lần thứ hai. Cụ Hàn là một nhà nho nền nếp lại khó tính, bà phải thuyết phục nhiều lần, phải tự tìm đối tượng cho cụ và nhờ các bậc cao niên khác trong chi họ thuyết phục giúp thêm. Khi được cụ đồng ý, bà đã chủ động sắm sửa lễ vật và sắp xếp việc cưới hỏi. Bà vợ thứ hai đã sinh hạ cho cụ Hàn một con trai là Nguyễn Sỹ Thiêm và một người con gái.

Năm 1955, bà Hồng trong diện Ban Tổ chức Trung ương quản lý, vì vậy được mời ra Hà Nội ở, trong căn phòng tại số 65 Hàng Trống. Phòng tuy hẹp nhưng bà Hồng đã để cả gia đình con gái, con rể ở cùng và đã chăm sóc các cháu ngoại trưởng thành. Bà còn đưa em chồng là Nguyễn Sỹ Thiêm ra Hà Nội cho học thêm rồi xin cho vào làm việc ở Xí nghiệp May 10.

Hàng năm đến ngày giỗ tết, bà Hồng đều về hương khói cho tổ tiên. Bà đã tổ chức các cuộc họp con cháu để tu bổ nhà thờ và sửa sang lăng mộ.

Năm 1991, sang tuổi 85, bà Hồng lại vào thăm mộ chồng ở Lao Bảo. Mộ ông không còn, bà đứng trước tấm bia chung, thầm khấn:

-  Ôi chiến tranh! Bom đã đã san bằng…một lần nữa ông lại hy sinh thân mình cho cách mạng!

Nguyện vọng của bà là được rước di cốt và một nắm đất nơi chồng ngã xuống đưa về táng ở quên để khi bà về với tổ tiên sẽ được mãi mãi nằm bên cạnh di cốt của chồng.

Mấy năm sau ngày bà qua đời, con gái bà, cháu ngoại bà, dòng họ và quê hương đã thực hiện nguyện vọng của bà. Một khu lăng mộ trang nghiêm, giản dị của ông bà và hai cụ thân sinh liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách đã được xây dựng tại khu nghĩa trang dòng họ ở quê nhà (Thanh Lương – Thanh Chương – Nghệ An).

Mộ Nguyễn Sỹ Sách và bà Nguyễn Thị Hồng

 

Bà Nguyễn Thị Hồng tuy được học ít nhưng bà đã để lại một cuốn hồi ký về chồng mình. Bà đã kể lại một cách chân thực, xúc động, đầy ắp các sự kiện lịch sử về đời tư và những hoạt động cách mạng sôi nổi của chồng. Tập hồi ký bà đã gửi tặng Bảo tàng cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đọc hồi ký của bà, không thấy bà nói gì về hoạt động của mình, ngay cả việc bà bị Pháp bắt và bị kết án tù nhưng các tư liệu lịch sử và hồ sơ mật thám Pháp đã nói rõ điều đó.

Đối với Đảng, bà dành một tình cảm trong sáng và cao quý. Theo bà, Đảng không phải đâu xa lạ, Đảng rất gần gũi, Đảng là ông Sách, ông Đặng Thai Mai và các đồng chí của chồng bà. Đảng là Bác Hồ - người đã thông tri cho toàn Đảng gương hy sinh chiến đấu của chồng bà…

Bà Nguyễn Thị Hồng là thế, hiền lành, trung hậu, thủy chung, là người đồng chí, người bạn sắt cầm của liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách. Bà được bạn bè, đồng chí của ông Sách (như Đặng Thai Mai, Lê Nam Thắng,…) cũng như bà con, anh em trong họ tộc và trong thôn hết lòng quý mến và cảm phục.

Năm bà lên lão 90, mọi người đã tổ chức mừng thọ bà rất ấm áp và trọng thể. Rất nhiều thơ phú, câu đối trướng thọ đã được đưa đến và gửi đến.

Xin chép lại đây bài của ông Đặng Thai Sum, em con chú của Giáo sư Đặng Thai Mai, tặng bà:

“Nợ nước còn thêm nợ cả chồng,

Nhờ dân nhờ Đảng đã đền xong,

Trung trinh hai chữ in vầng bạc

Sinh tử trăm năm tạc chữ đồng

Nữ kiệt noi gương người Trưng Triệu

Thoa quần rạng rỡ giống tiên long,

Xuân thu vừa độ xưa nay hiếm,

Nức tiếng muôn đời giữa núi sông”.

Một ông chú của bà đã tặng bà bức trướng đề:

“Mừng chị lên ngôi lão cửu tuần

Phúc Hồng đức thắm đẹp chồi xuân

Công lao hậu Duệ ghi thành Sách

Thơm thảo Lan Hương ngát cõi trần”.

(Lê Kinh Duệ là con rể; Lan Hương là con gái của bà)

Bà Nguyễn Thị Hồng, một người phụ nữ Thanh Chương có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Bà đã nêu tấm gương sáng đúng như lời kết trong điếu văn tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng (18/10/1998):

“Một đời trọn thương chồng, theo Đảng

Tứ đức vẹn toàn, tiết hạnh, hiếu trung”

 

 

Tin tiêu điểm