Lược sử ông bà Nguyễn Sỹ Chấn, người khai sinh nền móng phát triển chi họ Can Cụ
Can Cụ Nguyễn Sỹ Chấn, đời thứ 6 dòng tộc Nguyễn Sỹ làng Tú Viên, Thanh Lương, Thanh Chương. Con út Nguyễn Sỹ Sắc, sinh năm 1784 ở Bắc Hà vào thời Lê Cảnh Hưng, còn ở Nam Hà đúng vào năm Nguyễn Huệ thắng vang dội đội quân Xiêm La tại trận Rạch Gầm- Xoài Mút.
LƯỢC SỬ ÔNG BÀ NGUYỄN SĨ CHẤN, NGƯỜI KHAI
SINH NỀN MÓNG PHÁT TRIỂN CHI HỌ CAN CỤ
Can Cụ Nguyễn Sỹ Chấn, đời thứ 6 dòng tộc Nguyễn Sỹ làng Tú Viên, Thanh Lương, Thanh Chương. Con út Nguyễn Sỹ Sắc, sinh năm 1784 ở Bắc Hà vào thời Lê Cảnh Hưng, còn ở Nam Hà đúng vào năm Nguyễn Huệ thắng vang dội đội quân Xiêm La tại trận Rạch Gầm- Xoài Mút.
Sau khi Quang Trung mất, triều Tây Sơn sụp đổ. Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi tiến hành cuộc trả thù tru di anh em nhà Tây Sơn rất tàn khốc. Lúc này Sỹ Chấn mới 18 tuổi, đang độ học hành tu thân bước vào đời. Bấy giờ anh thúc bá của mình là Nguyễn Sỹ Xung một võ tướng dưới tướng Quang Trung còn phải lặn lội ẩn tích ở vùng rừng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi chưa dám về quê nhà trước sự truy diệt của Gia Long.
Vốn tuổi trẻ hiếu học, thông minh muốn cống hiến nhiệt huyết cho đời, thấm nhuần đạo Nho Khổng Tử lại nhạy cảm chứng kiến thời thế nhiễu nhương loạn lạc ấy, Sỹ Chấn đành phải dẹp "trị quốc, bình thiên hạ" coi như "Sinh bất phùng thời" mà lui về "tề gia" giáo luyện cho cái học hành tu đức rèn tài; kỳ vọng vào tử tôn thực hiện chí nguyện mình còn bỏ dở. Ở văn bia tạc: "Tính ngay thật, cẩn trọng, ham học; lớn lên gặp thời loạn phải lánh ở nơi rào dậu, rộng đọc thi thư, lấy phép tắc lễ nghi rèn cặp con cái trong nhà". Trong phổ tộc từ năm 1864 ghi về Nguyễn Sỹ Chấn: "Tính tình ôn nghị, thích đọc sách, hiểu nhiều kinh sử lại tinh thông y thuật, địa lý, thường coi bệnh cứu người nhưng không lấy bốc thuốc làm nghề, chỉ lấy việc dạy con cái học hành làm vui, hoà mục với họ hàng, nghiêm nghị với gia đình".
Hoàn cảnh ra đời lý giải cho hậu thế tại sao Nguyễn Sỹ Chấn phải lánh về nơi "rào dậu" vắng vẻ khuất khoáng để trồng người và những dòng ghi tạc ở văn bia, tộc phổ đã khái quát tiềm năng bản tính của Người.
Can Cụ bà:
Nguyễn Thị Lộc huý là Duyên, con hiệu sinh Nguyễn Đình Xán là chắt tiến Sỹ thượng thư họ Nguyễn ở thôn Cồn Mởn làng Văn Giai - Thanh Khai. Anh và em trai mẹ Thị Lộc là Cử nhân, Tú tài thời Lê. Sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng thi thư, từ nhỏ tiểu thư này đã đựơc học hành chữ nghĩa, khuôn phép gia phong. Tuy kém Sỹ Chấn 8 tuổi vẫn "ưng" và được thân sinh gả lúc vừa lên 18 tuổi. "Tính bà chăm chỉ, cần kiệm, cẩn thận lại có hiếu lễ kính trọng bề trên... Con trai đọc sách, con gái dệt giành, trong nhà luôn luôn êm ả, nền nếp, giữ gìn gia phong" như tộc phổ và văn bia lưu lại.
Hai ông bà sinh 6 con trai thọ 3 gồm:
1. Nguyễn Sỹ Nguyên : chuyên tâm học hành thông tường kinh sử có biệt tài nghề y, chữa bệnh đậu mùa nổi danh bấy giờ.
2. Nguyễn Sỹ Ấn: đậu Phó bảng năm 26 tuổi làm quan thăng đến chức:"Phụng thành đại phu Hàn Lâm thị Giảng sung sứ quán biên tu". (Trích sắc phong thứ 4 của vua Tự Đức năm thứ 5 - 1852).
3. Nguyễn Sỹ Lạng: còn có tên Nguyễn Thúc Hoằng đậu liên Tú tài và cử nhân khoa Canh ngọ 1870 ( theo khoa bảng Nghệ An xuất bản 1075-1919 trang 278 và hồ sơ di tích nhà thờ họ Nguyễn Sỹ làng Tú Viên - Thanh Lương - Thanh Chương, Nghệ An ở trang 6 ). Nhưng không ra làm quan, về nhà dạy học nhiều chí Sỹ yêu nước vùng Nghệ Tĩnh thời đó là học trò của ông, trong đó có giải nguyên, chí Sỹ yêu nước Phan Bội Châu.
5 con gái thọ 3 gồm:
1. Nguyễn Thị Bích lấy Tú tài Đỉnh (Hàn Đỉnh) họ Võ trong làng.
2. Nguyễn Thị Oánh lấy hương đồ Thanh người họ Bùi Xuân Bảng - Thanh Yên.
3. Nguyễn Thị Phu chồng là Tú tài Phan Văn Từ-Võ Liệt-Thanh Chương, nhà này 3 anh em trai đều đậu tú tài.
Cuộc tình duyên của ông bà Can Cụ thật là nồng thắm, xây dựng một gia đình hạnh phúc êm đẹp. Hai vị đã keo sơn cùng thực hiện sự nghiệp trồng người "làm ăn gia nghiệp hơi khá giả" (trích tộc phổ) đủ nuôi con trai cũng như gái học hành nghề nghiệp thành đạt, cho đến khi hai ông bà rủ nhau ra đi một lúc: ông vào mồng 5, bà vào mồng 7 tháng 10 năm Giáp Thìn 1844 và được hàng tổng cùng làng xã, gia tộc song táng tại núi Thòi Lòi chốn mà 2 vị đã lựa chọn làm nơi yên nghỉ cho mình và con cháu mai sau quây quần khi tổ tiên và 2 vị gọi xuống. Ông bà cũng là người khai huyệt đầu tiên cho nghĩa trang dòng họ Nguyễn Sỹ sau này. Vợ chồng đi về cõi âm một lần để không ai phải chịu cảnh goá bụa thực hiện được "đắc tử đắc táng." Không phải ai cũng được trời ban như vậy.
Tài sản quý hơn châu báu ngọc ngà ông bà Can Cụ để lại, không chỉ là dòng máu thông minh, những người con thành đạt dâng hiến cho đời còn là nền nếp gia phong, là nguyên tắc, phương pháp tạo tác con người; nguyên tắc sống đối với mình, ứng xử với bậc sinh thành, với người thân, với cộng đồng cho ích nước lợi nhà, lợi người lợi ta. Hai vị là tấm gương soi, là người khai sinh, đặt nền móng cho chi họ phát triển suốt trên 160 năm nay, vì vậy con cháu Can ngày càng sinh sôi nảy nở tiến triển vững bền; các bậc cao niên thượng thọ, thượng thượng thọ, đại thọ ngày càng nhiều, kinh tế ngày càng khấm khá, học hành tấn tới giỏi dang, tài năng được thăng hoa. Tuy là chi út cùng của họ Nguyễn Sỹ mà được cả dòng họ suy tôn, thời nào, đời nào cũng trở thành bậc cha chú công minh đúng đắn chèo lái con thuyền gia tộc đi đúng hướng, đúng trào lưu phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy hành trình tiến lên của quê hương trong cao trào cách mạng cả nước.
Nguyễn Sỹ Ba - Đời Thứ 9