Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Một số vấn đề về sự hình thành và bảo tồn gia phong từ Dòng họ Nguyễn Sỹ

Khi nói Gia Phong trong một gia đình, một làng quê... là đã rất phong phú. Đặc biệt khi đề cập đến Gia phong của một xứ thì phạm trù càng lớn, phức tạp và càng phải thận trọng. Xứ không còn chỉ là địa giới, là khu vực mà còn mang trong nó bản sắc văn hoá, có tính chất đặc trưng. Nước có nhiều Tỉnh, Phố, Huyện nhưng không phải ở đâu cũng được gọi là xứ. Chẳng hạn ta hay nghe nói xứ Nghệ, xứ Quảng chứ hầu như không thấy nói xứ Phan, xứ Ninh... Như vậy nói xứ Nghệ là bao hàm một phong cách, một bản sắc, một đặc tính văn hoá. Vì vậy nghiên cứu Gia phong xứ Nghệ lại càng phải chú ý đến những đặc trưng của xứ Nghệ.

 MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ BẢO TỒN GIA PHONG TỪ DÒNG HỌ NGUYỄN SỸ THÔN TÚ VIÊN XÃ THANH LƯƠNG – THANH CHƯƠNG – NGHỆ AN

(Báo cáo khoa học tham dự hội thảo khoa học Gia phong xứ Nghệ)

A). ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong việc hình thành và phát triển nhân cách, Gia phong có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thì việc nghiên cứu để tìm cách phát huy bảo tồn những mặt tích cực, tinh tuý và hạn chế những mặt không phù hợp là một vấn đề rất cần thiết.

Khi nói Gia Phong trong một gia đình, một làng quê... là đã rất phong phú. Đặc biệt khi đề cập đến Gia phong của một xứ thì phạm trù càng lớn, phức tạp và càng phải thận trọng. Xứ không còn chỉ là địa giới, là khu vực mà còn mang trong nó bản sắc văn hoá, có tính chất đặc trưng. Nước có nhiều Tỉnh, Phố, Huyện nhưng không phải ở đâu cũng được gọi là xứ. Chẳng hạn ta hay nghe nói xứ Nghệ, xứ Quảng chứ hầu như không thấy nói xứ Phan, xứ Ninh... Như vậy nói xứ Nghệ là bao hàm một phong cách, một bản sắc, một đặc tính văn hoá.

Vì vậy nghiên cứu Gia phong xứ Nghệ lại càng phải chú ý đến những đặc trưng của xứ Nghệ.

Gia phong là một khái niệm có nhiều nội dung, nhiều tiêu chí đánh giá, có sự hình thành, bảo tồn phát triển, có vùng, miền, thời gian...

Sự hình thành bảo tồn, phát huy Gia phong cũng là một hàm của nhiều tham số. Các nhà nghiên cứu đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực xung quanh Gia phong xứ nghệ. Với trình độ và điều kiện nghiên cứu có hạn, tôi chỉ xin tham góp một số vấn đề, một số nét Gia phong của chi họ Nguyễn Sỹ - thôn Tú Viên xã Thanh Lương – Thanh Chương – Nghệ An. Một số yếu tố quan trọng để hình thành, bảo tồn, phát huy. Hiệu quả của nét Gia phong này đối với con cháu họ Nguyễn Sỹ trong việc tham gia đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, vào xây dựng làng xã và việc hình thành nhân cách. Một số điều có thể rút ra và một số kiến nghị.

Với phương pháp nghiên cứu tư liệu lịch sử, tiếp cận giao lưu điều tra cùng với thuận lợi của bản thân là một trong 4 đinh đời thứ 9 còn lại của dòng họ hiện đang chung sống với các đời thứ 10, 11, 12, 13, 14 và nhãn quan của một nhà giáo đã nhiều năm làm công việc đào tạo, quản lý ở trường Sư phạm, Tôi hy vọng bài viết của mình tuy không đề cập được các vấn đề lý luận khái quát sâu sắc nhưng với nhiều tư liệu thực sẽ góp thêm một tiếng nói trong hội thảo khoa học quan trọng và bổ ích Gia phong xứ nghệ lần này.

B). NỘI DUNG

I. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC HỌ NGUYỄN SỸ - THÔN TÚ VIÊN XÃ THANH LƯƠNG – THANH CHƯƠNG – NGHỆ AN

Chi họ Nguyễn Sỹ ở đây là một dòng họ có danh tiếng tốt đẹp của địa phương. Từ ông tổ đầu tiên Nguyễn Sỹ Tích đến đời thứ 15 hiện nay đã trên khoảng 400 năm và đã có khoảng 8.000 nhân khẩu.

Ngay từ thời xa xưa họ Nguyễn Sỹ đã có nhiều người nổi tiếng. Ví dụ:

- Danh tướng: Nguyễn Sỹ Xung đời thứ 6 (1740 – 1826) Là bậc trung quân ái quốc thời Hậu Lê, là tướng của Tây Sơn được vua Quang Trung ban tặng 2 đạo sắc năm 1792 và phong chức Trung Công Tiết Chế.

- Trong phong trào Cần Vương chống Pháp có nhiều sỹ phu tiêu biểu, võ nghệ cao cường, hy sinh anh dũng như: Nguyễn Sỹ Vơn, Nguyễn Sỹ Biểu, Nguyễn Sỹ Quyền...

- Là dòng họ có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt, mặc dầu một chi họ rất nhỏ cư trú trong một thôn với nhiều dòng họ khác những đã có rất nhiều người thành đạt như:

Ông Nguyễn Sỹ Ấn đời thứ 7 đỗ Cử Nhân năm 1878 và đỗ đại khoa Phó Bảng kỳ tiếp theo được phong làm quan Thị giảng. Ông đã có công giúp cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Bác Hồ ăn ở học hành tại kinh đô Huế.

Ông Nguyễn Sỹ Lạng đời thứ 7 có em ruột, phó bảng (còn gọi là Nguyễn Thúc Hoằng) đã tham gia dạy học cụ Phan Bội Châu.

Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đời thứ 10, chắt đích tôn phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn là Bí Thư kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng Sản Đảng là liệt Sỹ tiêu biểu cách mạng.

Có nhiều con em họ Nguyễn Sỹ tham gia cách mạng. Riêng thời kỳ Xô Viết chi họ có 7 Đảng viên Đảng Cộng Sản Động Dương thì 5 đã hy sinh. Nếu không tính 4 đời đầu độc đinh thì từ đời thứ 5 đến nay, đời nào cũng giữ vững truyền thống hiếu học, nhiệt huyết với đất nước, quê hương. Nhìn chung, dòng họ có một Gia phong, nề nếp, thuận hoà, đôn hậu có pha màu sắc Nho giáo của một vùng thuần quê vùng đất gió lào nghiệt ngã.

Vì những truyền thống tốt đẹp đó, vì công lao với đất nước và cách mạng, vì đã chăm lo giữ gìn gia phong, giữ gìn bản sắc văn hoá nên ngày 20 tháng 5 năm 1997 nhà nước đã phong tặng bằng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia nhà thờ họ Nguyễn Sỹ và ngày 28 – 05 – 1998 nhà nước tiếp tục phong tặng nhà thờ can cụ bố Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn, nơi lưu niệm và thờ tự liệt Sỹ: Nguyễn Sỹ Sách bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá mặc dù hai nhà thờ di tích này của cùng một chi họ, ở trong một thôn và cách nhau khoảng 500m.

Giới thiệu tóm lược dòng họ như thế, tôi muốn từ đó giới thiệu một số kết quả nghiên cứu và một số điều rút ra từ việc hình thành, xây dựng, bảo tồn và phát huy truyền thống gia phong của một dòng họ nhỏ ở một vùng quê xứ Nghệ và kiến giải đề xuất một đôi điều.

II). MỘT SỐ NÉT TIÊU BIỂU VỀ VIỆC HÌNH THÀNH BẢO TỒN GIA PHONG HỌ NGUYỄN SỸ - NHỮNG ĐIỀU RÚT RA VÀ KIẾN NGHỊ

1). Có lẽ do đời cha ông dòng họ Nguyễn Sỹ đã nhận thức được nước ta là một nước nhỏ tồn tại bên cạnh một nước lớn luôn luôn có ý đồ nhòm ngó xâm lược, nên muốn tồn tại phát triển được thì mỗi người dân phải có lòng ái quốc, dám xả thân hy sinh để bảo vệ tổ quốc, khi cần là sẵn sàng lên đường đánh giặc giữ nước. Vì vậy không kể 4 đời đầu (vì không có sử liệu để lại) thì từ đời thứ 5 đến nay dòng họ Nguyễn Sỹ luôn luôn coi trọng động viên các thành viên của mình, sẵn sàng tham gia đánh giặc giữ nước. Dòng họ luôn luôn đi đầu trong vùng về ý chí sẵn sàng hy sinh chiến đấu.

Trước khi Đảng ra đời, dòng họ đã có nhiều vị là tướng tá của vua Thái Đức, Quang Trung, của các lãnh tụ phong trào Cần Vương. Nguyễn Sỹ Xung đời thứ 6 được thưởng 4 đạo sắc, trong đó riêng ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng 44 (tức Mậu ngọ 1784) đã được phong 2 Đạo sắc thăng chức nhị thứ làm đội trưởng bách bộ chức, phó thiên hộ chức là Tráng Tiết Tướng Quân.

Nguyễn Sỹ Biểu đời thứ 6 em Nguyễn Sỹ Xung, Nguyễn Sỹ Quyền đời thứ 7 con Nguyễn Sỹ Xung đã cùng cha lập công rạng rỡ, đã hy sinh và đều được ban thưởng.

Khi có ánh sáng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, con cháu họ Nguyễn Sỹ càng hăng hái đánh giặc giữ nước. tiêu biểu là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ chính là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tổng. Nguyễn Sỹ Sách đời thứ 10 đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc huấn luyện và trở về làm Bí thư kỳ bộ trung kỳ Đông Dương Cộng Sản Đảng, bị địch bắt và đã hy sinh tại nhà lao Lao Bảo. Con em họ Sỹ chiếm số đông và chủ chốt trong chi bộ, trong phong trào Xô Viết. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rất đông đảo con em họ Sỹ đã tham gia quân đội, nhiều người đã hy sinh, nhiều người thành sỹ quan,...

Có được kết quả đó, ngoài truyền thống chung của dân tộc ,sự giáo dục lãnh đạo của Đảng thì dòng họ đã có tác động rất lớn cho con em. Đó là:

- Luôn giữ gìn, trân trọng các chiến phẩm của dòng họ như mũ tướng, các đạo sắc của Vua phong thưởng được để ở vị trí trang trọng trong nhà thờ đến việc lập các bia tưởng niệm...

- Khi cha anh hy sinh thì dòng họ ôm ấp động viên những thành viên còn lại tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu và tiếp tục lên đường, cho nên có nhiều gia đình ông, cha, con, cháu đều ra trận.

- Mặc dầu Nguyễn Sỹ Sách bị địch bắt, dòng họ bị Pháp và tay sai o ép khống chế nhưng dòng họ vẫn lấy nhà thờ làm cơ sở cho hoạt động của Đảng ở địa phương như thành lập chi bộ in ấn truyền đơn tài liệu. Như vậy dòng họ quan niệm việc chiến đấu và hy sinh là hai mặt tất yếu không thể tách rời nhau.

Tôi nghĩ, để có một lịch sử hào hùng như dân tộc ta trong việc chiến đấu giữ nước chống giặc có lẽ nét tiêu biểu của nhiều dòng họ, gia đình, địa phương là giáo dục lòng yêu nước, chí căm thù giặc, dám xả thân hy sinh vì nghĩa nước. Tuy vậy cách làm mỗi nơi có khác nhau. Việc nghiên cứu tổng kết vấn đề này sẽ rút ra nhiều điều bổ ích.

Trong cuộc chiến mới của cơ chế thị trường, của cuộc sống phồn hoa đô hội, một bộ phận thanh niên mờ nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống vật chất tầm thường, việc nghiên cứu tìm ra giải pháp thích hợp để bảo tồn, phát triển nét gia phong nói trên đang đặt ra những vấn đề mới cấp bách.

2). Một nét gia phong rất đáng quý và trân trọng của dòng họ Nguyễn Sỹ là truyền thống hiếu học, coi trọng mục đích và hiệu quả sự học hành.

Có lẽ từ những đời trước, các bậc tiền bối của dòng họ đã thấy rõ ý nghĩa vai trò của sự học, của kiến thức nên đã rất quan tâm đến việc học hành của con em dòng họ. Vì vậy tuy một chi họ rất nhỏ nhưng từ xưa đến nay họ Nguyễn Sỹ luôn đi đầu trong việc chăm lo học hành, trau dồi học vấn, lấy sự học làm trọng. Kết quả đều đó thể hiện rõ qua tất cả các thời kỳ:

- Thời kỳ phong kiến Việt Nam nhiều con em họ Nguyễn Sỹ đã nỗ lực cao trong học tập và dành được nhiều vị trí xứng đáng về khoa bảng.

- Có hàng chục vị cử nhân, tú tài, tam trường, tiêu biểu ông Nguyễn Sỹ Ấn đậu đại khoa (Phó bảng) đời vua Thiệu Trị và giữ chức: Phụng Thành Đại Phu Hàn Lâm Viện Thị Giảng, sung sử quán biên tu. Ông Nguyễn Sỹ Lạng từng là thầy học của cụ Phan Bội Châu.

- Ngay từ những năm 30, nhiều con em họ Sỹ đã từ bỏ hán văn để học Pháp văn, học Quốc ngữ. Liệt Sỹ Nguyễn Sỹ Sách học rất giỏi, nghe nói đỗ đầu trường Quốc họ Vinh cùng khoá với ông Đặng Thai Mai.

Đặc biệt từ Xô Viết Nghệ Tĩnh dòng họ Nguyễn Sỹ không những chăm lo việc học cho con em họ mình mà còn hết sức chú ý đến việc khai trí cho con em trong vùng, đã đứng ra mở lớp, trực tiếp dạy... Để minh chứng tôi xin gửi đến ban tổ chức hội thảo phô tô bức ảnh chụp hội đồng khảo thí Tú Viên chụp tại thôn Tú Viên năm 1936 với hàng trăm thí sinh, thầy giáo, quan chức mà phần đông là của họ Nguyễn Sỹ (trong ảnh có cả bố, em gái Nguyễn Sỹ Sách).

Sau cách mạng việc học càng được coi trọng, mặc dù một vùng đất rất nghèo của Thanh Chương thường gọi là “Cồn lim đá trấy” nhưng con em họ Sỹ vẫn chăm học, học giỏi và thành đạt nhiều. Hiện tại ở quê có trường THPT mang tên Nguyễn Sỹ Sách.

Qua nghiên cứu nét gia phong này, tôi xin nói thêm một số cách làm hay của dòng họ và cách lưu trữ nét gia phong đó:

2.1). Tuy dòng họ không có ai giàu, không có toà ngang dãy dọc nhưng phần nhiều các nhà thờ lớn nhỏ, các gian chính của một số gia đình thường có các bức Đại tự đề cao việc học hành như: Thư Thi Trạch, Truyền Gia Thi Lễ, Thế Đức... xem như là tuyên ngôn là cương lĩnh của gia đình, chi họ để giáo dục, răn dạy con cháu.

2.2). Dòng họ tuy đỗ đạt nhiều nhưng chối từ không làm quan (chỉ có ông Nguyễn Sỹ Ấn làm quan Thị giảng) mà hầu hết trở về làm thầy đồ dạy học và chăm lo việc học cho con cháu. Kể cả đồng chí Nguyễn Sỹ Sách cũng đã làm nghề dạy học. Nhiều người trong dòng họ thường giao lưu, kết thân với các nhà khoa bảng và các dòng họ khác coi trọng việc học hành như cụ Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu, ông nghè Nguyễn Đình Đởn.

2.3). Sớm nhận thức được mục đích ý nghĩa sự học nên đã cố gắng phát huy vai trò học vấn, xây dựng gia phong, đạo đứng trên nền học vấn. Điều này thể hiện rõ từ lâu dòng họ không duy trì tục lệ cúng tế rườm rà, không câu nệ Hán văn để gia nhập Pháp văn, Quốc ngữ, không câu nệ tập tục ma chay cưới xin như Thờ mai gia lễ, sớm có xu hướng cải cách tiến bộ.

2.4). Họ rất chú trọng gìn giữ các kỷ vật liên quan đến việc xây dựng truyền thống hiếu học, gia phong.

Chẳng hạn đôi câu đối của phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi lên nhà thờ họ Nguyễn Sỹ tạ lệ cảm ơn ông Nguyễn Sỹ Ấn:

                           Lưu Tú viên bồi công đức thụ

                           Hồi xuân làm trưởng tử tôn chí

Tạm dịch:   Đến làng Tú Viên thấy công đức Tổ thật to lớn

                   Rời tổng Xuân Lâm chúc dòng họ phát triển.

Câu đối của cụ Nguyễn Sỹ Lạng tặng nhà thờ Họ Sỹ:

                           Đường sử đình giai sinh chi lan

                           Ký cần viên dung kỷ đồ khẩn

Tạm dịch:   Lịch sử giai đường tốt đẹp sinh ra con cháu đông đúc ngoan ngoãn.

                   Sự cần cù siêng năng học tập đạt được mong muốn học vị.

Câu đối của cụ Nguyễn Sỹ Giản (bố của Nguyễn Sỹ Sách) tặng nhà thờ:

                           Vạn cổ cương trù địa duy thiên trụ

                           Nhất tâm tề kính xuân vũ thu sương

Tạm dịch: Duy nhất có mảnh đất này giữ vững kỷ cương nhiều đời nên đứng vững như cột trụ giữa trời. Con cháu một lòng thờ kính thuận hoà đẹp trong như giọt nước mưa mùa xuân giọt sương mùa thu.

Câu đối của con rể học cụ Nguyễn Đình Đởn (tam giáp tiến Sỹ) tặng:

                           Căn xuất thang chu qua điệt thổ

                           Ấm thành xuân lĩnh ngọc lan giai

Tạm dịch: Vùng đất xứ sở này là nơi sinh ra những người học vấn cao. Nhờ đó mà người con rể xứ Xuân Linh đã trở thành viên ngọc tốt.

Bài thơ của ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) tặng họ:

                           Muôn thuở công thành danh hiển đạt

                           Nghìn thu đức sáng họ phồn vinh

                           Nối nghiệp tổ tiên truyền cẩm tú

                           Noi gương con cháu quyết học hành

Thời đại mới như Đảng ta đã chỉ rõ vai trò có tính quốc sách hàng đầu của giáo dục đào tạo. Cơ sở nền kinh tế tri thức phải dựa trên nền học vấn cao, phổ cập. Gốc của nhân văn phải là sự phồn vinh của giáo dục và như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: “đức dục là kết quả của trí dục, trí dục phải tiến tới đức dục, đức trí là một”. Như vậy nghiên cứu sâu sắc truyền thống hiếu học của các dòng họ, gia đình địa phương có tiếng và tìm cách phát huy phù hợp với điều kiện mới là hết sức cần thiết và bổ ích.

3). Dòng họ Nguyễn Sỹ luôn luôn coi trọng việc xây dựng nếp sống kính thuận, lễ phép, thuỷ chung,  trọng hiếu nghĩa.

Không rõ từ ông tổ nào đã chọn tên lót cho mình là Sỹ, và có lẽ điều đó đã làm cho các thế hệ luôn coi trọng giáo dục đức hạnh cho con cháu. Qua các thời kỳ, nội dung và định chế cho nét gia phong này có thay đổi, nhưng có một sự bền vững xuyên suốt các thời kỳ là truyền thống giáo dục, xây dựng và bảo tồn một phong cách sống có màu sắc riêng của dòng họ mà hầu hết dân vùng đó cũng thừa nhận a là con cháu họ Sỹ lễ phép, nho nhã, đôn hậu, kính thuận, thuỷ chung...

Con cháu họ Sỹ dù đỗ đạt cao đứng vào hàng áo mũ hay có tài năng được bổ nhiệm thì cũng sống khiêm nhường giản dị, thường là nhà tranh vách nữa đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ với hàng rào cây xanh cắt thẳng, đẹp. Trong các công việc của làng, xã thì họ tham gia rất nhiệt huyết nhưng không tranh chấp, không lấy thế và luôn hướng thiện. Các công trình dân sinh công cộng của làng Tú Viên như giếng Cn, giếng Cựa, quán, các lớp học chữ Quốc ngữ... đều mang nhiều dấu ấn đóng góp của họ Sỹ.

Trong gia đình chi họ ông cha rất chú ý giáo dục đạo hiếu, báo hiếu với cha mẹ bằng việc giữ vững gia phong. Nuôi dưỡng báo đáp khi cha mẹ già yếu, lo yên ổn mồ mả tổ tiên cha mẹ khi qua đời. Có điều rất đặc biệt là tuy trước đây, vùng cồn Lim dân cư thưa thớt, đất cao hầu hết các dòng họ khác hung táng, cát táng tại cồn thị họ Nguyễn Sỹ đã tìm cho mình một nghĩa trang riêng ở Thòi Lòi cách xa làng vài ba km; Vì vậy đến nay hầu hết mồ mả được bảo tồn nghiêm túc.

Trong đạo nghĩa vợ chồng họ Sỹ chú ý giáo dục tính thuỷ chung, trọng tình nghĩa cho nên rất ít có hiện tượng đa thê hay tái giá. Chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Hồng vợ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, chồng hy sinh lúc chị mới ngoài 20 tuổi, con nhà gia thế, người đẹp, rất nhiều người muốn kết nghĩa phu thê nhưng chị kiên quyết từ chối và ở vậy nuôi thờ bố chồng đến hết đời thọ 91 tuổi. Họ Nguyễn Sỹ có nhiều cách làm hay để giáo dục nét gia phong này, tôi xin nói thêm một ít điều lý thú.

3.1). Họ coi trọng việc xây dựng bảo tồn các từ đường, bia, các bức đại tự, câu đối đối, hoành phi, trướng và phát huy hiệu quả để giáo dục.

Tuy các nhà thờ đều nhỏ nhưng được làm khá đẹp bằng lim, mít, một số nhà thờ làm cách đây trên dưới 400 năm nhưng vẫn được bảo tồn chu đáo.

Để ghi nhớ công ơn cha mẹ, họ Sỹ thường khắc bia. Đây cũng là một cách để răn dạy con cháu.

Chẳng hạn bia đá khắc ngày 26 tháng giêng năm Giáp ngọ 1894 đời Thành Thái thứ 6 do con cháu lập để thờ cha mẹ có đoạn ghi: (tạm dịch) Ông sinh ngày 20 tháng 6 năm 1844 đời Lê Cảnh Hưng, tính tình ngay thẳng, cẩn thận, hiếu học, đọc sách vở kinh sử rất sâu rộng, lấy điều lễ phép để răn dạy con cháu trong nhà.

Hay nói về bà: “Chăm chỉ cần kiềm, lại có hiếu lễ, kính trọng bề trên, cùng chồng giữ gìn gia phong, nuôi dạy con cái nền người”. Bia này khá lớn còn giữ nguyên vẹn tại nhà thờ.

3.2). Các dịp thọ chắn, xuân năm mới các con cháu thường tổ chức yên lão rất đơn sơ về vật chất nhưng trang trọng, tôn kính đậm đà chất nhân văn. Đây là dịp để con cháu thân hữu, thông gia mừng các bài thơ, câu đối.

Các câu đối, thơ... vừa đánh giá công đức vừa chúc mừng, vừa răn dạy con cháu nên có tác dụng giáo dục rất tốt.

Chẳng hạn thơ mừng chị Nguyễn Thị Hồng vợ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách 90 tuổi có bài.

                           Tiết hạnh gương trong soi sáng mãi

                           Hiếu trung trọn đạo toả muôn đời

                           Sử Sách Hồng tươi – dâu họ Sỹ

                           Tước trời ban thưởng thọ mười mươi.

Con cháu họ Sỹ rất thích thơ và nhiều người biết làm thơ.

3.3). Nghiên cứu một số di vật của họ Nguyễn Sỹ còn cho thấy một điều lý thú nữa là: Các đạo sắc của các đời Vua cho một số nhân vật của dòng họ được viết khá cụ thể, có cả phần đánh giá, phần quyết định, phần căn dặn trong đó nhấn mạnh nhiều đến gia phong nhân cách. Tôi xin trích ra đây hai đạo sắc trong các đạo sắc đó (tạm dịch):

Đạo sắc Vua Quang Trung:

Sắc thưởng cho Nguyễn Sỹ Xung xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn chức vụ: Trung  Tướng Phó Chiến đã theo Vua nhận nhiều nhiệm vụ tập trung huy động quân lính, luyện tập giỏi, chỉ huy đánh anh dũng, có uy tín trong quân đội, là Tướng Trung Khiết Dũng Cảm. Nay phong Tráng Tiết Tướng Quân.

Tái thưởng sắc

                   Quang Trung Năm thứ 5 ngày 5 tháng 10 (1792).

Đạo sắc của vua Tự Đức:

Thừa mệnh trời hưng vận nước Hoàng đế ra chế rằng:

Trẫm lập chính dùng người tuân theo phép khảo hạch mà cắt cứ, xét tài năng mà định chức vị thì nêu gương kẻ có tài xử việc. Nay ngươi Nguyễn Sỹ Ấn Tri phủ Kiến Thuỵ, tài học xứng đáng năng lực nên dùng, có tài mưu tính, có năng lực thi hành, có sức giữ vào chính sự.

Rằng thanh liêm, rằng cẩn thận, rằng siêng năng phép quan tăng tiến. Công việc gánh vác trọn vẹn, thành tích sáng rõ, đáng tuyển chọn mà cắt cứ. Nay thăng lên Phụng Thành Đại Phu Hàn Lâm Viện Thị Giảng sung sử quản biên tu.

Nay ban cáo lệnh, hãy khá gắng gỏi, chớ phế khoáng chức trách, chăm lo nhiệm vụ. Hãy kính vâng mệnh trẫm, mãi mãi giữ được nghiệp sáng đã dựng nên.

                   Ngày 27 tháng 02 năm Tự Đức thứ 5 (Mậu tý 1853)

Qua 2 đạo sắc trên ta thấy người xưa khen thưởng hay bổ nhiệm trong quyết định đã nêu khá cụ thể, có tác dụng gây ấn tượng sâu sắc cho người thừa hành và động viên giáo dục.

Nhân đây tôi có một liên hệ nhỏ, không biết có phải ngày nay chúng ta hơi đơn giản hoá vấn đề hay không mà các quyết định khen thưởng đến quyết định bổ nhiệm hầu hết đều cùng khuôn mẫu và mọi người đều có cùng nhận xét giống nhau. Chẳng hạn học sinh đạt danh hiệu tiên tiến.

- Hầu hết các cuộc thăm viếng, cảm ơn ngày nay mang nhiều thủ tục vật chất và phổ biến là phong bì (nặng nhẹ tuỳ trường hợp). Hiếm có việc tặng thơ, câu đối, đại tự, bài viết, nên giá trị lưu giữ và giáo dục gia phong vì thế cũng khó hơn.

C. KẾT LUẬN

Tự nghiên cứu 1 chi họ nhỏ ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ ta thấy cha ông rất công phu, có bài bản trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy gia phong và bản sắc văn hoá; Nhiều trường hợp đã được thao tác hoá, hành động hoá.  Dẫu qua nhiều cuộc dâu bể nhưng họ Nguyễn Sỹ vẫn giữ cho mình bản sắc riêng. Tuy nhiên họ cũng có nhiều đổi mới để phù hợp với yêu cầu mới, song đã giữ vững những cái gì có ý nghĩa vĩnh hằng như sống trọng tình nghĩa, đạo lý, yêu nước, hiếu học...

Hiện nay đã và đang có nhiều xáo động về bậc thang giá trị xã hội. Nếu như thời phong kiến thang bậc cao ở khoa bảng, thời tư bản giá trị đo bằng đồng tiền, thời cách mạng là tuổi Đảng, là thời gian và chức vụ tham gia cách mạng. Thì hiện nay thang giá trị cao nhất là gì? Sự đan xen bậc thang giá trị vào các giai tầng xã hội như thế nào?

Nếu như thời phong kiến ta đưa hình tượng các vua hiền, Quang Trung, Lê Quý Đôn. Thời đánh Pháp có Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót, thời đánh Mĩ có Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi...

Ngày nay hình tượng anh hùng nào thích hợp cho học sinh, thanh niên, họ là ai, tiêu chí cụ thể như thế nào?

Tôi nghĩ hội thảo này có thể chưa có được sự giải đáp đầy đủ trọn vẹn, dầu sao cũng là những tiếng nói trí tuệ để góp phần làm sáng tỏ thêm câu trả lời những yêu cầu của thời đại, ngay cả những vấn đề như gia phong xứ nghệ.

Tư liệu bài viết căn cứ nhiều vào gia phả của dòng họ Nguyễn Sỹ viết bằng Hán tự năm 1889, hơn 20 di vật còn lưu giữ của dòng họ, báo cáo khoa học của bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh khi đề nghị nhà nước tặng bằng di tích và các cuộc đối thoại và tìm hiểu của bản thân.

Tôi xin gửi kèm theo đây về ban tổ chức hội thảo:

- Phô tô 2 bằng công nhân di tích.

- Phô tô ảnh chụp Hội đồng khảo thí quán Tú Viên 1936.

- Bản Diễn ca lịch sử dòng họ Nguyễn Sỹ dài 470 câu để góp phần giáo dục truyền thống và gia phong cho con cháu (đã cáo Tổ và báo cáo họ rằm tháng giêng xuân Nhâm ngọ).

Bài viết có thể có một số sai sót, rất mong được sự góp ý của các quý vị và độc giả

                   Xin chân thành cảm ơn!

                                                Nguyễn Sỹ Lan

Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung Học Sư Phạm Nghệ An

Tháng 10 năm 2002

 

-------o0o-------

 

Tin tiêu điểm