Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Nguyễn Sỹ Xung, vị tướng Tây Sơn 200 năm nằm trong ống

Tôi đặt lên bàn giáo sư, nhà sử học Phan Huy Lê bộ ảnh chụp các đạo sắc của vua Lê Hiến Tông, Thái Đức Nguyễn Nhạc, Quang Trung Nguyễn Huệ phong cho tướng Nguyễn Sỹ Xung. GS Phan Huy Lê không giấu được vẻ vui mừng, ông nói: "Tôi chưa từng nghe nói đến viên tướng này". Sau khi xem kỹ các tài liệu, GS nói tiếp: "Rất quý, rất quý. Anh nên công bố ngay, công bố ngay".

NGUYỄN SỸ XUNG, VỊ TƯỚNG TÂY SƠN 200 NĂM NẰM TRONG ỐNG

Tôi đặt lên bàn giáo sư, nhà sử học Phan Huy Lê bộ ảnh chụp các đạo sắc của vua Lê Hiến Tông, Thái Đức Nguyễn Nhạc, Quang Trung Nguyễn Huệ phong cho tướng Nguyễn Sỹ Xung. GS Phan Huy Lê không giấu được vẻ vui mừng, ông nói: "Tôi chưa từng nghe nói đến viên tướng này". Sau khi xem kỹ các tài liệu, GS nói tiếp: "Rất quý, rất quý. Anh nên công bố ngay, công bố ngay".

200 năm nằm trong ống

Tháng 3 - 1997, tôi cùng Nguyễn Sỹ Văn, một người bạn về quê anh ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tiếng quê Nghệ, nhưng 43 tuổi Sỹ Văn mới biết quê cha đất tổ. Họ tộc vẫn còn một cụ bà 94 tuổi, con dâu đầu cụ ấm Tiết (quan tham tri tuần phủ thời Tự Đức). Ông trưởng họ, một nông dân lam lũ, thay bộ đồ tươm tất, dẫn chúng tôi lên thượng đường nhà thờ đại tôn, một kiến trúc có từ năm 1780, dựng theo kiểu "nhất gian, nhị hạ", các cột gỗ chạm long, li, qui, phượng. Ông trưởng họ lấy từ trên trang thờ xuống một ống quyển còn dấu sơn son, thắp ba nén nhang, khấn vái rồi từ từ mở nắp. Ông chật vật rút ra một cuộn giấy báo cũ, màu vàng, có in nổi hình rồng, chữ Nho viết mực tàu hãy còn sắc nét. Đặc biệt con ấn đỏ gần như vẫn tươi nguyên. Đó là các đạo sắc của vua Lê Hiến Tông, Thái Đức Nguyễn Nhạc, Quang Trung Nguyễn Huệ.

Một đạo sắc của vua Quang Trung được dịch: Sắc cho Nguyễn Sỹ Xung, người xã Hoa Lâm, chức vụ trung tướng phó chiến, đã phò vua tập trung huy động quân lính, luyện tập giỏi, chỉ huy anh dũng, trung khiết, dũng cảm, nay phong tráng tiết tướng quân. Tái thưởng sắc, Quang Trung năm thứ 5 (ngày 5-10-1792). Đây là những bản dịch thoát, có chỗ chưa chuẩn, theo GS Phan Huy Lê, dịch đúng thì đạo sắc này của Quang Trung gọi ông Nguyễn Sỹ Xung là trung tả cơ phó chiến và đạo sắc này đã chuẩn ban ông chức trung uý (một cấp hàm cao cấp trong quân đội Quang Trung ), và gia phong ông hiệu anh dũng tướng quân và phong cho ông Xung tước hầu.

Ông trưởng họ kể: các đạo sắc này được các bậc tiền bối bỏ trong ống quyển, giấu trong một xà ngang đục lộng của nhà thờ họ, vì ông Xung phải giấu tung tích khi nhà Gia Long lấy lại ngôi nhà Tây Sơn. Mãi tới năm 1989, họ Nguyễn Sỹ tu bổ nhà thờ, xà nhà gỗ mít sau 200 năm mục rớt xuống, rơi ra cái ống quyển quý giá đó. Mấy năm sau, họ có tiền bèn thuê dịch thêm bản gia phả và cho dịch luôn các đạo sắc này mới phát hiện ra một ông tướng Nguyễn Sỹ Xung từng làm vẻ vang cho dòng họ.

Tướng Nguyễn Sỹ Xung và trận Đống Đa năm Kỷ Dậu.

Cũng tháng 3 - 1997, tôi ra Hà Nôi, được một người bạn tên là Nguyễn Sỹ Dũng công tác ở Văn phòng Quốc hội cho mượn bản dịch gia phả và cho coi tờ trình của xã Thanh Lương xin công nhận nhà thờ Nguyễn Sỹ là "di tích lịch sử văn hóa". Tờ trình viết: Danh tướng Nguyễn Sỹ Xung tức Nguyễn Sỹ Lạng (1740-1826), tham gia 18 năm trong quân đội triều Hậu Lê. Giữ chức thứ hai trong sáu chức quân đội. Ông được vua Lê Hiến Tông phong hai đạo sắc năm Nhâm Dần. Khi vua Lê Chiêu Thống nối ngôi, rước quân Thanh về đô hộ nước ta, ông trút bỏ xiêm áo, về quê, theo nghĩa quân Tây Sơn. Ông được Thái Đức Nguyễn Nhạc thưởng sắc năm 1789. Sau đó được Quang Trung chọn làm ưu binh cận thần, giúp chiêu tập binh sĩ vùng Nghệ An. Cuộc hành quân từ Phú Xuân và từ Nghệ An ra đánh Ngọc Hồi (năm Kỷ Dậu), ông đã vạch ra chiến thuật hành quân với tốp lính ba người. Cứ một người nằm võng, hai người khênh, khi thấm mệt, người nằm khênh thay cho một trong hai người kia...Người thảo tờ trình này là ông Nguyễn Sĩ Mãi. Ông Mãi đang có tham vọng noi gương cụ ấm Tiết viết tiếp gia phả họ Nguyễn Sỹ. Ông Mãi cho biết: về cuộc hành quân thần tốc năm Kỷ Dậu, chủ yếu ông nghe các cụ kể lại, các cụ nói: "Họ nhà ta trước có một ông là tướng thời Tây Sơn, và chính ông là người đã góp mưu giúp vua Quang Trung chuyển quân nhanh ra thành Thăng Long".

Sắc Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Sắc Vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc

Sắc Vua Cảnh Hưng - Lê Hiển Tông

Theo GS Phan Huy Lê, thời Tây Sơn gần như không có chính sử. Thời Nguyễn có chép lại nhưng rất ít. Trong điều kiện đó, lịch sử truyền khẩu rất có ý nghĩa, nhưng nó chỉ thuyết phục các nhà khoa học khi kèm theo các chứng cứ khác. Về Nguyễn Sỹ Xung, gia phả viết: Nghe chú bác thuật lại, cố Lãng (tức Nguyễn Sỹ Xung) tính tình dũng cảm, đi lính lập công, được vua Lê Cảnh Hưng phong tráng liệt tướng quân. Gặp quan Tây Sơn, có lệnh hiệp đồng vua Quang Trung ra Bắc đánh quân Thanh, lấy lại thành Thăng Long. Thời Nguyễn, ông ẩn ở rừng Quảng Nam, bốn năm sau mới về...

Chứng cứ quan trọng và có lẽ là trực tiếp nhất là đạo sắc năm Kỷ Dậu của vua Quang Trung sắc cho ông, thì theo ông trưởng họ, do giấy bản thời Quang Trung quá mỏng, lại để lâu ngày, khi lấy ra (1989) đã mục nát. Ông Mãi nói: "Lúc đó đạo sắc này vẫn còn đọc được một phần, các cụ biết chữ Nho trong làng nói ông Nguyễn Sỹ Xung được vua Quang Trung giao cho việc tải dực của quân đội. Sắc phong chủ yếu ngợi khen công lao này".

Cơ hội làm rõ một nghi vấn trong lịch sử

Về cuộc hành quân này, Hoàng Lê nhất thống chí viết: Ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), đại binh của Quang Trung tới Nghệ An...Hôm sau Quang Trung hạ lệnh tiến quân. Sách Lê triều dã sử thì chép cụ thể: Khi tiến quân ra Thăng long, vua Quang Trung bày cho quân lính cứ ba người một tốp thay phiên võng nhau đi, thành ra quân trẩy đi liên miên không phải dừng lại mà ai nấy đều lần lượt được nghỉ.

Cuộc hành quân thần tốc này của Quang Trung cho đến nay vẫn là một nghi vấn của lịch sử.GS Phan Huy Lê cho biết, thượng tướng giáo sư Hoàng Minh Thảo đã từng thực nghiệm từ Thanh Hóa ra Tam Điệp. Một đơn vị vừa đi vừa nghỉ, một đơn vị đi theo "kiểu vua Quang Trung". Kết quả tốc độ hành quân bằng nhau, nhưng đơn vị vừa đi vừa nghỉ thì sức khoẻ tốt hơn. Tuy nhiên, theo GS Lê, dù là dã sử, bao giờ cũng có nguyên cớ. Có thể cách hành quân vừa đi vừa võng có được áp dụng cho một bộ phận nào đó của cuộc hành quân, và nhân dân đã truyền tụng để giải thích cho cuộc hành quân của cả đại binh. Trên thực tế, các chiến thuyền lớn của Quang Trung đã đi trước ra thẳng Tam Điệp. Những nơi mà Quang Trung xuất hiện như Nghệ An, Tam Điệp đã được các viên tướng địa phương chuẩn bị sẵn. Sự phát hiện ra viên tướng Nguyễn Sỹ Xung càng củng cố thêm lập luận này, vì theo GS Lê: "Nếu không có các viên tướng địa phương, Quang Trung khó có thể trong vài ngày tuyển được hàng vạn quân ở Nghệ An". Hoàng Lê nhất thống chí viết: Vua Quang Trung mừng lắm, liền sai đại tướng là Hán Hổ hầu kén lính ở Nghệ An, cứ ba đinh lấy một, chưa mấy lúc đã được hơn vạn quân tinh nhuệ.

Tháng 10 - 1997, trở lại Nghệ An, tôi được tin nhà thờ họ Nguyễn Sỹ đã được công nhận di tích. Nhưng nhân vật tướng Nguyễn Sỹ Xung thì chưa có nhà sử học nào để ý đến. Bản gốc gia phả và các đạo sắc, nếu được dịch chuẩn xác cùng với các văn bia lưu lại tại nhà thờ có thể sẽ cung cấp thêm nhiều tư liệu quý. Theo lời khuyên của GS Phan Huy Lê, tôi chỉ viết bài này như một gợi ý cho các nhà sử học.

 

 

Baonghean.vn

Tin tiêu điểm