Trang chủ
Về trang trước
0
  • Chọn tìm hiểu mối quan hệ

Thòi Lòi - Nghĩa trang chi họ - Nơi an nghỉ của cha ông - Một vùng cát địa

Thòi Lòi gồm một vài đồi núi thấp, có địa thế đẹp, bao bọc xung quanh là ruộng nước, cách nhà thờ Can Cụ khoảng 1,5 km. Nơi đây, ông bà Can Cụ chọn làm nơi an nghỉ. Sau đó, lần lượt là ông bà Quan Thị Giảng, ông bà Nguyên, ông bà Cử Lạng, Cụ Ấm, ông bà Hàn Giản… đã về an nghỉ với ông bà. Kể từ năm 1844 đến nay đã gần 200 năm, Thòi Lòi trở thành khu nghĩa trang của chi họ Can Cụ chúng ta.

THÒI LÒI - NGHĨA TRANG CHI HỌ - NƠI AN NGHỈ

CỦA CHA ÔNG - MỘT VÙNG CÁT ĐỊA

 

I. MỞ ĐẦU:

Thòi Lòi gồm một vài đồi núi thấp, có địa thế đẹp, bao bọc xung quanh là ruộng nước, cách nhà thờ Can Cụ khoảng 1,5 km.

Nơi đây, ông bà Can Cụ chọn làm nơi an nghỉ. Sau đó, lần lượt là ông bà Quan Thị Giảng, ông bà Nguyên, ông bà Cử Lạng, Cụ Ấm, ông bà Hàn Giản… đã về an nghỉ với ông bà. Kể từ năm 1844 đến nay đã gần 200 năm, Thòi Lòi trở thành khu nghĩa trang của chi họ Can Cụ chúng ta.

Trước đây, Thòi Lòi chủ yếu chỉ ông bà ta an nghỉ, sau này nhất là đến những năm 70 của thế kỷ 20, họ đại tôn Nguyễn Sỹ đã quy tập các ngôi mộ tổ tiên nằm rải rác từ Cồn Lim, Núi Cốc, Đồng Dăm, Nhà Ngui… về tại đây, sắp xếp theo thế thứ tạo nên nghĩa trang của cả đại tôn họ Nguyễn Sỹ.

Đến năm 1997, 1998 Nhà nước tặng 2 bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Đại Tôn, nhà thờ Can Cụ thì xã chính thức cấp một vùng đất đẹp để họ ta xây dựng kỳ đài hình tháp bút, xây bờ tường tạo nên một khu nghĩa trang tôn nghiêm bề thế. Từ đó đến nay, chi họ Can Cụ cùng các chi họ khác của họ Nguyễn Sỹ đã trùng tu tôn tạo nhiều đợt làm cho khu vực Thòi Lòi trở nên khang trang bề thế làm nơi an nghỉ quây quần của tổ tiên ông bà nhiều thế hệ.

Các đợt chính của con cháu tu sửa nâng cấp là:

- Năm 1976-1977 quy tập các ngôi mộ nhiều nơi để tạo thành nghĩa trang của họ.

- Năm 1997- 1998 con cháu tập trung xây kỳ đài, bờ kè, nâng cấp các lăng mộ từ đời thứ nhất đến đời thứ sáu.

- Năm 2003, một đợt đại tu quy mô lớn xây dựng tu sửa tượng đài, kè đá, cột quyết, cổng, đặt bia và nâng cấp khu vực lăng mộ chi Can Cụ, ông Cử Lạng...

- Xây dựng khu lăng mộ ông bà Nguyễn Sỹ Sách, ông Nguyễn Sỹ Diệu..., ốp đá một số ngôi mộ...

- Năm 2006 tiếp tục hoàn thiện nâng cấp, xây bờ bao khu mộ ông bà Nguyên, ngôi mộ năm (Là năm con của Can Cụ), đặt các lư hương đá, bia đá ông Diệu. Như vậy, đến nay việc trùng tu giữ gìn nâng cấp khu nghĩa trang Thòi Lòi của chi Can Cụ chúng ta cơ bản đã hoàn tất.

- Thòi Lòi có địa thế đẹp: Tọa sơn, hướng thủy, tựa vào dãy núi trăm hòn, nhìn ra dòng sông lam  xanh biếc. Đất không dùng để canh tác nhưng cũng đủ độ phì nhiêu để cây lưu niên xanh tốt.  Đất Thòi Lòi không cao quá, nằm xa đường lớn vài trăm mét đủ để ông bà an nghỉ yên bình nhưng tạo thuận lợi cho con cháu dễ đi lại thăm viếng.

Khu tượng đài, khu lăng mộ, lăng Can Cụ, ông bà ông Cử Lạng, ông bà ông Sách vừa trang nghiêm nhưng cũng rất bình dị, vừa thiêng liêng vừa như nhắc nhở con cháu, thể hiện rõ tính chất, bản thế của chi họ.

II. MỘT SỐ ĐIỀU HƯỚNG DẪN KHI THĂM VIẾNG THÒI LÒI GIÀNH CHO CON CHÁU CAN CỤ:

1. Bước lên mấy bậc cổng cao: Qua hai cột quyết chúng ta gặp ngay ngôi lăng mộ đầu tiên đó là lăng mộ Can Cụ bà Nguyễn Thị Lộc đời thứ 6. Bà nằm đây như vui mừng gặp lại con cháu khi đến thăm viếng ông bà, tiên tổ.

2. Sắt canh khu tượng đài: Đó là lăng mộ đại tôn họ Nguyễn Sỹ. Trong khu vực này có:

- Mộ hai ông bà đời thứ nhất Nguyễn Sỹ Tích: Thủy tổ của dòng họ

- Các lăng mộ ông bà từ đời thứ 2 đến đời thứ 6

- Riêng bà Can Thường đời 4 không đưa vào đây mà để ở giếng sau (Vì ngôi mộ thiêng này không cho phép di chuyển).

- Lăng mộ ông bà Can Xung đời thứ 6 đang được xây cất khang trang tại ngay nơi ông bà yên nghỉ từ trước: Giữa cồn lim.

- Can Khuê đời thứ 6 còn nằm một góc phía ngoài khu đại tôn (Vì con cháu Can Khuê chưa tiến hành thủ tục rước Can vào khu vực trong lăng).

- Ông bà Can Cụ đời thứ 6 cũng không đưa vào khu lăng mà nằm yên vị tại chỗ như trước đây, Can ông nằm ở phía trong của núi Thòi Lòi cách cổng khoảng 250m về phía tây.

3. Khu lăng mộ của riêng chi Can Cụ: Đã được xây tường bao, gắn bia chỉ dẫn. Trong khu vực này có:

- Các ông bà đời thứ 7 như Quan Thi Giảng, Bà Cố Hựu (Vợ cả ông Cử). bà Rực Kế thất Quan Thị Giảng.

- Đời thứ 8 có lăng ông bà Thên, ông bà Diệu ( Con trai ông Cử Lạng ), ông bà Cụ Ấm ( Nguyễn Sỹ Khanh ).

- Đời thứ 9 có ông Đạm (Con ông Thên), ông Phương, bà Năm (Con, dâu ông Diệu), ông Bảy ( Con cụ Ấm ) và một số ngôi sơ tảo lạc. Các ngôi đều đã có mộ chí, riêng sơ tảo lạc không đặt mộ chí.

4. Khu vực mộ Can Cụ ông: Nằm cách khoảng 250m về phía tây, bao gồm:

- Lăng mộ Can Cụ ông Nguyễn Sỹ Chấn - đời thứ 6

- Lăng mộ ông Cử Nguyễn Sỹ Lạng đời thứ 7 và bà cố Thên (Kế thất ông Cử Lạng). Khu vực lăng mộ ông Cử có tường bao xung quanh.

- Sát cạnh lăng mộ Can Cụ ông là lăng mộ ông bà Bốn (Đời thứ 9, con dâu cụ Ấm), ông bà Phợm (Đời thứ 10 con ông bà Bốn).

- Phía trước mộ ông bà Bốn là ngôi mộ năm (Năm con của Can Cụ)

- Lăng mộ ông bà Nguyên nằm cách lăng mộ ông Cử Lạng khoảng 10m. Ở đây có 7 ngôi gồm ông bà Nguyên, ông bà Giao, ông Bàn là em trai ông Nguyên. Khu vực này đã xây bao.

5. Các khu vực khác

Do trước đây Thòi Lòi là một khu vực núi nhiều cây cối um  tùm, không có người ở, không sản xuất gạch ngói, trồng cây sản xuất. Các thầy địa lý đã xem đất đặt các ngôi lăng mộ từ thời xa xưa. Sau này thể theo nguyện vọng con cháu, điều kiện địa lý và tâm linh nên vẫn giữ nguyên ở các vị trí đó. Vì không nằm liên kết một chỗ nên con cháu dễ sơ suất khi đi thăm viếng. Xin được hướng dẫn cụ thể như sau:

- Lăng mộ ông bà Tám (Đời thứ 9 con Cụ Ấm ), ông Sinh (Đời thứ 10 con ông Tám ), cháu Nguyễn Thị Nuôi (Đời thứ 11 con ông Duận), được nằm ở trong vườn nhà anh Trần Vinh (hiện nay), cách cổng lăng khoảng 80m về phía Đông Bắc. Khi đi viếng tiện nhất là qua cổng, qua sân nhà anh Trần Vinh. Các ngôi lăng mộ này đã được ông bà Duận ốp đá, nâng cấp.

- Lăng mộ ông bà Hàn Giản (đời thứ 9 con cụ Ấm ), ông bà Sách (đời thứ 10 con ông Hàn Giản) nằm cách cổng lăng khoảng 200m về phía Đông Bắc, đi qua cổng nhà ông Vinh về phía lò gạch, ô tô có thể đến tận nơi). Các cháu Lan Hương, Lê Kinh Quốc đã cùng chi họ xây dựng khu lăng rất khang trang bề thế, là nơi nhiều khách, cán bộ tỉnh huyện thường đến thắp hương thăm viếng.

- Lăng mộ ông bà Sáu (Đời thứ 9 con cụ Ấm) nằm cách bờ tường khu vực lăng chi Can Cụ khoảng 5m về phía tây. Chị Đồng cùng các cháu rước bà từ Hà Nội về ở liền ông và đã xây lăng kiên cố có tường bao quanh.

III. KẾT LUẬN:

Hướng về cội nguồn, thăm viếng lăng mộ ông bà tổ tiên là trách nhiệm nghĩa cử cao đẹp mà con cháu cần luôn nhớ. Vì con cháu chi ta sinh sống và công tác ở xa, nên mỗi lần có điều kiện về quê cần sắp xếp kế hoạch ra thăm viếng lăng mộ ông bà. Chúng ta không cần những thủ tục rườm rà, những quan niệm mê tín, nhưng bằng tấm lòng, lễ vật hương khói khi thăm viếng là biểu hiện tấm lòng biết ơn tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Con cháu chi ta đã nhiều lần góp tâm góp sức, góp công bảo trì tôn tạo khu nghĩa trang Thòi Lòi nghiêm trang bề thế. Tấm lòng của con cháu chính là nén hương thơm cầu chúc tổ tiên ông bà ngàn thu an giấc, cầu xin ông bà phù hộ cho con cháu, chi họ, luôn luôn phát triển, đời đời hưởng phúc./.

        Vinh, Tháng 09 năm 2006

        Nguyễn Sỹ Lan - Đời Thứ 9

 

 

Tin tiêu điểm