Dòng họ giàu truyền thống cách mạng và khuyến học
Nghệ An có gần 6 ngàn Dòng họ hiếu học, trong đó phải kể đến những miền quê có nhiều Dòng họ hiếu học như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô lương, Thanh Chương.v.v. Dòng họ nào cũng đáng quý đáng yêu bởi ở đấy hiện diện của những người cùng huyết thống, dù cùng chung sống trên một vùng quê, hay nơi khác thì đều hướng về Tiên Tổ, về nguồn cội, cùng chung lưng đấu cật xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương phồn thịnh. Mỗi một dòng họ có diện mạo khác nhau, để tạo nên đặc trưng của dòng họ ấy.
DÒNG HỌ GIÀU TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG VÀ KHUYẾN HỌC
Một trong những dòng họ giàu truyền thống cách mạng, khoa bảng, khuyến học và hiếu học đó là Dòng họ Nguyễn Sỹ, ở xã Thanh Lương huyện Thanh Chương.
Ngược từ Vinh, theo đường Hồ Chí Minh khoảng dăm chục cây số, phía tả ngạn Sông Lam, đến nhà thờ Nguyễn Sỹ được xây dựng trên 400 năm, là nơi thờ Cụ Tổ Nguyễn Sỹ Tích, quê ở làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Đất lành chim đậu hai cụ vào đây đã lập nghiệp tại làng Tú Viên thuộc xã Thanh Lương.
Trước cách mạng Tháng Tám các bậc tiền bối Dòng họ Nguyễn Sỹ đã có truyền thống yêu nước và hiếu học. Các cụ Nguyễn Sỹ Ân đậu Phó bảng năm 1884, Nguyễn Sỹ Lạng đậu cử nhân năm 1870; bốn cụ tú tài, 7 cụ khoa tam tràng.v.v. Các anh hùng hào kiệt của dòng tộc thời đó là cụ Nguyễn Sỹ Xung, Nguyễn Sỹ Quyển, Nguyễn Sỹ Biểu, Nguyễn Sỹ Vơn.v.v. Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ cũng là nơi hội tụ của giới sỹ phu yêu nước tổng Xuân Lâm vào cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX.
Làng Tú Viên, một trong những làng nhạy bén, đã sớm lập Ban khuyến học để phát động viên nhân dân học chữ Quốc ngữ. Trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là nơi dạy và học chữ Quốc ngữ cho mọi người. Họ đã tổ chức được 5 lớp học với 60 học viên. Nguyễn Sỹ Diệu, Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Sỹ Nghi thay nhau làm thầy giáo dạy học. Các lớp học là nơi phổ biến thơ ca cách mạng và bàn luận tham gia cách mạng.
Người con tiêu biểu của Dòng họ Nguyễn Sỹ là Nguyễn Sỹ Sách, 17 tuổi đậu bằng Thành chung, là người cộng sản đầu tiên của huyện Thanh Chương. Năm 1929 ông là Bí thư xứ ủy Trung kỳ một tổ chức cách mạng Thanh niên Đồng chí hội, tiền thân của tổ chức Đảng cộng sản ngày này. Ông bị giặc pháp bắt giam và ông đã hy sinh anh dũng ngày 19/12/1929 lúc tròn 24 tuổi.
Qua hàng trăm năm xây dựng và phát triển, đến nay Dòng họ đã phát triển phồn thịnh; với 490 hộ gia đình, trên 2,5 ngàn nhân khẩu ở khắp mọi miền đất nước. Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Sỹ và Nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách được Nhà nước phong tặng và cấp Bằng Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1997.
Trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, con cháu dòng họ Nguyễn Sỹ đã nêu cao tinh thần dũng cảm đánh giặc giữ nước, toàn dòng họ đã hy sinh 39 liệt sỹ, 126 thương bệnh binh.
Con cháu dòng họ Nguyễn Sỹ hiện nay đang giữ chức vụ trọng trách trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Các ông Nguyễn Sỹ Dương, Đại tá, Chủ nhiệm Văn phòng An ninh quốc gia; Nguyễn Sỹ Đồng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước; Nguyễn Sỹ Hạp, Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế Trung ương; Nguyễn Sỹ Dũng, Tiến sĩ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Sỹ Cảnh, Đại tá, Cục trưởng Cục An ninh.v.v.
Con cháu Dòng họ Nguyễn Sỹ, nhiều người có học hàm học vị như Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyễn Sỹ Đạm, Nguyễn Sỹ Minh, Nguyễn Sỹ Long, Nguyễn Sỹ Hạp.v.v. Nhiều con cháu là thạc sỹ, cử nhân đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp; có trên 100 con cháu đang theo học các trường đại học, cao đẳng.
Phát huy truyền thống hiếu học của các bậc tiền bối, năm 1995 Dòng họ Nguyễn Sỹ đã thành lập Ban khuyến học khuyến tài gồm 13 thành viên. Ông Nguyễn Sỹ Hội, Trưởng tộc làm Trưởng ban, ông Nguyễn Sỹ Thế, làm thư ký và các ủy viên. Sau năm 2003 dòng họ Nguyễn Sỹ kiện toàn Ban khuyến học Dòng họ theo hướng dẫn của Hội khuyến học các cấp. Ban khuyến học Dòng họ Nguyễn Sỹ đã đẩy mạnh phong trào thi đua Gia đình hiếu học theo 3 tiêu chuẩn của Trung ương Hội, hàng năm đã tổ chức phát động và bình chọn danh hiệu gia đình hiếu học, trong đó nêu gương các gia đình hiếu học tiêu biểu có con vượt khó học giỏi.
Ông Nguyễn Sỹ Hội, Trưởng tộc làm Trưởng ban khuyến học cho chúng tôi biết: “...Tại quê nhà, hay xa quê hoàn cảnh gia đình tuy khác nhau, nhưng đều đã phát huy truyền thống hiếu học của Dòng, cha mẹ đã thắt lưng buộc bụng, đã vượt qua khó khăn, tiết kiệm, chăm lo sản xuất, kinh doanh, giành cho con những thuận lợi nhất để con cái được học hành chu đáo, học giỏi và thành đạt. Đó là những Gia đình hiếu học tiêu biểu. Gia đình bà Nguyễn Thị Tình, xóm 8, chồng mất sớm, nhà nghèo vẫn cho con theo học và học giỏi; gia đình ông Nguyễn Sỹ Ba, xóm 8, làm nông nghiệp, kinh tế eo hẹp, có 5 con tốt nghiệp đại học; gia đình ông Nguyễn Sỹ Hòe, xóm 2, nhà quá nghèo, có 2 con tốt nghiệp đại học; gia đình ông Nguyễn Sỹ Đường, đều là công nhân, khó khăn về kinh tế 2 con vẫn học giỏi, đi du học ở Pháp; gia đình ông Nguyễn Sỹ Thể cuộc sống cũng khó khăn, 9/18 cháu nội ngoại đã tốt nghiệp đại học; gia đình ông Nguyễn Sỹ Sơn, xóm 8 có 1 con là tiến sĩ và 4 con tốt nghiệp đại học; gia đình ông Nguyễn Sỹ Hùng ở Nghĩa Đàn làm nghề tiểu thương có 2 con tốt nghiệp đại học; gia đình ông Nguyễn Sỹ Minh cha mẹ tốt nghiệp đại học và 2 con cũng tốt nghiệp đại học."
Ban khuyến học Dòng họ Nguyễn Sỹ đã có chương trình hoạt động, phân công các thành viên phụ trách các chi, các khu vực để nắm và theo dõi tình hình học tập của con cháu. Trường hợp gia đình quá khó khăn con em bỏ học, Ban đã tích cực tuyên truyền vận động, do đó con cháu dòng họ trở lại trường, đến nay không có trường hợp nào bỏ học.
Hàng năm theo định kỳ 2 lần Ban khuyến học sơ kết và làm lễ tuyên dương khen thưởng cho các cháu học sinh học giỏi, tặng giấy khen có kèm tiền thưởng. Vào ngày 26/6 âm lịch hàng năm, nhân dịp “Tháng khuyến học”, giỗ Tổ, Ban khuyến học khen thưởng học sinh mầm non và phổ thông. Rằm Tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngày đại lễ Tổ tiên, nhân dịp “Tết khuyến học”, Ban khuyến học khen các học sinh đậu đại học, cao đẳng. Những con cháu đến ngày cưới vợ, lấy chồng, học hành đỗ đạt, đi làm nghĩa vụ quân sự đã về nhà thờ Đại tôn thắp hương báo công và có lời hứa tâm linh với Tiên Tổ.
Thực hiện quy chế Quỹ khuyến học các cấp, Ban Khuyến học Dòng họ Nguyễn Sỹ đã đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển Quỹ khuyến học của Dòng họ. Động viên con cháu toàn dòng họ trong các ngày đại lễ, thực hiện công đức ủng hộ Quỹ khuyến học, nhất là con cháu thành đạt kinh tế khá giả đã đóng góp Quỹ khuyến học. Tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Sỹ Quang, công tác ở Hà Nội đã đóng góp 10 triệu đồng; gia đình anh em Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyễn Sỹ Ngọc công tác tại Hà Nội hàng năm đã về đóng góp hàng chục triệu đồng Quỹ khuyến học.v.v. Một số con cháu khác trong các ngày đại lễ của Dòng họ cũng đã tham gia đóng góp hàng trăm ngàn đồng Quỹ khuyến học. Nhờ vậy Quỹ khuyến học của Dòng họ Nguyễn Sỹ hiện nay đang có 11 triệu đồng gửi ngân hàng.
Phát huy truyền thống hiếu học của các bận tiền bối Dòng họ Nguyễn Sỹ đã liên tục pháp động, duy trì phong trào khuyến học của dòng họ đi vào nề nếp. Dòng họ ở nông thôn cũng như thành thị, dù cuộc sống còn nghèo, kinh tế khó khăn nhưng vẫn một lòng chăm lo cho con em học hành đến nơi đến chốn. Ban khuyến học Dòng họ đã có kế hoạch chương trình hoạt động hiệu quả, chất lượng, nhờ vậy đã giữ vững phong trào chăm ngoan, học giỏi trong toàn thể con cháu...”.
Ông Nguyễn Sỹ Lan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, thành viên Gia đình hiếu học tiêu biểu của Dòng họ Nguyễn Sỹ nhấn mạnh: “...Trong quá trình hoạt động, Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Sỹ luôn tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, Hội Khuyến học để tạo nên hiệu quả thiết thực. Dòng họ Nguyễn Sỹ đã xây dựng Kế hoạch hoạt động khuyến học, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch; tập trung xây dựng phong trào Gia đình hiếu học, Quỹ khuyến học, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, khen thưởng con cháu học giỏi, đậu đạt cao; nhạy bén phát động phong trào bám sát vào các chủ đề thi đua “Tết khuyến học”, “Tháng khuyến học” do Hội Khuyến học tỉnh, huyện phát động...”.
Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội; phong trào khuyến học ở Dòng họ Nguyễn Sỹ, làng Tú Viên, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương - một Dòng họ hiếu học tiêu biểu đã tạo nên diện mạo đặc tả, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng xã hội học tập trên quê hương ta./.
Thanh Giang
Nghean.gov.vn