Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Lưu giữ, bảo quản, tôn tạo nhiều hiện vật, di tích quý hiếm tại Dòng họ Nguyễn Sỹ

LƯU GIỮ, BẢO QUẢN, TÔN TẠO NHIỀU HIỆN VẬT, DI TÍCH QUÝ HIẾM TẠI DÒNG HỌ NGUYỄN SỸ

Dòng họ Nguyễn Sỹ thôn Tú Viên, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là dòng họ có truyền thống tốt đẹp, cũng như đã và đang lưu giữ, bảo quản nhiều hiện vật quý hiếm có giá trị lớn về lịch sử, văn hoá. Theo Gia phả dòng họ bản gốc bằng chữ Hán do cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng lập năm Tự Đức thứ 21 (1869), được bổ sung năm Bính Ngọ Thành Thái thứ 18 (1906), ông thủy tổ Nguyễn Sỹ Tích từ Thọ Bạc, Đông Sơn, Thanh Hóa đã vào mảnh đất Tú Viên này sinh cơ lập nghiệp khoảng trên 450 năm, đến nay đã trải qua 15 đời.

Bên cạnh truyền thống cách mạng và hiếu học, dòng họ còn coi trọng lưu giữ, bảo quản, tôn tạo nhiều hiện vật, di tích quý hiếm.

Trừ ngôi mộ đời thứ 1 bị thất truyền, còn mộ phần từ đời thứ 2 đến nay đều được dòng họ gìn giữ, nhiều ngôi mộ đã có trên 400 năm như mộ của Võ tướng đời Quang Trung Nguyễn Sỹ Xung, phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn, cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng...

Nhà thờ Đại tôn của dòng họ có cách đây trên 200 năm, nhà thờ ông Tú tài Nguyễn Sỹ Điếu (Can Định) làm năm 1831, nhà thờ ông Nguyễn Sỹ Sắc từ năm 1850, nhà thờ ông Nguyễn Sỹ Chấn làm năm 1852. Các nhà thờ này đều có tuổi trên 160 năm. Đặc biệt, nhà thờ ông Nguyễn Sỹ Chấn có cấu trúc thời Nguyễn - Thiệu Trị, đến nay còn nguyên vẹn, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, có cấu trúc, chạm trổ đặc trưng...

 Dòng họ còn lưu giữ 1 mũ tướng của vua Quang Trung ban cho, cùng nhiều đạo sắc thời Lê, thời Nguyễn, thời Tây Sơn, đặc biệt là các đạo sắc phong tướng, phong thưởng của vua Quang Trung cho ông Võ tướng Nguyễn Sỹ Xung. Các đạo sắc quý hiếm này đã được công bố trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 85 ngày 25/9/2006 và được trưng bày trang trọng tại phòng trưng bày Khu đền thờ Quang Trung tại thành phố Vinh, được in trong cuốn sách Sắc phong Nghệ An (NXB Nghệ An - 2012).

Mũ tướng của Vua Quang Trung ban cho Võ tướng Nguyễn Sỹ Xung

Nhà thờ họ còn lưu giữ bức hoành phi đề chữ “Thư Thi Trạch”, các câu đối của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác Hồ), tiến sỹ Nguyễn Đình Điển, cụ Phan Bội Châu bái tạ tặng thầy giáo Nguyễn Thúc Hoằng và phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn; các câu đối của phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn, cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng, tú tài Nguyễn Sỹ Giản, một số đã được in trong cuốn Câu đối xứ Nghệ (NXB Nghệ An, tập 1, năm 2005); bia đá bằng chữ Hán còn rõ nét, có nhiều giá trị lịch sử do cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng đề bia và tạo lập ngày 20 tháng giêng năm Giáp Ngọ - Thành Thái thứ 6 (1894); gia phả bằng chữ Hán dày trên 50 trang khổ A4 được lập năm Tự Đức 21 (1869) và bổ sung năm Bính Ngọ Thành Thái thứ 18 (1906), ghi chép rõ các sự kiện, nhân vật để giúp dòng họ và Hội đồng khoa học có căn cứ xác nhận để đề nghị công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Đặc biệt, nhà thờ còn gắn với khu lưu niệm liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách. Đây là nơi gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng, nơi địch trực tiếp bắt đồng chí. Khu lưu niệm được gia đình, dòng họ xây dựng bảo quản, lưu giữ nhiều hiện vật và tài liệu quý hiếm. Trên bàn thờ, chân dung liệt sỹ có trích một câu trong Thông tư của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra ngày 18/1/1930 về việc đồng chí Nguyễn Sỹ Sách bị bắn ngày 19/12/1929 và câu kết: “Vậy các đồng chí ở đâu đều phải làm lễ truy điệu” (anh em ở Tàu 18/1/1930). Nhà thờ còn lưu giữ cuốn Hồi ký về đời hoạt động của liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách do chính bà Nguyễn Thị Hồng - vợ của đồng chí viết năm 1976 và tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (bản viết tay không có bản in).

Dòng họ cũng đã có nhiều việc làm nhằm giúp con cháu hiểu, nhớ và phát huy truyền thống như: diễn ca gia phả thành trường ca 500 câu, viết truyện kể về dòng họ, truyện cha kể con nghe và dựng nhiều bia dẫn tích, tổ chức hội thảo khoa học về sự hình thành, phát triển, vị thế, truyền thống, gia phong của dòng họ... Với truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, con cháu dòng họ Nguyễn Sỹ luôn có ý thức về việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống. Cụ Nguyễn Sinh Sắc khi đến thăm nơi đây đã tặng đôi câu đối ý nghĩa:

Lưu Tú Viên bồi công đức thụ/Hồi Xuân Lâm trưởng tử tôn chi

(Đến làng Tú Viên thấy công đức tổ thật to lớn/ Rời tổng Xuân Lâm chúc dòng họ phồn vinh)./.

 

 

Nguyễn Sỹ Lan (Tạp chí KH-CN Nghệ An, số 1/2015).

 

 

 

Tạp chí KH-CN Nghệ An

Tin tiêu điểm