Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Lời tựa gia phả Họ Nguyễn Sỹ

 

LỜI TỰA GIA PHẢ HỌ NGUYỄN SỸ

----------o0o----------

Một tư liệu vô cùng giá trị, quý hiếm – Bài viết của Cụ Phan Huy Ích – bản dịch của Nhà giáo Hoàng Nghĩa Quán giảng dạy môn Hán Nôm tại trường Đại học Sư phạm Vinh – Nghệ An.

--------------------------------------------------------

TRÍCH NGUYÊN BẢN DỊCH LỜI TỰA CỦA CỤ PHAN HUY ÍCH:

Nền văn hiến Đại Việt ta đã có trên ngàn năm, nhưng liệt truyện, sử ký ghi lại các dòng họ thì còn thiếu sót và mất mát rất nhiều. Đó là người băn khoăn, huống chi thế hệ ta bây giờ muốn tìm lại cội nguồn tiên tổ chẳng là khó khăn lắm sao? Đó là điều những bậc nhân nhân hiếu tử hằng than thở. Bạn tôi là thị giảng Nguyễn Tín Trọng, là con của nhánh thứ họ Nguyễn Sỹ ở Xuân Lâm, Nam đường làm biên tu sử quán. Lúc bấy giờ tôi ở bên Hàn Lâm. Ông thường nói với tôi rằng, họ ông đông con nhiều cháu, nhiều kẻ khoa bẳng (nhưng chưa có ghi chép tộc phả, tương truyền gốc họ ở Thanh Hóa nhưng cũng chưa biết rõ ràng). Năm Minh Mệnh Đinh dậu (1825) cháu con chú đi thi, đến nhà người Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (….) (Những chữ trong dấu (…) là nguyên bản bị mất, người dịch suy đoán mà thêm vào, chỗ nào không suy được thì để trống), thấy cuốn phả ghi là họ Nguyễn Sỹ, bèn hỏi thêm. Người ấy kể lại từ đời tổ tiên đến nay đều có ghi chép, bèn nhận là cùng họ với nhau rồi lập nhà thờ cúng bái, kể lại ngọn ngành tường tận cho nhau biết, năm đó phần mộ của tổ tiên cũng đã bị thất lạc, may lại có người chỉ dùm cho.

Số trời may mắn, phải chăng đó là nhờ sự linh thiêng của tiên tổ và phúc tổ mai sau của họ Nguyễn Sỹ chăng.

Bây giờ ông mới tìm tòi hỏi thăm các bậc huynh trưởng về danh thụy, thế thứ của những người còn bỏ sót để bổ sung vào cho đầy đủ và chính xác. Thế rồi tôi cũng được bổ đi nơi khác, Tín Trọng cũng đi.

Năm Đinh Mão Tự Đức (1855) em ruột ông là Nguyễn Sỹ Lãng lại trúng tú tài, đi Thanh Hóa bái tổ, có đến chỗ tôi ở Nam Định, để hỏi tôi về những điều Tín Trọng đã nói để ghi vào Gia phả, mong nối cái chí của Tín Trọng, nhân thể nhờ tôi viết mấy dòng đề tựa.

Bây giờ là năm Mậu thin Tự Đức thứ hai mươi mốt, tháng Năm (1869).

Biện lý hình bộ sự vụ

Hồng Lô thiếu lự Khanh

Phan Huy Ích

--------------------------------------------------------

Phần nói rõ thêm của ông Nguyễn Sỹ Lan đời thứ 9

1)     Về tác giả bài viết:

Phan Huy Ích là quan triều Nguyễn cùng ông Ấn làm việc với nhau 1 thời gian ở Hàn Lâm Viện Thị Giảng, sử quán biên tu: Ông Ấn (còn có tên hiệu: Nguyễn Tín Trọng) đã kể cho ông Ích nghe một số điều về lịch sử họ Sỹ ta và ước vọng xây dựng gia phả.

Tuy vậy, chưa có điều kiện để tìm hiểu được thì 2 ông phải xa nhau do điều động công tác. Ông Ích được điều ra Nam Định. Ông Nguyễn Sỹ Lãng – đời thứ 7 em ruột ông Ấn, sau khi đỗ Tú tài thì ra tận Thọ Hạc, Đông Sơn, Thanh Hóa tìm hiểu cụ thể, tìm ra gốc, nhận nhau là anh em, sau lễ bái tổ, ông Lãng đi Nam Định gặp ông Phan Huy Ích để hỏi thăm và nhờ ông Ích viết cho lời tựa năm Mâu Thân Tự Đức 21 (1869).

Ông Ích có tước Hồng Lô tự Khanh, chức Biện lý hình bộ sự vụ. (Ông Lan cũng không có điều kiện để tìm hiểu cụ thể chức sắc này), chỉ biết ông Ích là người nổi tiếng.

2)     Qua lời tựa, ta thấy gia phả họ ta rất đặc biệt, được tìm hiểu kỹ, tận gốc và có nhờ quan chức viết lời tựa – đó là điều rất quý.

3)     Lời tựa viết bằng chữ Hán từ thời Tự Đức, được nhà giáo Hoàng Nghĩa Quán dịch dễ hiểu, cụ thể, ngắn nhưng đủ ý. Thời gian ông Phan Huy Ích viết lời tựa (1869) đến nay là 153 năm. Ông Nguyễn Sỹ Lãng đã viết tiếp bia đá để tại nhà thờ Can Cụ, cùng với các đạo sắc, câu đối, trướng, hoành phi,… của các bậc tiền nhân là kho báu cho họ ta.

Con cháu có dịp về quê, ngoài thắp hương nghĩa trang cần tranh thủ đến 2 di tích để xem thêm lịch sử truyền thống dòng họ.

4)     Việc gốc họ ta ở Đông Sơn, Thọ Hạc, Thanh Hóa là có cơ sở. Có dịp họ nên tổ chức 1 đoàn đi khảo sát và tìm hiểu thêm. Nhánh ở Đô Lương và Hưng Dũng cần làm rõ thêm quan hệ huyết thống.

5)     Cần có thời gian giới thiệu Gia phả cho đại diện các Chi để hiểu thêm về dòng họ.

Xin cảm ơn bạn đọc bài viết này của tôi!

Hà Nội, ngày 20/9/2022. Ông Nguyễn Sỹ Lan, đời thứ 9 – Chi Can Cụ.

Tin tiêu điểm