Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Tình Nghĩa gia đình Bác Hồ với một chi họ

TÌNH NGHĨA GIA ĐÌNH BÁC HỒ VỚI MỘT CHI HỌ

Tháng 7 -1927, Nguyễn Sỹ Sách sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự huấn luyện, có ý tìm tung tích người bà con họ quê ở Kim Liên, lúc nhỏ gọi là Nguyễn Sinh Công(Cung). Nghe cha mình kể là Công thỉnh thoảng theo anh là Khiêm lên chơi, bà con hay gọi đùa hai anh em là Khơm Công (lái lại là không cơm, muốn nói nhà nghèo). Nghe tin người ấy đang hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Không gặp may, vào thời điểm đó đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã rời Trung Quốc.

Bác Hồ (ảnh: Bùi A)

TRUYỀN THỐNG MỘT DÒNG HỌ

Họ Nguyễn Sỹ ở thôn Tú Viên, tổng Xuân Lâm (nay là xã Thanh Lương, Thanh Chương) là một vọng tộc có nhiều người nổi tiếng như Trung công Tiết chế Nguyễn Sỹ Sung được vua Quang Trung phong hai đạo sắc khen, phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn làm chức Thị giảng,… Thời Cần Vương, thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhiều con cháu họ hăng hái tham gia, Liệt sỹ cách mạng tiền bối Nguyễn Sỹ Sách là con cháu dòng họ ấy. Nhà thờ họ là nơi thành lập, hội họp của các đảng bộ cộng sản huyện, tổng, xã thời Xô Viết, cùng với nhà thờ Nguyễn Sỹ Ấn, Nguyễn Sỹ Sách đều được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Không rõ dòng họ Nguyễn Sỹ ở Tú Viên có cùng gốc tổ với dòng Nguyễn Sinh ở Kim Liên không, chỉ thấy hai họ này đi lại với nhau rất mật thiết. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào học ở Huế đưa cả vợ con vào, gia đình ông Nguyễn Sỹ Ấn đã hết lòng giúp đỡ. Ông Nguyễn Sinh  Khiêm lúc nhỏ băng đường 7 ki lô mét lên học ở Tú Viên và lớn lên thường qua lại vùng này bốc thuốc chữa bệnh. Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ còn treo đôi câu đối của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tặng: “Lưu Tú Viên bồi công đức thụ. Hồi Xuân Lâm trưởng tử tôn chi” (Ở lại thôn Tú Viên vun cây công đức. Về tổng Xuân Lâm nhớ con cháu chi họ).

Ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng có bài thơ tặng họ:

Muôn thuở công thành danh hiển đạt

Nghìn thu đức sáng họ phồn vinh

Nối nghiệp tổ tiên truyền cẩm tú

Noi gương con cháu quyết học hành”.

NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ

Nguyễn Sỹ Sách nhà nghèo, phải vừa làm gia sư vừa học Cao đẳng tiểu học ở Vinh. Ở đây, anh đã cùng Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt kết thành nhóm đọc sach báo tiến bộ, tham gia bãi khóa phản đối giáo viên người Pháp sỉ nhục học sinh Việt Nam. Đậu thành chung, anh được bổ đi dạy ở Hà Tĩnh, nổi tiếng là thầy giáo mô phạm. Biết anh tham gia hội Phục Việt, bọn cầm quyền gây khó dễ, chuyển anh vào Phú Vang. Mấy tháng sau, anh xin sang ngành đường sắt để dễ hoạt động cách mạng.

Khi Tưởng Giới Thạch trở mặt, bắt giữ các chiến sỹ của ta ở Trung Quốc, Tổng bộ “Thanh niên” ở Quảng Châu chủ trương ở nước nhà lên tiếng đấu tranh, Nguyễn Sỹ Sách đã cùng một số anh em viết, in truyền đơn kêu gọi Hoa kiều điện về nước đấu tranh đồi chính phủ Tưởng trả tự do cho các nhà cách mạng Việt Nam.

Sau khi học xong lớp huấn luyện về “Đường cách mệnh” cuối năm 1927, anh được kết nạp vào “Cộng sản đoàn” , rồi vào Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Trở về nước, anh lại được cử vào Trung ương Đảng Tân Việt, trực tiếp làm bí thư kỳ bộ Trung kỳ. Anh phải đi lại nhiều lần trong ngoài nước vận động thống nhất Tân Việt với “Thanh niên”, đi tổ chức cơ sở được 6 đảng bộ tỉnh và một số hội quần chúng. Tháng 5/1929, anh được cử  đi dự Đại hội Thanh niêm cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu và đã cùng đoàn Bắc kỳ bỏ về nước vì không thỏa mãn đòi hỏi thành lập ngay Đảng cộng sản. Tháng 2/1929, không may trên đường đi công tác, anh bị giặc bắt, kết ánh tử hình, sau xuống chung thân, đày đi Lao Bảo.

KHÍ TIẾT TRONG TÙ

Chế độ nhà tù Lao Bảo rất hà khắc dã man. Tù nhân bị cùm chân xích tay suốt ngày, chỉ trừ khi đi lao động khổ sai. Công việc lao động rất khó nhọc, cai tù đánh đập vô tội vạ. Ăn thì cơm hẩm cá mốc. Những người tù quan trọng phải nhốt ở tầng hầm càng cực khổ.

Ngày 18/12/2029, tù nhân cả trại đồng loạt tuyệt thực đấu tranh, Nguyễn Sỹ Sách là một trong những người lãnh đạo, lại giỏi tiếng Pháp, đứng ra đấu tranh lý lẽ với sếp lao. Tối hôm đó, tên sếp lao áp giải anh xuống hầm để trị người đứng đầu. Đi qua bàn giấy tên đồn trưởng, Nguyễn Sỹ Sách bước chậm lại, cố nói to cho tên đồn trưởng nghe rõ chuyện. Tên sếp lao xô anh dúi dụi, anh chống lại, bị bọn lính mượn cớ bắn gục xuống. Trước khi chết, anh còn gượng dậy hô to: “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm! Đảng Cộng sản thế giới muôn năm!”.

Được tin Nguyễn Sỹ Sách bị giết, cả trại giam Lao Bảo sôi sục căm thù, đấu tranh tuyệt thực. Tổng bộ “Thanh niên” ở nước ngoài đã thông tri đi các nơi trong và ngoài và ngoài nước làm lễ truy điệu. Cuộc đấu tranh của anh em tù Lao Bảo kéo dài một năm, buộc bọn cầm quyền phải nới lỏng bớt hà khắc. Mọi người coi thắng lợi đó là nhờ sự hy sinh của Nguyễn Sỹ Sách, người con trung hiếu, kiên cường của dân tộc và của dòng học Nguyễn Sỹ ở Tú Viên. Vợ của anh là Nguyễn Thị Hồng cũng được dòng họ và nhân dân quý mến vì ở vậy nuôi người con gái duy nhất cho đến hết đời ở tuổi ngoại 90,…

Theo Báo Nhân dân hàng tháng, Số 75/tháng 7-2003.

Báo Nhân Dân số 75/7-2003

Tin tiêu điểm